Ông bố này đã rất bối rối khi y tá thông báo vợ sinh con trai nhưng sau đó lại được trao một bé gái.
Khi chuẩn bị đi sinh, chắc hẳn nhiều mẹ bầu sẽ được người có kinh nghiệm dặn dò phải nhìn kĩ mặt bé khi chào đời để tránh trường hợp trao nhầm con. Như gia đình dưới đây đã gặp phải tình huống "dở khóc dở cười" vì sự nhầm lẫn không đáng có của y tá.
Chị Xing và anh Li là một cặp vợ chồng mới kết hôn được vài năm. Lúc trước, cả hai đã từng nhận tin vui một lần nhưng không may thai bị sẩy khi vừa bước qua đầu tháng thứ 3. Vì thế, khi biết tin cấn bầu lần nữa sau một khoảng thời gian dài chờ đợi, cả hai đều rất vui mừng và vô cùng cẩn thận. Họ còn bỏ ra một khoản tiền lớn, chọn một bệnh viện đắt đỏ để đảm bảo sức khỏe thai kỳ của cả hai mẹ con luôn được theo dõi đảm bảo.
9 tháng 10 ngày trôi qua rất nhanh và thai kỳ của chị Xing vô cùng bình an. Vì đây là con đầu lòng của cặp vợ chồng nên cả gia đình hai bên cũng đều rất sốt ruột. Vào ngày sinh, rất đông người thân của cả hai nhà đã tới bệnh viện đứng trước cửa chờ sẵn. Khoảng 1h sáng, một nữ y tá bước ra thông báo chị Xing đã sinh con trai, hiện tại bé đang được tắm rửa, da tiếp da với mẹ rồi sẽ trao cho gia đình. Trước đó, chị Xing nhất quyết từ chối biết trước giới tính em bé nên nghe tin "con đầu cháu sớm" là cháu trai, cả nhà đều hết sức vui mừng.
Y tá thông báo chị Xing đẻ con trai nhưng lát sau lại trao một bé gái.
Vậy nhưng khoảng 1 tiếng sau, chị Xing và em bé được một y tá khác đẩy ra ngoài, mẹ chồng chị tiến lên "đón tay" bé rồi lật tã ra kiểm tra thì giật mình khi thấy bé là một bé gái. Cả gia đình đều rất hoang mang, đặt ra nghi vấn có phải bé bị trao nhầm hay thậm chí đánh tráo hay không. Khi hỏi chị Xing thì chị nói: "Không, là con gái mà. Đúng bé này". Thêm vào đó, phòng sinh của chị Xing là phòng dịch vụ, được đặt riêng nên chỉ có mình chị sinh tại đó, vệ sinh, tắm rửa cho bé tại phòng luôn nên không có chuyện nhầm lẫn được. Cả gia đình tiếp tục về phòng nghỉ ngơi và chờ lời giải thích từ phía bệnh viện.
Sau đó, bệnh viện mới cho biết là nữ y tá đầu tiên đã thông báo nhầm. Cô cho biết: "Tôi mới đi làm được một tháng, hôm đó là lần đầu tiên gặp phải trường hợp dính nhau thai sau sinh, bác sĩ có nói tôi lấy thuốc để đặt cho sản phụ nên không chú ý đến giới tính của em bé. Khi đó, các bác sĩ đang thảo luận về giới tính của một đứa trẻ khác, khen rằng rất đẹp trai nên tôi đã nghĩ rằng đó là nói con của gia đình cô Từ và thông báo cho họ em bé là bé trai. Tôi thành thật xin lỗi".
Hóa ra là do nữ y tá chưa kiểm tra mà đã thông báo nhầm giới tính của bé.
Để đảm bảo sự tin tưởng với gia đình, phía bệnh viện còn đền bù chi phí để xét nghiệm ADN cho bé với bố mẹ. Kết quả xác nhận em bé đúng là con của chị Xing và anh Li, không hề có sự nhầm lẫn. Chỉ đến lúc đó, mọi người mới có thể thở phào nhẹ nhõm và chúc mừng cặp vợ chồng mới lên chức rối rít.
Qua câu chuyện này, những mẹ bầu và người thân khi đi sinh cũng rút ra kinh nghiệm cần hết sức lưu ý để tránh bị trao nhầm hoặc cố ý đánh tráo con. Mẹ bầu và gia đình cần nhớ những lưu ý dưới đây:
Xem mặt con thật kỹ
Người mẹ sau khi sinh xong được y tá cho xem mặt con, dù mệt đến đâu cũng phải cố gắng quan sát bé thật kỹ. Vì các bé sơ sinh thường khá giống nhau nên mẹ hãy để ý những đặc điểm nổi bật của bé như vết bớt hay má lúm.
Khi bé được trao cho bố, bố có thể tháo luôn mũ trên đầu con để xem tóc con thế nào, nhiều hay ít. Cũng có thể tháo phần bao chân của con, nhìn thật kỹ hình dáng, rồi cả phần móng chân của con và chụp lại một vài bức ảnh để sau này so sánh.
Luôn theo sát bé sơ sinh
Em bé sẽ không bị trao nhầm cho gia đình khác nếu bạn luôn ở bên con. Hãy hỏi y bác sĩ những loại xét nghiệm, kiểm tra nào có thể làm ngay tại phòng để tiện theo sát con. Trường hợp trẻ phải được đưa tới nơi khác, hãy nhờ người thân đi cùng.
Tại bệnh viện sẽ có rất nhiều trẻ sơ sinh chào đời một ngày, bố mẹ cần lưu ý tránh bị trao nhầm con. (Ảnh minh họa)
Ghi nhớ thông tin của trẻ
Trẻ mới chào đời luôn được đeo vòng tay. Khi nhận lại bé từ y bác sĩ, gia đình cần kiểm tra thông tin trên vòng tay trẻ có khớp với mẹ không. Bên cạnh đó, bố mẹ đừng quên các đặc điểm khác như giới tính, màu tóc bé... Bạn cũng có thể yêu cầu y bác sĩ cân và đo chiều dài cho bé thêm lần nữa.
Đánh dấu trên cơ thể con
Theo kinh nghiệm của nhiều gia đình, để tránh bị trao nhầm con, mẹ nên mang theo bút lông để đánh dấu vào chân con. Khi vừa chào đời, các nhân viên y tế sẽ chỉ vệ sinh sơ qua cho con nên sẽ không sợ bị mờ vết bút.