Phụ huynh bàn luận sau Tết: Làm thế nào giúp con quản lý tiền lì xì hiệu quả?

H.M - Ngày 21/02/2024 09:30 AM (GMT+7)

Quản lý khoản tiền lì xì đầu năm sao cho hiệu quả và hợp lý là câu hỏi được quan tâm thảo luận trên một hội nhóm facebook dành cho các bậc phụ huynh.

Lì xì đầu năm là một phong tục đẹp, mang ý nghĩa chúc con trẻ, người già thêm một tuổi mạnh khỏe, may mắn, bình an. Sau Tết Nguyên đán, nhiều gia đình bắt đầu tổng kết lại số tiền lì xì đã nhận về trong dịp Tết. Việc quản lý tiền lì xì của con như thế nào cũng khiến các bậc phụ huynh băn khoăn, cân nhắc.

Phụ huynh rôm rả bàn nhau chuyện "Nên làm gì với tiền lì xì của con?"

Phụ huynh bàn luận sau Tết: Làm thế nào giúp con quản lý tiền lì xì hiệu quả? - 1

Bài viết hỏi về vấn đề sử dụng tiền lì xì của con được nhiều phụ huynh bàn luận

Bài viết hỏi về vấn đề sử dụng tiền lì xì của con được nhiều phụ huynh bàn luận

Mới đây, trong một nhóm facebook đông đảo thành viên là các bậc phụ huynh, chủ đề "Làm gì với tiền lì xì của con?" đã nhận được nhiều ý kiến bình luận. Đa số cho rằng nên trao đổi với con về việc bỏ ống heo, lập sổ tiết kiệm cho con, chỉ bảo cho con cách sử dụng tiền hợp lý, tránh tiêu tiền lãng phí... Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến nhận định: khi con nhận được lì xì thì bố mẹ cũng phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để lì xì trẻ em nhà khác, do đó, nếu bố mẹ có sử dụng khoản lì xì của con thì cũng là "của Thiên trả Địa", hợp lý hợp tình.

Chị Thu Giang (32 tuổi, Long Biên) tâm sự: “Hồi bé nhà mình còn nhỏ thì mình chưa nghĩ gì nhiều. Lúc đó vợ chồng cũng còn khá là khó khăn, nên tiền lì xì của bé mình lại để đó mua sữa bỉm cho con. Con lớn hơn tí thì mình dùng tiền ấy mua bảo hiểm sức khỏe hằng năm cho bé. Đến giờ bé đang học lớp 1 rồi, có ý thức về tiền lì xì. Nhưng mình cũng có giải thích với bé là “Con được mọi người lì xì nhưng bố mẹ cũng phải lì xì mọi người. Nên thực ra tiền đó cũng là tiền của bố mẹ. Riêng lì xì của ông bà thì bố mẹ sẽ gửi tiết kiệm cho con, số còn lại thì cũng là để đóng tiền học, mua sách vở cho con thôi”. Mình giảng giải vậy thì bé cũng hiểu. Gia đình cũng không phải dư dả gì nên khoản tiền lì xì đó để dùng lo các khoản cho con. Dự định của mình thì đến cấp 2, khi con có ý thức và biết cách tiêu tiền thì mình sẽ cho bé được tự quản lý tiền lì xì”.

Chị Hồng Ngọc (31 tuổi, Tây Hồ) chia sẻ: “Nhà mình thì thống nhất sẽ gửi toàn bộ tiền lì xì của con vào một tài khoản tiết kiệm. Sau này khi nào bé lớn thì món tiền đó cũng dành cho con sử dụng. Mỗi năm cũng được tầm 5 - 7 triệu tiền mừng tuổi thì đó chính là một cái "quỹ" nho nhỏ để dành dụm sau cho con dùng vào những lúc cần thiết. Cha mẹ cũng chỉ giữ hộ cho con thôi".

Chị Thu Hà (35 tuổi, Ba Đình) cho hay: "Lì xì của bé thì mình sẽ chia thành 2 phần: Một phần gửi tiết kiệm cho bé, một phần nhỏ hơn sẽ cho bé đút lợn. Đút lợn cũng là một cách để dạy bé tính tiết kiệm. Thi thoảng bé được ông bà hay mọi người cho tiền, mình cũng hướng dẫn bé "cho lợn ăn". Cuối năm là bé sẽ được "mổ lợn". Tiền này bé thích mua gì thì mình sẽ cho bé thoải mái lựa chọn để "thưởng" cho công sức tiết kiệm cả năm của bé. Còn khoản tiết kiệm thì cứ gửi đó, sau này bé lớn và đủ khả năng quản lý thì mình sẽ chuyển lại cho bé sử dụng".

Phụ huynh có thể vi phạm pháp luật nếu sử dụng trái phép tiền lì xì của trẻ em

Điều 58, Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định "người nào có hành vi chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên trong gia đình sẽ bị phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng". Theo đó, đối tượng nào có hành vi "chiếm đoạt tài sản riêng" của thành viên trong gia đình (cha, mẹ, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, anh, chị, em...) có thể bị phạt từ 20-30 triệu đồng.

