Những ngày mẹ nằm viện điều trị hóa chất, bé Công Minh tự mình cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị bài vở đi học chẳng cần ai nhắc nhở.
Ngày 8/3 năm 2017, những hình ảnh cậu bé 6 tuổi Mai Công Minh (Hà Nội) vào bếp làm mâm cơm cho mẹ xuất hiện trên mạng xã hội nhanh chóng nhận được rất nhiều lượt yêu thích, chia sẻ và trầm trồ từ cư dân mạng.
Chị Nguyễn Thị Thu Hồng, mẹ Công Minh khi đó từng tiết lộ lý do dạy con tự lập, ngay cả từ việc cơm nước, nội trợ “vốn của đàn bà” – như nhiều người nghĩ là bởi:
“Ít nhất cháu sẽ không bị ỉ lại và phụ thuộc vào người khác vào bố mẹ. Không ai nói hay được tương lai nên mọi sự chuẩn bị đều là cần thiết”.
Hình ảnh cậu bé 6 tuổi tự tay vào bếp gây bão cư dân mạng hồi tháng 3/2017. Mâm cơm tặng mẹ tuy giản dị nhưng đầy ngọt ngào.
Nhiều người khen ngợi bà mẹ trẻ đã “biết lo xa”, vậy nhưng thực ra khi nói những câu ấy, ít ai ngờ, chị Thu Hồng lúc đó đang điều trị căn bệnh ung thư buồng trứng. Bạo bệnh thuyên giảm chưa được bao lâu, mới đây, chị Thu Hồng lại tiếp tục phát hiện mắc ung thư tuyến giáp.
Lại lặp đi lặp lại chuỗi ngày coi bệnh viện như ngôi nhà thứ hai, vậy nhưng chị Thu Hồng vẫn quyết tâm tiếp tục lên đường điều trị tại Bệnh viện 108. Bà mẹ trẻ cho biết “Tôi vẫn còn ham sống và muốn sống. Tôi không muốn ký ức của con sau này không còn có hình bóng mẹ”.
Chị Hồng kể, chị mắc bệnh ung thư buồng trứng từ năm 2012 và đã điều trị hóa chất. “Hồi đó, khi cơ thể có một cơn sốt nhẹ, tôi đi khám viêm họng. Rất vô tình tôi lại bảo bác sĩ mình có dấu hiệu đau bụng thi thoảng. Lúc đó khối u của tôi đã 11cm. Lúc ấy nghe bác sĩ trao đổi, tôi biết mình bị ung thư, nhưng chưa hình dung ung thư nó khủng khiếp như thế nào”
Chị Thu Hồng phát hiện mắc ung thư buồng trứng từ năm 2012. Kiên trì chữa trị đến khi bệnh vừa mới thuyên giảm, chị lại đau đớn nhận "bản án" thứ hai mang tên: ung thư tuyến giáp.
Lần đầu tiên khi cầm kết quả sinh thiết trên tay, bác sĩ trấn an thôi giai đoạn đầu vẫn còn tốt, cứ điều trị đã. Vậy là chị Hồng tiến hành điều trị.
“Khi bước vào phòng bệnh, nhiều người như tôi lắm, nằm la liệt, mệt mỏi rồi ai cũng nhìn tôi bằng ánh mắt “lại một người mới”. Nhưng tôi vẫn chưa hiểu đâu, cũng chưa biết là hóa trị nó như nào, vẫn tự tin lắm. Hôm đầu tiên bị chệch ven, tay sưng như củ khoai tây, hóa chất truyền thẳng vô bắp, điều dưỡng cũng hốt hoảng nhưng tôi cũng chưa hiểu gì. Sau mới biết chệch ven nguy hiểm ra sao”.
Hết đợt đầu, chị Hồng bắt đầu trải nghiệm những cảm giác nôn ọe như người nghén, mệt, người như trên mây, tóc bắt đầu rụng từng mảng, suy phổi, suy dạ dày, ven bắt đầu mỏng dần.
