Mang thai bé Haru 3 tháng đầu, Huyền Trang bị nghén đến mức uống nước lọc cũng sợ, không ăn uống được gì. Thậm chí, có đêm cô không ngủ chỉ ngồi ôm chậu.
Sang Nhật học tập và sinh sống đã 5 năm, Huyền Trang (27 tuổi) hiện đang có tổ ấm nhỏ hạnh phúc cùng ông xã và con trai 1 tuổi. Mặc dù ở Nhật Bản chỉ có 2 vợ chồng, không có gia đình ở bên nhưng Huyền Trang luôn tin tưởng vào những dịch vụ tại đất nước mặt trời mọc này, đặc biệt dịch vụ y tế khi đi sinh lần đầu ở nơi đất khách quê người.
Tổ ấm nhỏ của Huyền Trang.
Nghén 3 tháng đầu, cả đêm chỉ nằm ôm chậu
Huyền Trang và ông xã kết hôn vào tháng 4/2018 sau 8 năm yêu. Sau khi kết hôn, cả 2 bắt đầu lên kế hoạch có em bé và may mắn 2 tháng sau, Trang và ông xã hạnh phúc khi biết mình chuẩn bị lên chức. Đến bây giờ, Trang vẫn còn nhớ mãi khoảnh khắc nhìn gương mặt ông xã ngơ ngác vài giây khi thấy que thử thai 2 vạch và niềm hạnh phúc vỡ òa khi biết chuẩn bị được làm bố.
Vợ chồng Trang cùng sinh sống và làm việc ở Nhật.
Lần đầu mang thai không có gia đình bên cạnh, chỉ có 2 vợ chồng nên cả Trang và ông xã đều phải chuẩn bị cẩn thận về mọi mặt. May mắn ở Bệnh viện Nhật Bản, việc thăm khám rất tỉ mỉ, chặt chẽ và cẩn thận nên vợ chồng cô bớt lo lắng phần nào.
Chia sẻ về thai kỳ của mình, Trang cho biết, mang bầu một mình nơi xứ lạ cô gặp khó khăn rất nhiều. Thời gian 3 tháng đầu cô nghén đến mức uống nước lọc cũng sợ, không ăn uống được gì. Thậm chí có đêm cô không ngủ chỉ ngồi ôm chậu.
“Mình tụt 5kg từ tuần thứ 7 đến tuần 12. Ông xã mình lo lắm, mỗi lần mình ói mặt xanh vàng là mặt ông xã méo xệch, mắt đỏ hoe vì thương vợ.
Ông xã mình rất chu đáo trong việc chăm, chiều vợ. Mặc dù ông xã hoàn toàn không có kinh nghiệm gì cả, rất vụng về, và còn bận đi làm nữa nhưng luôn quan tâm cảm xúc của vợ như thế nào. Vợ muốn ăn gì, làm gì, cần giúp gì đều chiều theo. Hay những hôm đi làm về rất mệt đều cố gắng làm việc nhà giúp vợ”, Trang kể.
Mang bầu cô chỉ tăng 7,5kg.
Trang cho biết, ở Nhật 3 tháng đầu thai kỳ, cứ 2 tuần là bác sĩ lại hẹn đi khám 1 lần. Ở bệnh viện có tổ chức các lớp học “tiền sản” cho cả bố và mẹ. Hơn nữa, quản lý rất chặt về chế độ dinh dưỡng của mẹ và có chế độ ăn uống cho từng giai đoạn ở từng thai kì nên việc ăn gì, không nên ăn gì, Trang đều được y tá phổ biến. Mỗi lần đi khám thai, Trang đều phải đo cân nặng để bác sĩ theo dõi. Với cân nặng của Trang chỉ được tăng dưới 10kg cả thai kỳ nên những tháng cuối dù tăng 1,5kg, cô cũng bị bác sĩ gọi vào phòng chất vấn về vấn đề ăn uống.
Chính vì sự kiểm soát chặt chẽ ấy mà cô thường xuyên chọn lọc, đọc sách và nghe theo bác sĩ nên ăn uống gì để tốt vào con. Cả thai kỳ cô hạn chế ăn tinh bột, đồ ngọt, đồ đóng hộp. Với những đồ ăn có thể gây “tiểu đường thai kì”, cô không bao giờ ăn hoặc chỉ ăn một chút khi thèm. Ngoài ra, cô không uống sữa bầu mà chỉ uống sữa tươi không đường để vào con mà ít vào mẹ và chọn những loại có sắt, DHA, canxi uống.
