Chắc chắn đọc đến câu cuối cùng mẹ sẽ không còn trách em nữa.
Văn học tả người, tả cảnh, tả vật... là một trong những môn học rất quan trọng với học sinh tiểu học bởi nó giúp ích cho trẻ rất nhiều khi trưởng thành. Tuy nhiên vì độ tư duy của học sinh tiểu học còn hạn chế, non nớt và chân thật nên rất nhiều bài văn tả của các em học sinh khiến ai cũng giật mình bởi quá đỗi sáng tạo.
Mới đây, một vài văn tả mẹ của em học sinh tiểu học gây xôn xao mạng xã hội và được không ít các diễn đàn đăng tải lại bởi nội dung hài hước, hóm hỉnh và cách ví von non nớt đến đáng yêu của em bé này khi tả về người mẹ yêu thương của mẹ.
Cụ thể khi đề bài yêu cầu "Tả mẹ", ban đầu em bé này bắt đầu tả "mẹ em làm một con lợn, con lợn này rất béo..." khiến ai nấy đều ngỡ ngàng. Có lẽ cũng cảm nhận được sự sai sót trong việc tả văn của mình nên em học sinh đã nhanh chóng gạch đi và viết một bài mới.
Tuy nhiên bài văn mới có vẻ cũng không khả thi là mấy mặc dù có câu dẫn vào rất hay là "Mẹ em tên là Nga. Mẹ em rất chăm chỉ". Nhưng ngay sau đó người con đã nhanh chóng "bóc phốt" mẹ bằng loạt liệt kê: "...mẹ em dậy vào lúc 6 giờ 50 nhưng mẹ uốn éo đến tận 7 giờ 50 phút mới bò dậy..."; "...đồ ăn sáng mẹ để trong tủ lạnh từ hôm trước nhưng đến sáng hôm sau mẹ vẫn không biết ăn gì".
Chưa dừng lại ở đó, em học sinh còn tả "chân mẹ tròn trịa, mũm mĩm, đen thùi lùi" ;"Mỗi ngày mẹ hôn em 100 cái, nước dãi dính hết vào mặt"... Giọng văn chân thật nhưng quá đỗi hài hước, đáng yêu của em bé tiểu học khiến ai cũng bật cười và đoán rằng người mẹ hẳn sẽ rất tức giận nếu đọc được bài văn này của con mình.
Tuy nhiên ai nấy đều phải chú ý câu văn cuối cùng của bài "Em rất yêu mẹ em" và dự đoán người mẹ cũng nhanh chóng mềm lòng khi đọc được câu cuối cùng quá đỗi ngọt ngào này của em bé mất thôi.
Trước đó cũng có nhiều bài văn tả mẹ của các em học sinh tiểu học khiến người đọc vừa thương vừa buồn cười vì sai lỗi chính tả rất nhiều nhưng cách miêu tả hồn nhiên, non nớt của các bé lại xứng đáng được 10 điểm.
"Mẹ lại đến đây để chửi tôi đây. Mẹ được ông bà tôi đẻ ra, từ đó mẹ là mẹ tôi. Mẹ được bao phủ bởi lớp mụn chi chít. Mẹ tầm 36 tuổi. Mẹ là người yêu động vật. Như khi con mèo gặp, mẹ đá như cầu thủ bóng đá. Mẹ hơi thấp có 1 mét 50. Trông mẹ có vẻ chậm đấy nhưng chậm thật. Tôi rất yêu mẹ tôi".
"Hôm đó, mẹ em tặng cho em hai quả tét vào mông. Thì ra, cô giáo đã nói với mẹ em là:
- Chị ơi, con chị (giờ nào cũng xin cô đi xì mũi thôi) học tiếng Việt kém lắm.
- À, thế à! Mẹ em đáp lại với vẻ mặt như một "con sư tử hà đông".
Lúc đánh em, mặt mẹ như con "khủng long" đang định vồ lấy em để ăn thịt".
"Mẹ em tên Hiền. Mẹ không xinh lắm nhưng bác bán thịt lợn đầu ngõ vẫn phải ngước nhìn.
Mẹ rất chăm chỉ. Ngày nào mẹ cũng làm việc từ tinh mơ đến khi chiều tối. Nếu mẹ của bạn Trần Nhật Minh là ngọn gió thì mẹ em là cơn lốc.
Mẹ về đến nhà là cuốn sạch cái sân đầy lá mít cùng sỏi đá lẫn trái sấu non mà chúng em bày ra ban chiều. Mẹ cuốn đàn lợn vào giấc ngủ sâu êm đềm, quần áo lấm lem bùn đất vào chậu giặt. Tóm lại, mẹ có thể cuốn tất cả trừ một người lúc nào cũng say mèm là bố em.
Mẹ rất khéo tay. Luống rau mẹ cuốc chẳng cần gieo hạt nhưng đã mọc đầy những ngọn rau dền nhỏ sau vài hôm. Rau dền mẹ nấu có kèm vài ngọn rau sam ngon lắm! Ngoài canh rau, mẹ còn biết luộc trứng, luộc cả thịt. Món luộc của mẹ chẳng bao giờ bị mặn....
Trên thực tế, học sinh tiểu học mới 6-7 tuổi nên có những suy nghĩ trẻ con, non nớt dẫn tới việc tả mẹ quá đỗi chân thực là việc bình thường. Chính vì thế các bậc cha mẹ cần hướng dẫn trẻ nhiều hơn nữa trong việc học và làm bài văn tả sao cho dùng từ ngữ và nối câu, ví von, so sánh... vừa chính xác lại phù hợp. Bên cạnh đó khuyến khích trẻ đọc thêm nhiều các bài văn tả hay qua sách báo để khéo léo rút ra được bài học cho chính bản thân mình. |