Lan Phương cho biết ái nữ đầu lòng tiếng Việt vẫn chưa thạo.
Những em bé lai được nuôi dạy trong gia đình đa văn hoá luôn có lợi thế về ngôn ngữ hơn so với những trẻ khác. Bởi trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, bé sẽ được tiếp xúc, giao tiếp với bố mẹ bằng 2 loại ngôn ngữ khác nhau. Tuy nhiên cũng vì điều này mà một số trẻ sẽ gặp khó khăn khi cân bằng giữa các ngôn ngữ với nhau, đặc biệt là trường hợp bé nói thạo ngôn ngữ thứ 2, nhưng lại trắc trở với ngôn ngữ mẹ đẻ. Đơn cử như bé Lina - cô con gái đầu lòng của nữ diễn viên xinh đẹp Vbiz, Lan Phương.
Nhóc tỳ sinh ra trong gia đình mẹ là người Việt, còn bố là người ngoại quốc. Chính vì lẽ đó mà ngay từ khi lọt lòng, Lina đã được tiếp xúc với đa dạng ngôn ngữ. Được biết, ái nữ nhà Lan Phương không chỉ sở hữu ngoại hình lai ấn tượng, mà còn được nhận xét thông minh, lanh lợi. Lina từ nhỏ đã ham học, và có khả năng phát âm Tiếng Anh cực chuẩn.
>>XEM VIDEO: Lan Phương dạy con gái nói tiếng Việt.
Tuy nhiên mới đây trên trang cá nhân, bà mẹ 2 con đã thừa nhận rằng ái nữ của mình dù thạo tiếng Anh, nhưng lại gặp khó với tiếng Việt. "Đọc sách tiếng Anh thì Lina đọc nhanh như gió, còn tiếng Việt thì mẹ cũng khuyến khích suốt nhưng cô ý hơi lười và ngại do tiếng Việt đọc khó hơn tiếng Anh. Nhưng thỉnh thoảng tóm được Lina lúc cầm sách tiếng Việt là mẹ tranh thủ dạy con đọc ngay. Nghe Lina đọc tiếng Việt, chưa thạo nhưng mẹ vẫn thấy đáng yêu lắm. Lúc này con tròn 6 tuổi. Đến hôm nay, sau 3 tuần từ lúc quay video này thì Lina đã tự tin đọc chữ “thiêm thiếp” rồi các cô chú ạ" - Lan Phương cho biết.
Lan Phương dạy con gái nói tiếng Việt.
Vì để giúp con gái sõi tiếng Việt hơn, bà mẹ bỉm sữa 2 con dù bận rộn chăm sóc cô con gái sơ sinh nhưng vẫn quan tâm và dành thời gian để dạy Lina nói tiếng Việt. Có sự đồng hành và giáo dục khéo léo từ mẹ, cô nhóc Lina đang ngày càng tiến bộ hơn trong quá trình học ngôn ngữ của mình.
Chia sẻ về việc dạy con học ngôn ngữ, Lan Phương từng tâm sự rằng cô cho con tiếp xúc với ngôn ngữ một cách tự nhiên chứ không bắt ép con. Khi ở nhà, chồng cô nói Tiếng Anh với bé, còn bà ngoại sẽ nói Tiếng Việt.
"Quan trọng nhất với Phương là yêu thương, hiểu con, giúp con khám phá thế giới và các cảm xúc, giúp con tự tin và có lòng tin vào mọi người. Ngôn ngữ sẽ tự nhiên đến với con khi những người xung quanh yêu thương và giao tiếp với con.
Nhiều người bảo phải dạy con nói Tiếng Việt trước, phải bắt chồng Phương học nói Tiếng Việt chứ. Với Phương điều ấy không phù hợp. Trong gia đình Phương không thích khái niệm "bắt" người này phải làm theo người kia. Mỗi người đều tôn trọng sở thích và mong muốn của người kia. Chẳng ai trên đời lại thích bị bắt ép làm điều mình không thích hay chưa sẵn sàng cả.
Lina sẽ được tiếp xúc và học nói cả 2 ngôn ngữ để con có thể nói chuyện được với ông bà ngoại, ông bà nội. David sẽ học Tiếng Việt khi anh có thời gian và mong muốn nói Tiếng Việt cao hơn. Còn Phương cũng vẫn phải nỗ lực để Tiếng Anh của Phương tốt hơn mỗi ngày. Và không quên kể đến là ông bà ngoại Lina đang có động lực học Tiếng Anh.
Lina dù còn bé nhưng đã là một người lớn thu nhỏ. Con vẫn luôn cần được lắng nghe, được chia sẻ và tôn trọng. Mẹ và con sẽ là 2 cô bạn gái thân nhất trên đời Lina nhỉ? Và ngôn ngữ tốt nhất cho con bây giờ là ngôn ngữ của tình yêu" - nữ diễn viên cho biết.
Lan Phương dạy con gái 2 ngôn ngữ: Việt và Anh từ bé.
Nhờ có mẹ luôn hỗ trợ, cộng thêm sự nhạy bén trong việc học ngôn ngữ, tương lai cô nhóc Lina hoàn toàn có thể cải thiện được trình độ Tiếng Việt của mình. Tuy nhiên thực tế cho thấy, có nhiều đứa trẻ dễ rơi vào tình trạng bị rối loạn ngôn ngữ vì cùng một lúc tiếp thu nhiều loại ngôn ngữ khác nhau. Điều này khiến không ít bố mẹ lo lắng.
