Hanna sinh con tự nhiên ở nhà. Bé chào đời vào đầu tháng 12/2021.
3 năm trước, Hanna Larsen (28 tuổi, quốc tịch Mỹ) đến Châu Á khám phá, trong đó có Việt Nam, tình cờ cô biết đến đoàn phim Canada ở đảo Cát Bà, Hải Phòng. Cũng nhờ đó mà cô gặp được Lương Thanh Đức (35 tuổi, Nghệ An). Tuy nhiên phải đến lần thứ 2 gặp mặt sau khi Hanna đã trở về Mỹ đón Giáng sinh với gia đình và trở lại TP. HCM làm việc cũng như khám phá vào tháng 3/2020 cả 2 mới chính thức bắt đầu chuyện tình cảm.
Hanna yêu thích Việt Nam nên cô đã chủ động học tiếng Việt và đi du lịch rất nhiều địa danh ở Việt Nam cùng Đức. Đầu năm 2021, Hanna và Đức đón nhận tin vui con đến. Vì thích cuộc sống tự do nên cả 2 không có ý định kết hôn. Khi mang bầu được 5 tháng Hanna một mình về nước thăm gia đình. Cô và Đức hẹn gặp nhau sau 2 tuần khi cô về nước ở Nam Mỹ nhưng phải đến đầu năm nay sau khi Hanna sinh con được 2 tuần, gia đình cô mới đoàn tụ được với nhau.
Tổ ấm nhỏ của Hanna ở Nam Mỹ.
Mang bầu cảm thấy buồn vì không có bạn trai bên cạnh
Hanna và Đức trải qua quãng thời gian xa cách vô cùng khó khăn, nhất là khi Hanna mang bầu, quá trình để gia đình đoàn tụ chắc hẳn rất nhiều gian nan?
Anh Đức đã sang đây vào ngày 1/1 vừa qua, khoảng 2 tuần sau khi bé sinh ra. Anh gặp rất nhiều rắc rối phải đi Peru, từ đó mới xin visa được sang Nam Mỹ để đoàn tụ với mẹ con Hanna.
Bây giờ cuộc sống làm mẹ của mình rất vui, rất ý nghĩa. Em bé chỉ uống sữa mẹ và đang phát triển mỗi ngày.
Thỉnh thoảng Hanna hơi mệt một chút vì em bé dậy 4-5 lần mỗi đêm nhưng mình ngủ trưa với con và cũng nghỉ việc để tập trung hoàn toàn vào con nên cũng đỡ mệt hơn. Đặc biệt, anh Đức giúp Hanna mua đồ, nấu ăn, hát cho con nghe. (Cười)
Sau khi chia tay anh Đức, Hanna đã về Mỹ trong 1.5 tháng gặp bố mẹ và những người bạn thân. Sau đó, Hanna mua vé máy bay sang Ecuador vì không muốn bay khi mang thai 6 tháng. Hanna tưởng anh Đức có thể qua được mà anh bị bắt buộc về Việt Nam từ nước Panama và đã ở sân bay Turkey trong vài ngày. Khi về Việt Nam, anh ấy phải cách ly, và mất rất nhiều tiền.
Tụi mình thuê luật sư ở Ecuador mà vẫn không làm được. Sau này, anh ấy phải xin visa vào Peru và từ đó đi đại sứ quán Ecuador.
Mang bầu không có Đức ở bên, một mình sinh bé, nhiều lúc bạn có thấy tủi thân? Những tháng cuối thai kỳ Hanna có nặng nề, đau nhức mỏi cơ thể?
Có những đêm Hanna cảm thấy hơi buồn vì không có Đức ở bên cạnh. Tuy nhiên Hanna có những người bạn tốt xung quanh để hỗ trợ và Hanna nghĩ đó là thử thách để mình vượt qua. Dù ở xa nhau nhưng Đức gọi video mỗi đêm cho Hanna, hứa rằng anh đang làm tất cả mọi thứ có thể để sang đây. Anh ấy gửi tiền để hỗ trợ Hanna mua đồ ăn, thuê nhà nên Hanna không cần phải lo về công việc nữa.
