Người chồng này bị dân mạng ném đá tơi tả.
Sự xót xa và trân trọng mà người chồng cho quá trình vượt cạn của vợ có thể làm tan biến hết thảy vất vả, mệt nhọc, đồng thời cũng có thể giúp người vợ nhận ra ý nghĩa đằng sau sự hi sinh của mình. Bởi khi phụ nữ trở thành người mẹ, không chỉ sức sống, nhiệt huyết và ước mơ đều bị mai một mà còn phải gánh không biết bao đau đớn, kiệt quệ về thể xác khi sinh con. Một người chồng tốt là phải hiểu được những điều cơ bản này.
Nhưng thực tế có những người chồng lại chỉ quan tâm đến cảm xúc của bản thân mà coi nhẹ tổn thương của vợ. Đó là suy nghĩ đáng hổ thẹn và nhục nhã của một người đàn ông. Câu chuyện về một anh chồng như vậy đang khiến dân mạng phẫn nộ.
Một năm trước, một chị vợ ở Trung Quốc khi vào phòng sinh đã rất sợ hãi. Biết tâm trạng của vợ, anh chồng nắm lấy tay cô và nói: "Đừng sợ, anh sẽ cùng vào với em". Người vợ đã rất cảm động trước sự đồng hành và an ủi ấm áp từ người chồng. Cô còn cho rằng đó là khởi đầu của một tổ ấm 3 người hạnh phúc.
Nhưng không ngờ ít ngày sau đó, người chồng đã đưa ra một lá đơn ly hôn với lý do rạn nứt tình cảm. Nguyên nhân khiến mối quan hệ tan vỡ là vì sau khi cùng vợ vào phòng sinh, người chồng cảm thấy kinh hãi, không muốn gần gũi vợ nữa, thường xuyên cãi vã vì những chuyện vặt vãnh và ngủ phòng riêng.
Đáng nói là anh này còn nói với vợ những lời vô cùng phẫn nộ: “Vừa nghĩ tới cách cô sinh con, tôi đã thấy sởn da gà. Mỗi lần nhớ lại là ngay lập tức muốn ly hôn”. Người vợ nghe vậy, rơi nước mắt tiếc nuối: “Đúng là tôi đã sai. Anh không xứng đáng được có con”.
Mối quan hệ vợ chồng vốn chẳng thể nói trước được điều gì, ban đầu ngọt ngào ấm áp nhưng sau lại có thể lạnh lẽo và tàn nhẫn. Sau khi câu chuyện được đưa lên mạng xã hội, một cuộc tranh luận đã nổ ra.
Một số người vợ cho rằng đừng nên cho chồng vào phòng sinh con cùng vì sẽ gây ám ảnh tâm lý. Nhưng cũng có không ít người đặt câu hỏi: “Chứng kiến vợ khổ như vậy rồi, không phải là nên thương vợ nhiều hơn sao?”. Nhiều người đàn ông cũng bày tỏ: “Tôi đang có con nhỏ. Tôi cảm nhận được mọi chuyện không hề dễ dàng với vợ, luôn tự hứa sẽ chăm sóc vợ nhiều hơn”.
Thực tế, sinh đẻ là một quá trình cực kỳ đau đớn nhưng cũng rất kinh khủng về mặt thị giác: máu me be bét, vùng kín tan hoang khi sinh thường, nội tạng phơi ra nếu sinh mổ. Nhưng các anh chồng đừng quên, nếu có cơ hội chứng kiến tất cả những điều này thì lại càng phải hiểu vợ đã khổ sở chịu đựng nhiều thế nào và cần tôn trọng sự hi sinh vĩ đại của người vợ.
