Hàng ngày, một nữ bác sĩ mang thai 7 tháng ở Mỹ vẫn làm việc trong phòng chăm sóc đặc biệt để cứu các bệnh nhân nghèo mắc Covid-19.
Sau khi đặt máy thở giúp một bệnh nhân mắc Covid-19 thở dễ dàng hơn, bác sĩ Zafia Anklesaria nhận ra rằng, đứa con trai 7 tháng trong bụng không bao giờ cử động trong quá trình mẹ làm thủ thuật khẩn cấp.
Đứa trẻ không cử động cho tới khi người mẹ bác sĩ trở về phòng và cởi bỏ phần lớn thiết bị bảo hộ y tế trên người.
Nữ bác sĩ mang thai 7 tháng vẫn vào ICU cứu người nghèo mắc Covid-19. (Ảnh: Reuters)
Bác sĩ Anklesaria (35 tuổi) đang mang thai đứa con đầu lòng mới 7 tháng. Cô hiện giữ chức đồng trưởng phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) tại một bệnh viện ở hạt Los Angeles, nơi chuyên điều trị cho các bệnh nhân có mức thu nhập thấp là người Mỹ gốc Phi hoặc Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
ICU của bệnh viện này hiện có 22 giường bệnh. Kể từ cuối tháng Ba, ICU ngày nào cũng gần như đầy bệnh nhân trong phòng. Một số y tá đã phải làm việc suốt 24 giờ do số lượng bệnh nhân nguy kịch quá nhiều, theo bác sĩ Anklesaria.
“Những bệnh nhân mà chúng tôi điều trị là những người sống trong các khu vực đông dân cư. Do đó họ đã không thực hiện tốt các biện pháp cách giãn xã hội và nguy cơ mắc bệnh càng lớn”, Reuters dẫn chia sẻ của bác sĩ Anklesaria.
Theo dữ liệu từ cơ quan y tế cộng đồng hạt Los Angeles, những người sinh sống tại các khu vưc nghèo khó nhất trong hạt có tỷ lệ tử vong vì mắc Covid-19 cao gấp hơn 2 lần so với những khu vực giàu có trong hạt.
Ca làm việc kéo dài 12 tiếng của bác sĩ Anklesaria bắt đầu vào lúc 7 giờ sáng. Cô làm việc 4 ngày/tuần trong ICU và thêm 1 – 2 ngày tư vấn cho bệnh nhân mắc bệnh phổi.
Sau ca làm việc, bác sĩ Anklesaria sẽ cởi bỏ toàn bộ trang phục bảo hộ y tế và được các y tá kiểm tra thân nhiệt cũng như đảm bảo cơ thể được khử trùng để ăn bữa tối.
“Tôi không nghĩ rằng mình có thể làm công việc này khi đang mang thai, nếu như không có sự hỗ trợ của các y tá”, bác sĩ Anklesaria thừa nhận cô có được giai đoạn thai kỳ khỏe mạnh và đứa trẻ cũng “rất biết ứng xử”.
“Con đã giúp mẹ được làm việc một cách tốt nhất”, cô Anklesaria vừa nói vừa xoa bụng bầu.
Song bác sĩ Anklesaria cũng lo lắng đứa trẻ sẽ cảm nhận được mức độ căng thẳng và những khó khăn từ lời nói của mẹ trong quá trình làm việc. Ngoài ra, khi cái thai ngày càng lớn, bác sĩ Anklesaria cũng không thể đứng một chỗ quá lâu và thường trở về nhà trong tình trạng bị đau lưng.
Sau ca làm việc ở bệnh viện, bác sĩ Anklesaria cũng đã thấm mệt và trở về nhà với người chồng Jafari (30 tuổi) để tắm táp. Ban đầu, cô Anklesaria đã đưa ra khả năng sẽ phải cách ly với chồng để ngăn nguy cơ lây bệnh, nhưng anh Jafari không đồng ý.
“Anh ấy lo lắng cho tôi và đứa con. Nhưng thật may, anh ấy hiểu được tôi muốn làm gì và cần làm gì. Đây là công việc mà tôi đã lựa chọn. Nếu tôi không làm thì ai có thể làm thay?”, cô Anklesaria tâm sự.
Chồng của bác sĩ Anklesaria là một kỹ sư và cô cũng đã gửi những tài liệu cho chồng về việc các bà mẹ và trẻ sơ sinh có ít nguy cơ nhiễm virus corona. Ngoài ra, cô cũng đã hứa với gia đình nếu có bất cứ biểu hiện bất thường nào, cô sẽ ngay lập tức rời khỏi ICU.
Cô Anklesaria sinh trưởng trong gia đình có truyền thống làm bác sĩ tại Ấn Độ. Gia đình cô đã tới Mỹ khi cô học đại học. Bố mẹ cô vẫn đang số ở Kolkata và cô lo họ sẽ không thể tới thăm con gái khi cô sinh nở khi dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm.
Một số hình ảnh về bác sĩ quả cảm Zafia Anklesaria: