Những tưởng bản thân sẽ chẳng thể làm mẹ thêm một lần nữa nhưng cuối cùng chị Linh lại có tin vui với chính vị bác sĩ đã thăm khám cho mình.
Những ngày tháng 4/2020, ở nước Đức, anh Dezso Molnar (người Hungary) đang tình nguyện đi phục vụ tiêm vaccin COVID-19 với mục đích được kết thúc hợp đồng sớm để về Việt Nam cùng vợ con. Tại Đà Nẵng, chị Võ Thảo Linh (38 tuổi) cùng các cộng sự cũng tất bật hơn vì dự án thành lập phòng khám thân thiện đang trong tiến trình hoàn thiện.
Bận bịu là vậy song chị luôn dành khoảng thời gian quý báu cho cậu con trai Aaron lai 4 dòng máu Việt, Hungary, Đức và Israel ra ngoài đi dạo, tham gia các hoạt động ngoài trời. Sự xuất hiện của bé trai 2 tuổi này như một “vũ khí” đập tan tin đồn cho rằng chị không thể sinh thêm con.
Chị Linh bên cậu con trai nhỏ Aaron.
Nhìn cậu con trai Aaron bằng ánh mắt âu yếm, chị Linh bắt đầu trải lòng về cuộc đời của mình. Năm 19 tuổi, chị mang thai con gái đầu lòng nhưng chưa kịp làm đám cưới thì người yêu chị qua đời vì tai nạn giao thông. Không nỡ bỏ giọt máu cuối cùng của người mình yêu thương, chị rời giảng đường đại học, chấp nhận tai tiếng để sinh con gái, đặt tên là Ben.
Khi bé được hơn một tuổi thì chị đi học trở lại. Sau 12 năm kể từ ngày bé Ben chào đời, chị mới lại dám nghĩ tới hạnh phúc riêng. Hai năm sống cùng chồng cũ chị vẫn chẳng thể có con, kết quả kiểm tra cho thấy chị bị vô sinh thứ phát. Khi biết tin, người đó chị liền chấm dứt quan hệ. Hôn nhân tan vỡ, chị Linh lại trở về cuộc sống của một bà mẹ đơn thân ở tuổi 34.
Không cam lòng chấp nhận thực tế khi không biết rõ nguyên nhân, chị Linh nhờ bạn giới thiệu bác sĩ ở nước ngoài tư vấn giúp. Người bạn này kết nối chị với Dezso, một bác sĩ sản khoa rất nổi tiếng người Hungary, đang làm việc ở Đức. Thỉnh thoảng, anh vẫn sang Việt Nam công tác và làm việc. Chị quyết định gửi mail cho Dezso. Suốt thời gian sau đó, hai người thường xuyên trao đổi nhắn tin và dần dần trở nên thân thiết.
Em bé Aaron như một liều thuốc chữa lành mọi vết thương của chị Linh trong suốt nhiều năm về trước.
Hai tháng sau anh có việc về Việt Nam, chị quyết định gặp anh với tư cách bạn bè. Cầm kết quả chụp chiếu chị Linh đưa, Dezso nói chị không hề bị vô sinh, không có dấu hiệu bất thường. Sau đó, Dezso về Đức, hai người vẫn nói chuyện qua mạng như bạn bè. Mãi nhiều tháng sau, khi vị bác sĩ sản về Việt Nam như thường lệ và quyết định thay đổi lịch trình để vào Đà Nẵng thì cả hai mới bắt đầu chớm có tình cảm. Đến lần về Việt Nam tiếp theo và tham gia cùng nhóm bạn thân của chị thì cả hai mới chính thức yêu và đến với nhau.
Cả chị Linh và Dezso đều đã từng trải qua hôn nhân thất bại, cuộc hôn nhân đó cũng từng là lễ cưới linh đình lộng lẫy nhưng cũng chẳng vì thế mà tồn tại được. Nên khi quyết định kết hôn lần này, cả hai vợ chồng chị đều thống nhất muốn lễ cưới là riêng tư và chỉ cần sự chứng kiến của những người thân nhất trong gia đình.
Từ mối quan hệ bạn bè, họ đã trở thành một cặp vợ chồng rất đẹp đôi.
Thời điểm năm 2018 khi vẫn chưa kịp làm đám cưới thì chị Linh bất ngờ phát hiện có em bé. Lúc đó Dezso đang ở Đức và theo múi giờ là vừa bắt đầu họp như thường lệ vào mỗi buổi sáng ở bệnh viện.
Sau khi đi khám về chị Linh chụp mỗi hình ảnh siêu âm gửi vào tin nhắn. Vì đang bận họp nên Dezso trả lời ngắn gọn “Có thai rồi!”. Anh nghĩ chị nhờ tư vấn kết quả của bạn bè như thường lệ, mất mấy phút sau mới dè dặt hỏi lại: “Là của ai thế? Bệnh nhân cùng tên với em à, anh thấy trên ảnh siêu âm ghi tên Linh?”.
Nghe tới đây chị không nhịn được cười và thông báo bản thân đã có thai. Vì là Trưởng khoa không thể bỏ ngang cuộc họp do chính mình chủ trì, anh cố gắng hoàn thành nhanh nhất có thể. Dezso hồi tưởng: “Tôi đã bật khóc vì quá vui mừng và chưa lúc nào cảm giác cuộc họp lại dài như cả thế kỷ như vậy. Ngay sau đó tôi quyết định tạm ngừng công việc tại Đức mà thu xếp về Việt Nam chia sẻ niềm vui cùng vợ”.