Mang bầu Hanna tiếp tục ăn thuần chay, chủ yếu là trái cây và rau tươi, nhiều chất sắt từ hạt diêm mạch, các loại hạt, rau xanh. Hanna uống nhiều nước dừa để có nhiều sữa cho con nữa.
Hai tuần trước khi sinh con Hanna cảm thấy rất nặng nề, mệt mỏi, không đi dạo được nên chỉ ở nhà thư giãn trên võng. Hanna không chắc chắn là đã lên bao nhiêu kg nhưng Hanna nặng khoảng 58kg khi sinh con.
Hanna và Đức gặp rất nhiều khó khăn và vất vả mới đoàn tụ được ở Nam Mỹ.
Hành trình sinh con tự nhiên ở nhà
Sinh ra và lớn lên ở Mỹ - đất nước hiện đại có hệ thống y tế bậc nhất thế giới, tại sao Hanna lại lựa chọn sinh ở nhà?
Hanna chọn sinh con ở nhà vì Hanna đã nghiên cứu nhiều về việc này. Hanna đọc sách và xem phim tài liệu để hiểu rõ hơn. Nếu sinh ở bệnh viện thì khả năng sinh mổ hay dùng thuốc tây xảy ra gấp nhiều lần so với ở nhà. Điều đó sẽ ảnh hưởng sự kết nối giữa em bé, người mẹ và cũng sẽ ảnh hưởng việc cho con bú.
Còn khi sinh tự nhiên những hoocmon như oxytocin (hoocmon tình yêu) và dopamine sẽ xuất hiện, giúp hai mẹ con kết nối và không bị mệt mỏi. Người ta tưởng bệnh viện an toàn hơn nhưng thực ra không phải như vậy. Khi sinh ở nhà mình có thể lựa chọn muốn ăn những thứ mình muốn hay mặc quần áo mình thoải mái nhất và có người thân bên cạnh không phải người lạ. Ngoài ra, mình có thể chọn thời điểm cắt dây rốn, ở bệnh viện việc cắt dây rốn quá nhanh khiến em bé mất 30% máu, điều này ảnh hưởng phổi và khả năng hít thở của bé.
Tuần thứ 2 Hanna ở Ecuador, Hanna gặp một chị cũng mang thai và có hai con rồi. Chị ấy đã sinh con tự nhiên tại nhà như mong muốn của Hanna. Mình và chị đã trở thành bạn thân thiết với nhau, và gia đình chị ấy đã hỗ trợ Hanna trong việc sinh con ở nhà.
Ở đây cũng có trung tâm sinh con tự nhiên nhưng trung tâm bị đóng cửa đầu tháng 12 vì thiếu tiền. Hanna thấy thoải mái nhất với người bạn đó, nên quyết định sống chung với họ.
Để chuẩn bị cho cuộc sinh nở tự nhiên, Hanna phải lên kế hoạch trước đó như thế nào?
Để chuẩn bị việc sinh con ở nhà, Hanna tìm nói chuyện với những người mẹ có trải nghiệm sinh con ở nhà. Hanna thấy tự tin hơn khi lắng nghe lời khuyên của bạn và những podcast. Bên cạnh đó, Hanna tập thiền “hypnobirthing” “thiền cho bà bầu” mọi đêm trước khi đi ngủ và nói lời khẳng định khi ngủ dậy như “tôi có thể làm được” và “con sẽ sinh ra một cách dễ dàng, nhẹ nhàng”. Mình tập trung vào sức khỏe tinh thần đã giúp Hanna nhiều nhất trong việc sinh nở này,
Hanna đã quyết định sinh con tự nhiên ở nhà.
Ngày sinh bé chắc hẳn là kỷ niệm không bao giờ quên của Hanna?