“Ung thư nó khốc liệt ở chỗ khi truyền cảm giác mệt không muốn ăn thì lại phải ăn thật nhiều để có máu mà truyền. Mỗi lần dừng truyền là bệnh nhân ám ảnh, là một lần mệt mỏi.
Đợt 3 truyền, tôi cấp cứu gần 20 ngày tại viện, tưởng là đi rồi nhưng trời thương. Ngồi trong viện nhìn qua cửa sổ thấy bầu trời lúc đó đẹp lắm, chỉ ao ước mình được ra ngoài. Lúc đó mới thấm thế nào là ung thư ”, chị Hồng nhớ lại.
Nỗi đau thì nhiều, kể ra chẳng được bao nhiêu nhưng những ai từng điều trị ung thư đều thấm. Căn bệnh không chỉ vắt kiệt sức khỏe mà còn cả kinh tế gia đình chị. Dù đã được bảo hiểm chi trả, số chị bỏ ra vẫn phải gần 100 triệu cho 4 đợt hóa trị.
Mệt mỏi là vậy, đau đớn là vậy. Ấy thế nhưng khi một lần nữa nhận tin ung thư lần 2, ung thư tuyến giáp – chị Hồng vẫn quyết chiến đấu tiếp.
“Tôi khóc nhiều lắm. Tôi sợ. Ngày ấy biết tin ung thư khi con mới 2 tuổi, tôi sợ con vẫn còn bé quá, sẽ không nhớ được mặt mẹ khi mẹ mất. Bây giờ con lớn rồi vẫn sợ, sợ con phải chịu nỗi đau không còn mẹ trên đời. Chính vì sợ nên phải cố tiếp tục hóa trị để còn sống thêm với con”, chị Hồng đau đáu.
Cũng từ đấy, song song với việc điều trị ung thư, bà mẹ trẻ bắt đầu nghĩ đến việc dạy con, rèn con tự lập ngay từ tấm bé.
“Khi thoát khỏi án tử lần 1 là tôi thay đổi suy nghĩ, thay đổi cả cách mình yêu con. Thực ra cuộc sống rất vô thường. Dù dạy con tự lập khi nhỏ sẽ cần rất nhiều thời gian nhưng khi con đã biết làm, tôi sẽ không còn lo lắng mỗi khi nằm viện lâu, ốm đau không ai chăm cháu”
Bé Công Minh bắt đầu được mẹ dạy những bài học bếp núc đầu tiên từ khi 3 tuổi.
Đến nay khi 7 tuổi, cậu bé đã tự mình làm được rất nhiều món ăn.
Những lúc vừa làm vừa chơi với đồ ăn như vậy, bé Công Mình còn được mẹ dạy phân biệt các loại thực phẩm hoặc chỗ đựng đồ. Từ đó, bé có hiểu biết nhiều hơn về việc bếp núc.
Chị Hồng và chồng rèn con rất nghiêm khắc. Từ việc ăn uống đến việc con khóc, chị và anh đều quán triệt không bao giờ nhìn phiến diện, không bênh vực con bất cứ chuyện gì nếu con làm sai. Kể cả biết việc bé làm được là ngoài khả năng, chị cũng chỉ khen trước mặt là tạm ổn.
4,5 tuổi, bé Minh thường giúp mẹ nhặt, rửa rau, bóc hành tỏi hoặc phụ giúp các công việc lặt vặt… Những lúc con vừa làm vừa chơi với đồ ăn như vậy, chị Hồng tranh thủ dạy phân biệt các loại thực phẩm hoặc chỗ đựng đồ, cách nêm nếm gia vị, nấu ăn thì làm gì trước làm gì sau một cách khoa học….
“Nói thật là tôi cũng dạy con có nước mắt có đòn roi chứ không phải chỉ là những lời thủ thỉ hoặc là phân tích đúng sai. Nếu đã phân tích mà bé nhưng bé vẫn cố tình làm thì cái sai đó sẽ là bài học cho con ngay lập tức. Tôi nhớ là không dưới 10 lần dù bố mẹ nói nhưng bé vẫn cố làm và kết quả là bé hoàn toàn phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình.