Thời gian mang thai chị Linh khá khoẻ mạnh, chị không lo lắng gì nhiều vì bản thân cũng là người năng động và thích vận động. Ngoài ra vì có “bác sĩ tại gia” nên bất kỳ thắc mắc gì đều được giả đáp ngay, nhờ làm phiên dịch cho chồng trong việc khám thai từ trước đó nên qua các vấn đề của mọi người chị rút ra được rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm cho bản thân.
Chị Linh sinh bé Aaron bằng phương pháp sinh thường ở tuần thai thứ 38, bé nặng 3kg. Do còn dang dở công việc ở Phú Quốc nên Dezso không thể có mặt trong lúc vợ “lâm bồn”. Tuy nhiên, không vì thế mà chị tủi thân vì chị hiểu rằng dù có ở đâu chỉ cần biết chắc họ vẫn luôn quan tâm, yêu thương và lo lắng cho mình là đủ.
Nhớ lại kỷ niệm ngày đi sinh, chị Linh nói: “Trước đó chồng mình đã hướng dẫn rất kỹ lúc chuẩn bị sinh nên làm gì, nên nằm ở tư thế nào, nên thở và rặn như thế nào… Ngày sinh bé đầu khi đó không biết gì nên rất căng thẳng, không phối hợp được với bác sĩ dẫn đến bị băng huyết. Lần sinh này chồng mình còn chuẩn bị sẵn riêng một túi thuốc đặc trị từ Đức mang về, dao mổ và chỉ khâu các loại tốt nhất để phòng nếu khi mình sinh mà có tình huống xảy ra thì đưa cho bác sĩ sử dụng. Sáng hôm đó mình vỡ ối tại nhà lúc 3h sáng mà không có dấu hiệu đau bụng. Vào viện lúc 5h thì bắt đầu đau nhiều, đến 6h30 thì mở hết và chuyển vào phòng sinh, mình chuyển dạ nhanh đến mức lúc đó nữ hộ sinh còn nói: “Chị ơi, chị từ từ rặn chứ em chưa xếp xong ghế sinh cho chị, bác sĩ cũng đỡ ở phòng sinh bên cạnh chưa sang" Thế là ông nhóc mình 15 phút sau là đã oe oe. Vì vậy mình khuyên các bà mẹ bầu đừng quá căng thẳng, tinh thần là rất quan trọng khi đi sinh”.
Được biết, khi em bé Aaron lọt lòng, hai cô hộ sinh bế bé lên và nhìn nhau nói là: “Sao cứ lạ lạ ấy nhỉ?” do không biết bé là con lai. Đến khi nhìn lên ảnh trang trí treo tường phòng sinh là một ảnh của bé Tây các cô mới ồ lên.
Thuộc tuýp Đông Tây kết hợp trong vấn đề chăm sóc sau sinh tuy nhiên chị Linh không ủng hộ việc ở cữ sau sinh là không được tắm gội, nhưng nếu tắm gội phải đúng cách để không gây hại như tắm chỗ kín gió, sấy khô cả người và tóc ngay khi tắm và mình đều uống thêm một cốc nước ấm ngay sau khi tắm. Hoặc như việc áp lá trầu cho con, Dezso cười rất nhiều nhưng không phản đối mà ngược lại còn rất tò mò và ngạc nhiên, Dezso còn chụp ảnh gửi sang Châu âu để mọi người hiểu thêm về văn hóa Việt Nam.
Bất ngờ mang bầu sau nhiều lần từng được chẩn đoán vô sinh thứ phát, giờ đây khi ngồi nghĩ lại hành trình mang thai em bé lai 4 dòng máu chị Linh vẫn còn vẹn nguyên cảm xúc. Người mẹ cho rằng, thai kỳ là một điều hạnh phúc nhưng đồng thời cũng là một thách thức đối với mỗi người phụ nữ.
Quãng thời gian dịch bệnh, họ chỉ có thể gặp nhau qua màn hình của cuộc gọi video.
Tuy nhiên thai kỳ không phải là bệnh lý nên đừng tự biến bản thân thành “người bệnh” khi mang thai với quá nhiều lo âu, căng thẳng hay stress. Hãy chia sẻ với người thân và bác sĩ về những suy nghĩ những lo lắng của mình để nhận được sự cảm thông, chia sẻ và hỗ trợ tốt nhất. Bạn hoàn toàn không cô đơn trong suốt thai kỳ và quá trình chăm sóc con sau này nếu bạn biết cách sẻ chia cùng người khác.
Mỗi người phụ nữ trong đời chỉ có 1 vài lần được mang trong mình một sinh linh đó là một quãng thời gian vô cùng quý giá và đáng nhớ trong đời mỗi người, và đó cũng là thời gian mà mẹ và con có sự liên hệ gần gũi nhất, bởi vậy hãy thật hạnh phúc, lạc quan, yêu đời và tận hưởng thai kỳ của mình theo một cách thật tích cực. Điều này sẽ tốt cho cả sức khoẻ, tinh thần của cả mẹ và em bé.