Hanna sinh con ở tuần 39. 7h tối ngày 14/12, Hanna chuẩn bị đi ngủ và cảm thấy hơi đau bụng. Mình tưởng đó là cơn co thắt giả vì không có cảm giác như mình đã nghĩ. Sau đó mình hít thở sâu và người bạn đổ đầy bồn tắm cho mình thư giãn. Hanna nói là Hanna muốn ở một mình và không biết đó là bắt đầu chuyển dạ.
Sau vài tiếng Hanna cảm thấy đau hơn nên mình đi nói chuyện với bạn, bảo rằng mình sắp sinh. 12h tối mình vỡ ối và chắc chắn em bé sẽ sinh ra. Bạn của mình cầm đồng hồ đếm phút giữa cơn co thắt thì 2 phút xuất hiện một cơn.
Sau đó, mình muốn thay đổi phong cảnh nhưng cảm thấy quá mệt và khả năng nói biến mất nên mình nói rất chậm "đi ra ngoài”. Hai người đi ra ngoài và Hanna xài cái võng để xoay người và hét lên. Lúc đó, bầu trời đầy sao, Hanna nhìn lên, tưởng tượng người phụ nữ khắp thế giới sinh con lúc đó. Bạn Hanna báo rằng đã thấy đầu của con và con không có tóc vàng.
Hanna biết là sau khi đầu bé ra, mọi thứ sẽ thoải mái hơn. Sau 1 cơn co thắt nữa bạn Hanna báo “Một lần nữa, Hanna có thể làm được, em bé sắp chào đời rồi". Hanna cố gắng bỏ suy nghĩ và tập trung vào giây phút đó và em bé chào đời. Chồng của bạn đến giúp em bé.
Vì mệt quá nên khi bạn hỏi "Hanna muốn biết con gái hay con trai?" Hanna bảo "chưa" vì muốn nghỉ ngơi thôi. Em bé bắt đầu khóc sau vài phút và mọi người đưa Hanna vào trong nhà nằm trên giường, uống nước dừa, cho con bú rồi đợi cho nhau thai sổ ra ngoài.
Bạn thấy bé giống bố hay mẹ nhiều hơn khi chào đời?
Em bé chào đời ngày 15/12 sau 2 ngày sinh nhật mình. Bé sinh 4h32 sáng rất tốt để em bé không bị sốc ánh sáng. Vừa mới chào đời bé giống người Việt nhiều hơn nhưng bây giờ bé rất giống mẹ, mắt xanh và tóc vàng hơn. (Cười)
Bé mới chào đời giống người Việt hơn.
Nhiều người sinh con tự nhiên ở nhà không cắt rốn mà để dây rốn nối với bánh nhau cho đến khi tự rụng, bạn có làm vậy?
Hanna không cắt dây rốn cho con mà để lại sau 4 ngày nó tách ra. Hanna xài muối và hoa oải hương ủ bánh nhau. Sau đó, Hanna và anh Đức thả nó vào con sông gần nhà. Nhiều văn hóa coi nhau thai như luân xa thứ 8 của con người nên Hanna muốn tôn trọng nó.
Đức có ủng hộ bạn sinh con ở nhà? Khi bạn sinh bé anh có theo dõi từ xa qua điện thoại?
Khi Hanna báo anh Đức sẽ sinh ở nhà, anh lo lắng một chút vì nhiều người sinh ở bệnh viện. Nhưng anh biết Hanna không thể thuyết phục được, đặc biệt là đối với sức khỏe, cơ thể. Anh ấy rất sẵn sàng tìm hiểu thêm và đã xem phim tài liệu với Hanna về việc sinh con ở nhà.
Khi Hanna ở nước ngoài, anh ấy hỏi Hanna mỗi tuần về việc tìm bà đỡ đẻ. Anh ấy không nói về sự lo lắng của mình vì không muốn ảnh hưởng tâm lý của Hanna.