Nếu phụ huynh không sử dụng trái phép tiền lì xì của con mà giữ tiền lì xì để con tiết kiệm tiền, không tiêu sai mục đích và dùng chi tiêu cho con trong các hoạt động khác thì không bị phạt.

Quản lý khoản tiền lì xì đầu năm của con như thế nào hợp lý nhất sẽ phụ thuộc vào điều kiện/hoàn cảnh/cách trao đổi giữa phụ huynh và con cái... của mỗi gia đình. Việc phụ huynh để mặc trẻ tùy ý sử dụng tiền khi còn quá nhỏ, chưa có nhận thức và chưa biết cách sử dụng tiền có thể gây hại cho trẻ. Trẻ có thể làm rơi, bị kẻ xấu trấn lột, trộm cắp... hoặc tiêu pha hoang phí, không biết giá trị của đồng tiền.

Đồng thời, cha mẹ nên trò chuyện với con về cách tiêu tiền từ nhỏ, giáo dục cho con về quản lý chi tiêu. Đối với những trẻ đã có ý thức về tiền, các phụ huynh nên cùng con trao đổi rõ ràng về khoản tiền lì xì mà con nhận được trong dịp Tết.

Cách quản lý, sử dụng tiền lì xì hợp lý

Cha mẹ có thể tham khảo một số cách dưới đây để quản lý khoản tiền này một cách ý nghĩa.

Lập sổ tiết kiệm cho con

Giờ đây, trẻ nhỏ ở khu vực thành thị có thể nhận tiền lì xì lên tới hàng triệu hoặc chục triệu đồng, do đó rất nhiều bậc cha mẹ lo lắng việc con tiêu tiền lì xì sau Tết. Để con trẻ yên tâm số tiền của mình không mất đi và vẫn giữ được lâu dài, cha mẹ nên lập sổ tiết kiệm trong một ngân hàng nào đó.

Phụ huynh bàn luận sau Tết: Làm thế nào giúp con quản lý tiền lì xì hiệu quả? - 3

Hãy giải thích cho con biết rằng, các khoản tiền chi tiêu hàng ngày như học tập, vui chơi, ăn uống bố mẹ đều lo cho trẻ, vì vậy, số tiền trẻ nhận được chưa cần dùng đến và nên lập sổ tiết kiệm để cất giữ, khi có việc quan trọng sẽ đem ra sử dụng. Đây chính là bài học tài chính "vỡ lòng" đối với trẻ để giúp trẻ sử dụng đồng tiền đúng cách và đúng giá trị. Trẻ cũng sẽ học được cách tiết kiệm và không bao giờ lo lắng tiền lì xì sẽ bị cha mẹ giữ mất.

Bỏ ống heo

Bỏ ống heo vốn là một hình thức tiết kiệm "cổ điển" nhất nhưng không kém phần hiệu quả. Việc tự ý sử dụng tiền lì xì ngày Tết có thể khiến trẻ sử dụng không đúng cách, lãng phí và ảnh hưởng tới cách nhìn nhận vấn đề tài chính của trẻ sau này. Cha mẹ nên chuẩn bị cho trẻ một chú heo tiết kiệm đáng yêu và khuyến khích trẻ bỏ ống heo. Cách này có thể áp dụng với trẻ nhận số tiền lì xì ít hoặc trẻ còn bé chưa biết sử dụng tiền.

Mua bảo hiểm cho trẻ

Giờ đây có nhiều gói bảo hiểm cho trẻ nhỏ mà các bậc phụ huynh rất quan tâm. Tùy vào nhu cầu, mục đích của mỗi gia đình mà bố mẹ có thể dùng khoản tiền lì xì để mua bảo hiểm cho con. Trẻ nhỏ là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, hay ốm đau, bệnh tật hoặc xảy ra tai nạn. Vì thế mua bảo hiểm là một cách tốt để phụ huynh có thể yên tâm phần nào nếu con nhỏ gặp tai nạn, đau ốm bất ngờ.

Chia tiền lì xì thành nhiều phần

Cách này sẽ giúp trẻ hào hứng hơn trong việc nhận tiền lì xì năm mới và không cảm thấy khó chịu nếu chẳng may bị cha mẹ giữ. Phụ huynh có thể chia tiền lì xì làm 5 phần, trong đó 1 phần trẻ sẽ được nhận để mua theo ý thích của mình (đồ chơi, quần áo, đồ ăn…), một phần có thể để mua đồ dùng học tập, một phần đút lợn, một phần gửi tiết kiệm…

Bố mẹ có thể giúp trẻ hiểu được ý nghĩa trong việc tiêu tiền lì xì. Trẻ không chỉ học văn hóa nhận tiền lì xì mà còn phải học cách tiêu tiền lì xì. Theo quan niệm xưa nay, đây là “lộc” đầu năm nên cần cân nhắc khi sử dụng đồng tiền để có một năm nhiều may mắn, hạnh phúc.

Người trẻ sử dụng tiền nhàn rỗi: Gửi tiết kiệm ngân hàng cho an toàn hay mạo hiểm đầu tư?
Bài toán sử dụng tiền nhàn rỗi như thế nào cho hiệu quả vẫn khiến nhiều người trẻ phải đau đầu.

chuyện tiêu tiền

Theo H.M Tổng hợp
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tết nguyên đán