Cân nặng của em bé khi chào đời khiến chính các y bác sĩ của bệnh viện không thể tin nổi.
Thông thường, một em bé sơ sinh chào đời sẽ có cân nặng từ 2,5-3,5kg. Những em bé nặng trên 3,5kg được gọi là thừa cân và phần lớn những em bé này được khuyên nên sinh mổ để đảm bảo an toàn trong quá trình chào đời. Tuy nhiên, một ca sinh mới đây tại Úc đã khiến chính các y bác sĩ phải choáng váng bởi bà mẹ này đã sinh thường một bé gái với cân nặng khủng.
Theo đó, bà mẹ ở bang Victoria (Úc) đã hạ sinh một bé gái với cân nặng 6,6kg bằng phương pháp đẻ thường khiến các bác sĩ thực sự choáng váng.
Bé Willow Amey chào đời nặng 6,6 kg.
Theo Seven News, bé Willow Amey có thể được xem là em bé nặng cân nhất được sinh ra ở tiểu bang Victoria. Khi vừa chào đời, cô bé đã mặc vừa quần áo của đứa trẻ 3 tháng tuổi. Và chính người mẹ cũng vô cùng ngạc nhiên khi Willow nặng hơn chị gái của mình lúc mới sinh rất nhiều.
Ngay sau khi thông tin về em bé Willow được đăng tải, cộng đồng mạng đã dành rất nhiều lời bình luận cho ca sinh này:
“Con trai tôi chào đời 4,2 kg tôi thấy đã to lắm rồi mà em bé này còn nặng tới 6,6kg, thật ngưỡng mộ.”
“Chúc mừng bạn mẹ tròn con vuông. Tôi không thể tin nổi làm thế nào em bé có thể chào đời bằng phương pháp sinh thường.”
“Người mẹ này vĩ đại quá. Làm sao có thể sinh thường được chứ?”
Willow Amey vừa chào đời đã nặng bằng em bé 3 tháng tuổi.
Mặc dù nhận được nhiều sự ngưỡng mộ, tuy nhiên một em bé vượt quá cân nặng chuẩn khi chào đời không phải là điều được khuyến khích bởi trẻ nặng hơn 4kg khi chào đời đôi khi sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ xấu tới sức khỏe, thậm chí người mẹ mang bầu thai nhi to cũng gặp nhiều khó khăn trong thai kỳ và quá trình sinh nở.
Theo Bác sĩ sản khoa Lê Thị Kim Dung - Trung tâm Y tế Thái Hà (Hà Nội), trong quá trình mang thai, nếu thai nhi phát triển quá to sẽ khiến cổ tử cung lớn, gây chèn ép cơ hoành và làm cho người mẹ dễ mệt mỏi, khó thở. Mặt khác, tử cung to cũng chèn ép vào tĩnh mạch vùng chậu, gây phù chân. Bên cạnh đó, ảnh hưởng dễ thấy nhất là khi trẻ càng to thì quá trình chuyển dạ, sinh đẻ bằng con đường tự nhiên càng khó khăn. Nếu thai quá to thì khi sinh bình thường, trẻ chỉ lọt được đầu rồi kẹt ở phần vai, có nhiều trường hợp, bác sĩ phải cắt mở rộng tầng sinh môn để giúp trẻ ra ngoài. Việc kéo dài thời gian sinh và bị chảy máu do tổn thương tầng sinh môn khiến người mẹ dễ có nguy cơ gặp các tai biến sản khoa khi sinh.
Còn đối với thai nhi, các chuyên gia sản khoa cho rằng nhiều năm gần đây, trẻ sinh ra quá to và mắc các bệnh lý phát sinh từ cân nặng “vượt ngưỡng” phải điều trị tại viện ngày càng gia tăng. Điều lo lắng nhất với những ca sơ sinh nặng cân là trẻ dễ bị hạ đường huyết, hạ canxi huyết, kéo theo một loạt biến chứng nguy hiểm như hạ thân nhiệt, suy hô hấp, suy tuần hoàn. Điều này làm trẻ sơ sinh có thể xuất hiện phản ứng chậm chạp, tiếng khóc nhỏ, yếu, trường hợp nặng có thể ngưng thở từng cơn. Vì vậy, các bác sĩ cho rằng, thay vì vui mừng, các bà mẹ nên cẩn thận khi thấy con mình chào đời hoặc tiên lượng ra đời nặng hơn 4kg bởi lẽ có đến 90% trường hợp trẻ lúc sinh ra nặng hơn 4kg là có vấn đề về sức khỏe, mặc dù rất nhiều trường hợp không phát hiện được ngay tức thì.
Cân nặng chuẩn của trẻ sơ sinh khi chào đời là bao nhiêu?
Theo các chuyên gia sản khoa cân nặng của một thai nhi từ 3,2 - 3,5kg được coi là lý tưởng, trên 3,5kg được coi là thai to. Rất nhiều người vẫn cho rằng, con to thì sẽ khỏe, nhưng những trẻ sinh ra nặng cân lại minh chứng điều ngược lại, bởi sức đề kháng yếu và dễ nhiễm khuẩn. So với trẻ sinh ra có cân nặng bình thường, các bé sinh ra có cân nặng vượt chuẩn thường đối diện với nhiều nguy cơ về sức khỏe hơn. Bên cạnh đó, thai quá to cũng ảnh hưởng nhất định đến quá trình sinh đẻ của sản phụ. Thực tế đã có trường hợp gặp tai biến khi sinh do thai nhi có cân nặng quá lớn, gây nguy hiểm cho cả mẹ và con.