Có tổng cân nặng hơn 400kg, cặp vợ chồng không thể "gần gũi" nhau nên chưa thể hoàn thành ước mơ có con.
Khi chuẩn bị mang thai, các cặp vợ chồng luôn được khuyên nên chuẩn bị sức khỏe thể chất và tinh thần tốt nhất để em bé chào đời được khỏe mạnh, hạnh phúc. Với cặp đôi Lin Yue và Deng Yang (sống tại Tứ Xuyên, Trung Quốc) dưới đây thì hành trình chuẩn bị để được làm bố mẹ của họ càng thêm phần vất vả, nhiều mồ hôi và nước mắt.
Lin Yue và Deng Yang quen nhau từ năm 2010 tại một phòng tập giảm béo. Cả hai đều là người thừa cân, béo phì nên có nhiều nỗi niềm chung và nhanh chóng cảm mến nhau. Sau 2 năm theo đuổi, bỏ cả công việc tại quê nhà để chuyển đến Tứ Xuyên sống thì Deng Yang đã chinh phục được Lin Yue. Hai người kết hôn vào năm 2012.
Cặp đôi Lin Yue và Deng Yang quen nhau khi đi tập giảm béo nhưng cưới nhau về lại cùng béo thêm.
Tuy nhiên, điều trớ trêu là sau khi về chung một nhà, cả hai lại càng có "cạ" để cùng nhau thỏa mãn "tâm hồn ăn uống". Kết quả là hai người ngày càng béo hơn, đạt tổng cân nặng gần 400kg. Lin Yue nặng 198kg, cao 1m63 nhưng có vòng bụng 160 cm còn Deng Yang nặng 196kg, cao 1m60 và có vòng bụng 170 cm. Thật không quá khi nói họ chẳng khác gì... người vuông.
Cặp đôi "khổng lồ" chỉ thật sự đặt quyết tâm giảm cân khi bừng tỉnh cảm giác muốn làm bố, làm mẹ. Trước đó, vì thân hình mập mạp, Lin Yue và Deng Yang gặp khó khăn, không thể quan hệ với nhau như những cặp vợ chồng khác và đương nhiên không thể mang thai, sinh con.
Thời điểm béo nhất, cả hai nặng tổng gần 400kg và không thể "gần gũi" nhau.
Mong mỏi có con, cặp vợ chồng đã tìm đến một bệnh viện ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, để các bác sĩ tư vấn phương pháp giảm cân. Họ được phẫu thuật thu nhỏ dạ dày và áp dụng "hoả liệu pháp" để giảm cân. Sau 3 tháng phẫu thuật và tập luyện theo kế hoạch bác sĩ đề ra, cả hai đều giảm được 40kg.
Vui mừng khi thấy những hiệu quả ban đầu, Lin Yue háo hức hỏi bác sĩ về việc mình có thể mang thai được chưa nhưng câu trả lời vẫn là chưa. Bác sĩ cho biết cô nên giảm xuống dưới 85kg hãy nghĩ đến việc mang bầu vì người mẹ thừa cân mang thai sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả mẹ và bé. Tỉ lệ sảy thai hay sinh con dị tật đều tăng lên khi mẹ quá béo.
Hai người đã quyết tâm giảm béo để có thể mang thai.
Cả 2 thực hiện "hỏa liệu pháp" và tập luyện cường độ cao mỗi ngày.
Nghe vậy, vợ chồng Lin Yue càng đặt quyết tâm giảm cân quyết liệt hơn. Bên cạnh việc tiếp tục duy trì thực hiện "hỏa liệu pháp", cả hai lao vào luyện tập. Mỗi buổi sáng, hai người điều chỉnh máy chạy bộ đến tốc độ tối đa có thể chấp nhận và chạy trong một giờ rưỡi, sau đó tập thể dục trong một giờ; buổi trưa, sau khi nghỉ giải lao, cả hai sẽ chạy trong một tiếng. Buổi tối, cô chơi bóng chày rồi tiếp tục chạy một tiếng quanh sân.
Kết quả sau gần 2 năm kiên trì, hai vợ chồng đều đã đạt được thành quả giảm cân ngoạn mục. Lin Yue chỉ còn 81kg và Deng Yang nặng 83kg. Bác sĩ vui mừng báo tin họ đã có thể thụ thai. Cầm trên tay tờ giấy ghi cân nặng hiện tại và dòng chữ xác nhận đủ tiêu chuẩn mang thai an toàn, Lin Yue rơi nước mắt quay sang hỏi chồng: "Anh có thể làm cha rồi, anh có vui không?". Deng Yang vội vã bế bổng vợ lên, xoay tròn và hét lớn: "Hạnh phúc quá!". Đó là việc mà trước đây anh chưa bao giờ dám tin mình làm được.
Cuối cùng Lin Yue cũng nhận được giấy xác nhận có cân nặng để mang thai an toàn.
Hai người đang cố gắng có con sau nhiều thử thách.
Đến nay, cặp đôi đang cố gắng duy trì chế độ ăn uống, tập luyện khoa học để chuẩn bị sẵn sàng cho việc thụ thai, hoàn thành ước mơ có con.
Sản phụ béo phì ảnh hưởng thế nào tới thai kỳ? Đến mẹ: Béo phì khi mang thai khiến mẹ bầu có nguy cơ mắc phải một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như: - Tiểu đường thai kỳ: Là bệnh tiểu đường bắt đầu xảy ra trong thời kỳ mang thai. Tình trạng này có thể dẫn đến nguy cơ sinh mổ. - Tiền sản giật: Tiền sản giật gây suy thận, suy gan và có thể dẫn đến co giật (một tình trạng gọi là sản giật). Một số trường hợp dẫn đến đột quỵ. - Ngưng thở khi ngủ: Khi mang thai, ngưng thở khi ngủ không chỉ gây mệt mỏi mà còn làm tăng nguy cơ cao huyết áp, tiền sản giật, sản giật và các bệnh lý ở tim và phổi. Đến thai nhi: Béo phì khi mang thai có thể ảnh hưởng lớn đến thai nhi như: - Sảy thai: Phụ nữ béo phì có tỷ lệ bị sảy thai tăng cao hơn so với phụ nữ có cân nặng bình thường. - Dị tật bẩm sinh: Em bé sinh ra từ các bà mẹ béo phì có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh, chẳng hạn như dị tật ở tim hay dị tật ống thần kinh. - Khó thực hiện xét nghiệm chẩn đoán - Hiện tượng thai nhi quá lớn: Hậu quả làm tăng nguy cơ phải sinh mổ hoặc em bé bị tổn thương trong quá trình sinh thường. - Sinh non: Các vấn đề liên quan đến béo phì khi mang thai, chẳng hạn như tiền sản giật, có thể dẫn đến sinh non. - Thai chết lưu: Mẹ bầu có chỉ số BMI càng cao, thì nguy cơ thai chết lưu càng cao. |