“Mình ăn theo chế độ healthy và mình tham khảo trên các hội nhóm mang thai. Vì vậy, cả thai kì mình tăng 7,5kg”, Trang cho hay.
Nhờ chế độ ăn hợp lý cô mang bầu khá gọn.
Đau đẻ 2 ngày, phải thở oxy để rặn đẻ
Trang sinh bé Haru ở tuần thứ 39, bé chào đời nặng 2,84kg. Chia sẻ về việc lựa chọn bệnh viện trước khi sinh của mình, Trang cho biết, vợ chồng cô ưu tiên chọn bệnh viện gần nhà được đánh giá trên mạng tốt với chi phí ở mức có thể chấp nhận được.
Và vợ chồng cô đã chọn bệnh viện thường sinh con với chi phí 120 triệu cho một lần sinh, có phòng đẻ cho ông xã vào cùng để chứng kiến cảnh con chào đời cũng như giúp vợ đỡ sợ hãi khi vượt cạn.
“Hầu như ở bệnh viện bên này đều có 2 kiểu sinh: sinh thường, sinh mổ. Và các bệnh viện đều khuyến khích sinh thường tự nhiên, còn trường hợp nào không thể sinh thường được, thì bác sĩ sẽ yêu cầu sinh mổ.
Bệnh viện mình chọn sinh thường nên chi phí khoảng 120 triệu đồng cho 1 lần sinh. Tiền phòng thì tính riêng khoảng 4 triệu đồng/ngày và mình ở viện 6 ngày. Ở đây, đều là phòng đơn đầy đủ tiện nghi, nhà vệ sinh khép kín. Mình đóng bảo hiểm nên được bảo hiểm chi trả khoảng 84 triệu”, Trang chia sẻ.
Trang lựa chọn bệnh viện với chi phí khoảng 120 triệu.
Nhớ lại ngày đi sinh của mình, Trang tâm sự, đó là kỷ niệm đáng nhớ nhất vì cô chưa bao giờ nghĩ mình có thể khó đẻ và đau lâu đến 2 ngày 1 đêm, kéo dài 34 tiếng đồng hồ.
2 ngày đau đẻ đến mất ngủ chỉ có 2 vợ chồng trong phòng riêng khiến cô thực sự mệt mỏi và phải thở bình oxy để rặn đẻ khi không chịu được. May mắn nhờ có các y tá thường xuyên qua phòng thăm khám, kiểm tra, mát xa và nói lời động viên khiến cô vượt qua mọi khó khăn.
“Các chị y tá mỗi lần qua phòng thăm khám kiểm tra đều mát xa, nói lời động viên với mình: “mama cố lên nhé, em bé cũng đang cố gắng đấy”, “ cố lên nào, mama giỏi lắm”. Lúc em bé chào đời thì cả bác sĩ và y tá đều gửi lời chúc mừng mình “làm tốt lắm, đã vất vả nhiều rồi”.
Nói chung, mọi dịch vụ bên này đều không chê vào đâu được cả. Bác sĩ, y tá đều rất tận tình chu đáo. Cơ sở vât chất hiện đại, sạch sẽ, là rất ưng ý”, Trang cho biết.
Cô được chăm sóc vô cùng chu đáo.
Không chỉ được chăm sóc chu đáo, sau khi sinh, Trang còn được bệnh viện tổ chức bữa tiệc chúc mừng dành cho mẹ vừa mới sinh và được tặng một buổi gội đầu, mát xa toàn thân. Thậm chí, lúc ra viện, cô còn được tặng một túi quà toàn đồ dùng cho em bé vô cùng hữu ích.
Sau sinh, vì muốn con ở phòng với mình nên Trang không yêu cầu y tá chăm sóc hộ. Dẫu việc đi lại, đứng ngồi khó khăn, ông xã phải đi làm không đỡ đần được nhưng nghĩ đến con cô lại vượt qua tất cả.
1 tháng sau sinh Haru, Trang đã về lại dáng như ban đầu. Mặc dù 2 tháng về lại Việt Nam được bố mẹ chồng chăm “bù” tăng lên 5kg nhưng nhờ chế độ ăn ít tinh bột, đồ ngọt, chất béo nên sau 5 tháng làm mẹ bỉm sữa, cô đã trở về số cân như thời con gái. Hiện tại, không ít người phải thốt lên khi gặp Trang “gái một con, trông mòn con mắt”.
Một số hình ảnh gia đình nhỏ của Huyền Trang.