Khi sinh em bé Hanna không thể nghĩ về bất kỳ điều gì khác, tập trung hoàn toàn nên không gọi cho anh ấy. Sau khi sinh con Hanna gọi video cho anh Đức xem em bé. Bạn Hanna đã quay video khi em bé vừa chào đời và Hanna gửi cho anh ấy coi. Anh ấy rất vui, cảm thấy hồi hộp để sang Nam Mỹ. (Cười)
Sau sinh ở cữ hơn 1 tuần
Sau sinh bạn có kiêng khem gì không? Ở Việt Nam có truyền thống ở cữ 3 tháng 10 ngày như nằm than, xông hơ, không tắm rửa, đánh răng, ăn thịt rang nghệ,..., bạn có biết và làm theo?
Hanna không biết tất cả truyền thống ở Việt Nam nhưng ở đây cũng có truyền thống ở nhà trong 40 ngày. Ở Mỹ người phụ nữ nghỉ ngơi ít hơn, họ có thể đi làm sau 6 tuần còn Hanna muốn dành nhiều thời gian nhất với bé, và nghĩ ngợi nữa nên nằm trên giường trong hơn 1 tuần.
Sau sinh, Hanna cảm thấy khá bình thường và muốn đi dạo nhưng bạn của mình bảo không được, mình phải nghỉ ngơi, hồi phục cơ thể, ăn nhiều. Hanna ăn chay như bình thường, nhiều trái cây, rau và thêm nhiều chất béo hơn như bơ, cơm dừa, bơ hạnh nhân, hạt óc chó, dầu dừa. Nhiều thứ như caffeine, cafe, rượu, thịt heo, ,,, Hanna không ăn nên không cần ăn kiêng.
Bạn gặp những bỡ ngỡ và khó khăn như thế nào khi chăm con nhỏ? Hai bạn đến từ 2 đất nước khác nhau, 2 bạn lựa chọn cách chăm con nhỏ truyền thống hay hiện đại?
Hanna gặp bỡ ngỡ khi chăm con những ngày đầu tiên vì Hanna chưa bao giờ chăm sóc em bé sơ sinh. Đi vệ sinh mình cũng cảm thấy nhớ em bé quá nhiều, cảm thấy rất buồn nếu em bé khóc khi nhận ra. Sau 2-3 ngày Hanna cảm thấy tự tin hơn.
Hanna và anh Đức chưa gặp nhiều vấn đề khi quyết định chăm sóc con như thế nào. Hai người đã nói chuyện trước khi sinh con. Hanna muốn ngủ chung với con và anh ấy đồng ý vì điều đó. Hanna cũng địu con nhưng anh ấy nghĩ con không nên địu quá nhiều vì sẽ không ngủ ngon ban đêm. Anh ấy cũng muốn em bé mặc đồ ấm hơn, bao gồm mũ. Hai người có một số ý tưởng khác nhau nhưng không có gì quá lớn. Anh ấy ủng hộ việc ăn chay của Hanna nhưng muốn Hanna ăn đa dạng, không phải chế độ ăn trái cây/ăn thô. Hanna muốn nuôi con ăn chay, anh ấy không có vấn đề với điều đó và nói để con tự do quyết định.
Hanna cũng xài bỉm vải thân thiện với môi trường, anh ấy đồng ý với điều đó nhưng phải giặt đồ thường xuyên hơn.
Tết năm nay là tết hạnh phúc của cả 2 vì có con và được ở bên nhau.
Hanna đã đón Tết truyền thống Việt Nam bao giờ chưa? Năm nay Tết Việt 2 bạn lại ở xa, 2 bạn có tổ chức ăn Tết cùng con không?
Hanna đã ăn Tết ở Việt Nam 2 lần rồi. Lần đầu tiên ở Hà Nội và lần thứ hai ở miền Tây. Hanna rất thích không khí Tết và rất nhớ những kỷ niệm ở Việt Nam. Hanna và anh Đức đã gọi cho người thân ở Việt Nam hỏi thăm về Tết năm nay. Còn ở đây, vợ chồng mình chưa làm gì đặc biệt vì ở đây không có nhiều người gốc châu Á. (Cười)
Xin cảm ơn những chia sẻ của Hanna!