Từ 3 tuổi là tôi đã bắt đầu rèn con đi vào kỷ luật rồi. Con rửa rau cũng cho làm, rau bẩn cả nhà cũng ăn vì đó là thành quả của con. Bài tập về nhà cũng vậy, con cũng có lúc cũng quên làm nhưng quên sẽ chịu phạt của lớp, cái đó không cần phải để bố mẹ nói nhiều. Con phải tự học cách chịu trách nhiệm cho hành động của mình”.
Những ngày chị Hồng vào viện điều trị hóa chất, có khi cả tuần, vài tuần không về, ở nhà, anh Trung - chồng chị Hồng đôn đáo vừa chăm vợ ở viện, vừa về nhà thay vợ chăm sóc cậu con trai nhỏ, dạy con tự lập. Cùng con lo chuyện ăn uống, học hành sao cho mẹ yên tâm chữa bệnh
"Anh thương tôi lắm. Thấy vợ bệnh, anh lo lắng hơn vợ, nhiều đêm mất ngủ vì suy nghĩ. Hiện giờ tôi lại đang nằm viện. Ở nhà mình anh và con chăm nhau.", chị Hồng tâm sự
Những bài học tự lập được chị Hồng khéo léo mà cứng rắn, lồng vào trong cuộc sống thường ngày để rèn con.
Nhờ cách dạy nghiêm khắc nhưng đầy tình yêu thương của bố mẹ suốt nhiều năm qua, bé Công Minh 7 tuổi hiện tại đã có thể tự tắm rửa, ngồi ăn cơm một mình rồi tự dọn đĩa, buổi sáng tự chuẩn bị quần áo đi học, đi học về tự dọn phòng mình như lau bàn học xếp lại sách vở, rồi chủ động làm bài tập, khách đến nhà có thể pha nước mời khách…
Công Minh cũng có thể tự tin giao tiếp với người lạ khi không có bố mẹ, chủ động tìm hiểu những gì liên quan đến mình mà không cần trợ giúp.
7 tuổi, Công Minh có những triết lý già dặn, những suy nghĩ mà người lớn không ai ngờ đấy là đứa bé tiểu học. Cậu bé thương mẹ bằng cả tấm lòng, thường xuyên ôm hôn hoặc kể cho mẹ nghe mọi chuyện. Những khi chị Hồng mệt, Minh thường hỏi han rồi lấy nước lấy đồ, bóp chân bóp tay cho mẹ, ôm mẹ rồi nói con yêu mẹ lắm, thỉnh thoảng mắng yêu mẹ “Cái bà béo hư này sao lại ốm”.
Cậu bé hiểu bệnh của mẹ nhưng với trẻ con, em vẫn chưa thể biết sự khốc liệt của ung thư, chỉ đơn giản nghĩ mẹ đang ốm, mẹ cần nằm viện dài ngày.
Cậu bé 7 tuổi có cách ăn nói già dặn hơn bạn cùng lứa nhưng trong đó ẩn chứa sự trưởng thành, chững chạc vì muốn làm chỗ dựa cho mẹ.
Những ngày mẹ nằm viện điều trị hóa chất, bé Công Minh cùng bố lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị bài vở đi học chẳng cần ai nhắc nhở. Chồng và con trai chính là nguồn động lực giúp chị Hồng tiếp tục chữa bệnh.
Chị Hồng tâm sự: “Công Minh thực sự già dặn hơn so với trẻ cùng trang lứa, điều này cũng có lúc khiến tôi cảm thấy thiệt thòi cho con. Nhưng cuộc sống mà, biết làm sao được vì mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh.
Bệnh không từ một ai, nếu gặp phải người khác chắc cũng sẽ làm như tôi. Niềm tin của tôi là những yêu thương tôi trao con sẽ là động lực, nguồn động viên gia đình tôi vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.”