Dù hai vợ chồng đều khỏe mạnh, sống khoa học và sinh hoạt điều độ nhưng mãi không thể thụ thai nên đã đi khám.
Theo nhiều nghiên cứu, tỉ lệ vô sinh - hiếm muộn ở các cặp vợ chồng sau kết hôn đang ngày càng tăng cao. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó có con rất nhiều, có thể từ chồng, vợ hoặc cả hai. Tuy nhiên trường hợp như cặp đôi dưới đây thì cực kỳ hiếm thấy.
Thông tin do bác sĩ Tôn Tự Học - trưởng khoa Y học Sinh sản. bệnh viện thành phố Trịnh Châu (Hà Nam, Trung Quốc) chia sẻ. Người phụ nữ họ Đinh và ông xã họ Lưu (tên đã được thay đổi) đã kết hôn với nhau 6 năm nhưng chưa có con. Trong đó, 2 năm đầu là do cả hai chủ động "kế hoạch" để lo kinh tế. Vậy nhưng sau đó thì "thả" mãi vẫn không thấy "dính".
Chị Đinh cho biết hai vợ chồng đều khỏe mạnh, sống khoa học và sinh hoạt "vợ chồng" đều đặn nhưng suốt 6 năm chưa một lần chị thấy que thử thai lên 2 vạch. Sốt ruột, vợ chồng chị đã đến bệnh viện ở Trịnh Châu kiểm tra.
Vợ chồng chị Đinh đã kết hôn 6 năm nhưng không thể có con. (Ảnh minh họa)
Khi kết quả phân tích tinh dịch của anh Lưu được đưa ra, tất cả mọi người đều sững sờ bởi anh... không hề có tinh trùng như những người đàn ông bình thường. Bác sĩ Tôn Tự Học cho biết ấn tượng ban đầu của ông về anh Lưu là một người có vóc dáng trung bình, ăn nói nhẹ nhàng, làn da còn trắng trẻo mịn màng hơn cả vợ.
Sau khi có kết quả phân tích tinh dịch, bác sĩ có linh cảm nên sắp xếp tiếp cho anh Lưu làm xét nghiệm Karyotype. Đây là xét nghiệm được thực hiện nhằm xác định và đánh giá kích thước, hình dạng và số lượng nhiễm sắc thể trong một mẫu tế bào cơ thể, tìm kiếm và phát hiện những bất thường về số lượng nhiễm sắc thể như đa bội, thiểu bội, hoặc về cấu trúc nhiễm sắc thể như lặp đoạn, mất đoạn, đảo đoạn, chuyển đoạn...
Và kết quả được đưa ra khiến chị Đinh sốc không nói nên lời. Nhiễm sắc thể của chồng chị là 46, XX (tức 44 nhiễm sắc thể thường và 2 nhiễm sắc thể giới tính XX, là bộ nhiễm sắc thể của nữ giới) chứ không phải 46, XY (tức 44 nhiễm sắc thể thường và 2 nhiễm sắc thể giới tính XY) của nam giới. Nói một cách dễ hiểu hơn thì chồng chị có bộ phận sinh dục như một người đàn ông nhưng bản chất sinh học lại là... phụ nữ.
Chị Đinh hoàn toàn suy sụp sau khi biết sự thật này. "Ai ngờ được người chồng mà tôi đầu gối tay ấp suốt bao nhiêu năm qua lại là phụ nữ. Thế này thì làm sao mà có con được nữa? Tôi phải sống thế nào đây?".
Chị Đinh choáng váng khi kết quả kiểm tra cho thấy chồng là... phụ nữ. (Ảnh minh họa)
Về trường hợp này,bác sĩ Tôn cho biết: "Người chồng này không có khả năng sinh sản bởi bộ nhiễm sắc thể bất thường, thiếu khuyết nhiễm sắc thể Y. Kết quả xét nghiệm nội tiết tố cũng cho thấy khả năng sinh tinh gặp trở ngại, không thể sinh sản tự nhiên. Sau này nếu muốn có con thì chỉ có thể sử dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo sử dụng tinh trùng hiến tặng".
Những nguyên nhân gây hiếm muộn, vô sinh phổ biến
Trường hợp vô sinh do một trong hai bị "rối loạn giới tính" như cặp vợ chồng trên là rất hiếm gặp. Một số nguyên nhân gây hiếm muộn, khó có con phổ biến hơn bao gồm:
Nguyên nhân từ phụ nữ:
- Rối loạn phóng noãn: Tình trạng này khiến thời điểm xảy ra rụng trứng không thường xuyên hoặc hoàn toàn không theo quy luật của chu kỳ kinh nguyệt. Đây là hệ quả của các bất thường trong sự điều hòa của hormone sinh sản bởi vùng dưới đồi hay tuyến yên hoặc các vấn đề trong buồng trứng như buồng trứng đa nang, suy buồng trứng sớm,...
- Tổn thương ống dẫn trứng: Do các bệnh lý viêm nhiễm vùng chậu, tử cung, ống dẫn trứng hoặc các phẫu thuật tại khu vực khung chậu, tử cung trước đó.
- Lạc nội mạc tử cung: Gây tắc nghẽn, khiến cho trứng và tinh trùng không thể kết hợp với nhau.
- Bất thường ở tử cung, cổ tử cung.
Nguyên nhân từ đàn ông:
- Khiếm khuyết nhiễm sắc thể.
- Tắc nghẽn ống dẫn tinh.
- Tinh trùng yếu, dị dạng, bất động.
- Không có tinh trùng.
- Vấn đề xuất tinh ngược.
- Giãn tĩnh mạch thừng tinh.
Cùng với đó, vẫn có nhiều cặp vợ chồng vô sinh không rõ nguyên nhân khi cả hai đều khỏe mạnh, bình thường mà không thể thụ thai thành công.