Yêu vợ gấp nhiều lần
9 tháng 10 ngày mang thai với đủ mọi cung bậc cảm xúc và nặng nề mệt nhọc, phải đối mặt với những khoảnh khắc sinh tử. Nếu người bố chứng kiến thôi mà đã cảm thấy bị ám ảnh về tâm lý, thì cần bao nhiêu dũng cảm và nghị lực để người mẹ trải qua chuyện này? Mỗi đứa con được sinh ra đều là thành quả vĩ đại nhất trong cuộc đời người mẹ.
Một ông bố tên Sa Bening đã kể lại trải nghiệm của mình khi vợ sinh thường một em bé trong lần thứ 2: “Cả quá trình tôi còn đau lòng hơn cả vợ”. Anh lo lắng đến mức gần như ngã quỵ, còn lén quay video vào điện thoại di động, sau này muốn cho các con xem lại về sự hi sinh của mẹ. Anh ứa nước mắt nói: “Cho đến giây phút đó, tôi đã hiểu cái giá của việc tạo nên một cuộc đời mới”.
Cái giá phải trả nhẹ thì đau đớn cùng cực, nặng thì tai nạn hoặc tính mạng. Nhưng có bao nhiêu nỗ lực của những người mẹ lại bị phủ nhận bởi định kiến và sự thiếu hiểu biết: “Điều gì đã xảy ra với một phụ nữ có con?”, “Chỉ mới sinh con thôi mà?” – những câu hỏi nhẹ bẫng như lông hồng được đưa ra. Nhưng mấy ai hiểu những đau khổ và tổn thương người mẹ đã phải gánh chịu lại không thể tóm gọn lại được trong một câu nói.
Đối mặt với tử thần
Có câu nói: Sinh con giống như bạn vắt một quả dưa hấu ra bằng lỗ mũi và dùng hết tốc lực đá vào bụng bằng những đôi giày mũi nhọn. Và nếu cơn đau đẻ là cấp độ 12, thì vết cắt rạch tầng sinh môn là cấp độ 20. Bạn có thể cảm nhận rõ ràng từng đường kim xuyên qua da thịt sống của mình khi khâu.
Hoặc giả như nỗi đau có thể chịu đựng được nhưng những tai nạn bất ngờ có thể giết chết người mẹ bất cứ lúc nào. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, hàng năm có 536.000 phụ nữ mang thai tử vong, tức là mỗi ngày có khoảng 1.500 phụ nữ mang thai tử vong do các biến chứng liên quan đến thai nghén hoặc sinh nở.
Băng huyết, tăng huyết áp khi mang thai và thuyên tắc ối, tất cả đều có thể cướp đi sinh mạng của các bà mẹ ngay lập tức. Việc sinh con là một cánh cửa, bên ngoài là niềm vui đón chờ cuộc sống mới, nhưng bên trong lại là sự hồi hộp đến nghẹt thở khi chiến đấu với tử thần.
Sinh nở là tấm gương kì diệu của hôn nhân
Quá nhiều ví dụ đã cho thấy một sự thật đau lòng: Dù người chồng nhờ vợ mà được làm bố, từng thề thốt hứa hẹn nhiều trước khi vợ sinh con nhưng lại chẳng giữ lời được đến tận cùng. Sau khi đứa con được sinh ra, bộ mặt chân thực nhất của cuộc hôn nhân được bộc lộ một cách rõ ràng. Dù đó là tình cảm hay lạnh nhạt, chăm sóc tận tình hay vô tâm mặc kệ.
Từng có một câu chuyện cầu cứu gây sốc xuất hiện trên mạng xã hội: “6h sáng một ngày trước dự sinh con thứ 2, hai vợ chồng vội vàng vào viện vì thấy những dấu hiệu lâm râm đau. Lúc đó chỉ có một bác sĩ nam trực, tiến hành khám trong cho vợ. Điều này khiến người chồng cảm thấy rất khó chịu. Sau 40 giờ, vợ sinh con suôn sẻ. Nhưng việc con chào đời lại không làm nhạt đi sự khó chịu của người chồng.