Theo cô Ngô Hiên – Nhà trị liệu tâm lý, Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học Tâm lý - Giáo dục (Hà Nội) cho biết năm 2018, mỗi tháng trung tâm khám mới khoảng 50 trẻ bị rối loạn ngôn ngữ, trong đó có những trẻ gặp vấn đề nói thạo tiếng Anh hơn tiếng Việt.
Và hầu hết những trẻ này đều có rắc rối tiềm ẩn về ngôn ngữ, và việc trẻ chưa thành thục tiếng mẹ đẻ đã tiếp xúc với ngôn ngữ khác sẽ làm việc tiếp nhận sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp của trẻ khó khăn, hạn chế hơn.
Chính vì vậy, khi con nói tiếng Anh, bố mẹ cần lưu ý con có sử dụng ngôn ngữ đó để giao tiếp tương tác hay chỉ sử dụng một cách máy móc, đơn lẻ không phù hợp ngữ cảnh, đó có thể là dấu hiệu con đang bị rối loạn ngôn ngữ cần can thiệp.
Trẻ sử dụng thiết bị điện tử nhiều, tương tác một chiều dễ rối loạn ngôn ngữ
Theo cô Hiên, những trẻ gặp vấn đề rối loạn ngôn ngữ, trong đó nói tiếng Anh hơn tiếng Việt thường không chỉ là chậm phát triển ngôn ngữ đơn thuần mà còn kèm theo nhiều vấn đề rối nhiễu khác.
Ngoài ra, môi trường gia đình cũng tác động nhiều đến trẻ. Khi thấy con có xu hướng thích tiếng Anh hơn hoặc tiếp nhận tiếng Anh tốt, gia đình lại tạo môi trường thuận lợi: khuyến khích cho tiếp xúc với tivi, youtube, điện thoai, máy tính xem chương trình tiếng Anh và con nói lại, mà quên rằng ngôn ngữ giao tiếp thông thường con chưa đáp ứng được.
Điều đáng nói, phụ huynh không nhận ra vấn đề của con sớm, có quan niệm "chậm đi thì đói, chậm nói thì giàu" nên luôn có tâm lý chờ đợi con, làm cho tình trạng trẻ càng ngày càng nặng hơn.
Biện pháp giúp trẻ cải thiện tình trạng rối loạn ngôn ngữ
Nói về phương pháp giúp trẻ cải thiện trình trạng rối loạn ngôn ngữ nói chung, và vấn đề sử dụng tiếng Anh thạo hơn tiếng Việt chỉ mang tính chất chụp hình, máy móc ở trẻ nói riêng, cô Hiên cho biết, điều đầu tiên cha mẹ cần phát hiện sớm và can thiệp sớm khi thấy con có khó khăn về ngôn ngữ thể hiện so với các bạn đồng trang lứa.
Sau đó, các nhà điều trị tâm lý sẽ sử dụng 1 số liệu pháp như trị liệu ngôn ngữ... và 1 số kĩ thuật (nhắc, làm mẫu...) để dần thu hút sự chú ý và tương tác giao tiếp mắt với trẻ, để hình thành giai đoạn tiền ngôn ngữ và phát triển vốn từ cho trẻ.
Đồng thời, không “cổ súy” cho việc tiếp tục sử dụng những từ tiếng Anh trẻ đã nói được. Bên cạnh đó, một mặt nhà trị liệu tư vấn gia đình thay đổi môi trường, thói quen cho con xem tivi, ipad, điện thoại với hình thức hệ thống hóa giảm dần, mặt khác gia đình cần dành thời gian hướng dẫn, chơi tương tác cùng trẻ.
- Theo khuyến cáo chung từ Hội đồng Nhi khoa Hoa Kỳ về thời gian ngồi trước màn hình của trẻ là: từ 0-18 tháng là 0h/ngày; từ 2-5 tuổi tối đa 1h/ngày; Trên 6 tuổi tối đa 2h/ ngày.
- Khi dạy con, cha mẹ nói câu có từ khóa, ngắn gọn 2-3 từ, nhấn mạnh rõ ràng, luôn tương tác giao tiếp mắt thể hiện sự tôn trọng trẻ và cho trẻ thời gian chờ đợi 5-7 giây.
- Khi đưa ra yêu cầu, con chưa hiểu, cha mẹ làm mẫu, cầm tay trợ giúp trẻ. Các hoạt động củng cố nên gắn với sinh hoạt hàng ngày.
- Mọi thành viên trong gia đình cần thống nhất trong cách hướng dẫn trẻ.
- Khuyến khích, động viên trẻ ngay lập tức bằng lời, nét mặt, cử chỉ, phần thưởng khi trẻ thực hiện được phần nào những yêu cầu của người lớn đưa ra.
- Cha mẹ nên giúp con thành thạo ngôn ngữ mẹ đẻ để giao tiếp. Sau đó, gia đình có thể kết hợp cho trẻ học ngoại ngữ nhưng cần phân bố thời gian hợp lý, chọn phương pháp học hiệu quả và đặc biệt cần có sự tương tác, giao tiếp giữa trẻ với mọi người xung quanh.