Anh chồng đã cố hỏi chi tiết sau khi vợ sinh xong và về nhà. Sau 3 lần truy hỏi, vợ đều không nói chi tiết việc bác sĩ nam đã làm. Người chồng cầu cứu dân mạng: “Khi nghĩ về mọi chuyện lúc đó, tôi thấy không thở được. Tôi bị ám ảnh, cứ thế một mình chống chọi với cảm giác này và thậm chí còn có ý định tự tử”.
Nhiều người bình luận đồng loạt cho rằng chính cô vợ mới là người nên uất ức chứ không phải chồng. Bởi vì cô ấy đang rất mong manh về thể xác và tinh thần trong kỳ ở cữ. Vợ đã đủ xấu hổ vì chuyện đó nên mới không dám nói, mà chồng lại còn truy hỏi và suy nghĩ như vậy thì quả thực rất ích kỷ.
Khi bạn đau, bạn sẽ không màng đến đó là đàn ông hay phụ nữ, chỉ biết rằng người đó có thể cứu mình. Còn với anh chồng, điều gì quan trọng hơn mạng sống của vợ con anh?
Sự xáo trộn sau sinh trong năm đầu tiên
Sau sinh, người vợ phải quẩn quanh bên con 24/24 giờ, bị mắc kẹt trong thiên chức mới, không có thời gian, sức lực, bạn thân… Áp lực tâm lý quá mức có thể đẩy người mẹ vào căn bệnh trầm cảm sau sinh. Chưa kể sự bỏ mặc và vô trách nhiệm của người chồng lại càng như mũi dao giết chết trái tim của người vợ.
Nếu không biết xót xa và thương cảm cho vợ, đó đích thị là một gã đàn ông bội bạc và phụ tình. Mọi người mẹ đều xứng đáng nhận được sự chăm sóc dịu dàng. Hạnh phúc sau khi sinh con xong của người vợ bị chi phối lớn từ cách người chồng đối xử với cô ấy.
Có người vợ tâm sự về câu chuyện của mình: “Sau sinh, tôi làm mẹ toàn thời gian. Mặc dù cơ thể vẫn mệt mỏi và xấu xí nhưng luôn cảm thấy vui vẻ mỗi ngày. Điều này là nhờ có chồng tôi. Vì lo sợ vợ không có thời gian ăn sáng, chồng dậy sớm hơn nửa tiếng để nấu một bữa ăn đơn giản, hâm ấm một ly sữa và luộc một quả trứng giúp vợ. Sau giờ làm, anh ấy sẽ về nhà sớm nhất có thể, ôm con và hỏi: “Hôm nay con có làm phiền mẹ nhiều không đấy”.
Sau đó, hai vợ chồng cùng nhau dọn dẹp, nấu bữa tối rồi đưa con đi dạo. Vợ thức khuya cho con bú, chồng dù không giúp được nhưng vẫn dậy hỏi: “Vợ ơi, em có muốn uống nước không?””.
Đặc biệt là khi hỏi người vợ về cách “đào tạo” chồng để được như vậy, cô nói: “Đó đơn giản là cú sốc quá lớn với anh ấy khi vợ sinh con thôi. Mất 2 ngày đêm vật vã từ khi chuyển dạ, tôi mới sinh được con. Khi ra khỏi phòng mổ, chồng tôi rưng rưng nhìn dáng vẻ kiệt quệ của vợ và nói: “Đời này dù thế nào cũng phải đối xử tốt với vợ””.
Hãy để chồng đồng hành cùng vợ khi sinh con. Bởi những người chồng tốt sẽ nhìn thấy được sự hi sinh vĩ đại của vợ và trân trọng, biết ơn vợ nhiều hơn. Còn nếu đó là một người chồng tệ bạc, chỉ biết ích kỷ nghĩ đến cảm xúc của mình, vợ cũng có thể nhìn ra sớm hơn. Sinh con quả thực là một chiếc gương soi để nhìn thấu đục trong.