"Tại sao đánh giá con tôi sai?" - anh Lưu tức giận đến chất vấn cô giáo của con.
Rất nhiều các em học sinh có suy nghĩ đơn giản hay vội vàng khi làm một bài toán nên thường vấp phải nhiều sai lầm như không đọc kĩ đề bài hay kết quả đúng nhưng cách giải sai... từ đó dẫn đến việc đều không đạt được điểm tuyệt đối.
Ông bố họ Lưu (Trung Quốc) mới đây cũng chia sẻ một câu chuyện khi anh kèm con học toán giúp các bậc phụ huynh coi đó như một kinh nghiệm. Theo chia sẻ của anh Lưu, con trai anh đi học trở về nhà với gương mặt buồn thiu vì điểm kiểm tra môn toán không được cao. Khi anh Lưu gặng hỏi đứa trẻ bật khóc nói rằng con không hiểu tại sao cô giáo lại chấm con sai.
Anh Lưu liền cầm lấy bài kiểm tra của con trai và xem xét. Theo đó nội dung bài toán mà cô giáo đưa ra rất đơn giản: Trong lớp học có 12 đèn đang thắp sáng, cô giáo tắt đi 3 đèn hỏi trong lớp học còn lại bao nhiêu đèn?
Con trai anh Lưu thực hiện bài toán theo phép tính trừ: 12-3=9 (bóng đèn).
Anh Lưu cũng đồng ý với cách làm của con trai nhưng không hiểu sao cô giáo lại gạch chéo đỏ. Thậm chí khi đưa bài kiểm tra cho vợ kiểm tra lại một lần, vợ anh Lưu cũng không hiểu con trai bị sai ở đâu. Do đó cả hai nhận định có lẽ cô giáo đã chấm sai.
Anh Lưu nhắn tin cho cô giáo hỏi rằng "Có phải cô đã chấm nhầm bài kiểm tra của con trai tôi không. Rõ ràng 12-3=9 nhưng cô giáo lại gạch bài này sai". Tuy nhiên do lúc đó cô giáo đang bận nên không giải thích được nhiều mà chỉ nói anh Lưu "Nhờ anh xem kĩ lại bài toán".
Ngày hôm sau, anh Lưu đưa con đi học tức giận hỏi cô giáo kĩ hơn "Tôi đã nghĩ kĩ lắm rồi vẫn thấy cô giáo có vẻ là người sai".
Lúc này cô giáo liền giải thích kĩ hơn cho hai bố con anh Lưu hiểu: "Bài toán này thực chất là kiểm tra khả năng tư duy logic của học sinh. Vì vậy xin anh vui lòng đọc kĩ lại câu hỏi giúp tôi. Có 12 bóng đèn trong lớp học và 3 đèn bị tắt. Câu hỏi là lớp học có bao nhiêu đèn. Vì là hỏi số đèn tồn tại chứ không phải số đèn đang được thắp sáng nên đáp án vẫn là 12 đèn chứ không phải 9". Lúc này như hiểu ra vấn đề, ông bố Lưu cảm thấy ngượng ngùng, gãi đầu gãi tai thừa nhận bản thân đúng là cũng sai sót y như con trai vậy nên đành gửi lời xin lỗi vì đã làm phiền tới cô giáo.
Thực tế, tính chặt chẽ của câu hỏi thường quyết định kết quả phép toán, đôi khi để rèn luyện tư duy của trẻ, giáo viên sẽ cố tình đặt một số câu hỏi “hóc búa”, đây thực sự là một thử thách đối với trẻ.
Việc rèn luyện cho trẻ mở rộng tư duy về những vấn đề như vậy là rất tốt nhưng ở góc độ khác, nó cũng hạn chế tư duy của trẻ. Do đó làm thế nào để trau dồi khả năng tư duy của trẻ đúng cách?
1) Đơn giản hóa các câu hỏi đơn giản
Trong nhiều trường hợp, đối với một số câu hỏi đơn giản, phải dùng cách dễ hiểu nhất để hiểu rõ ràng.
Ví dụ: con không cần phải suy nghĩ quá phức tạp về vấn đề 1 + 1. Cách dễ nhất là, trong những trường hợp bình thường, 1 + 1 = 2, vì không có câu hỏi hóc búa nào thì cũng không cần suy nghĩ phức tạp làm gì.
2) Không hiểu thì hỏi, đừng tự cho mình là đúng
Trong nhiều trường hợp, một số trẻ sẽ theo bản năng cho rằng mình làm như thế là đúng thì chắc chắn nó là đúng, họ nói mình sai tức là họ sai. Tuy nhiên không phải lúc nào suy nghĩ của mình cũng đúng, hãy nói cho con biết khi có điều gì không hiểu phải hỏi cho rõ, không được tự cho mình là đúng.
3) Nắm bắt nguyên nhân gốc rễ của lỗi
Cái gốc của việc giúp trẻ giải quyết vấn đề là giúp trẻ hiểu được bản thân lỗi đó, tại sao lại sai, nguyên nhân dẫn đến lỗi đó, nếu đã xảy ra thì làm thế nào để kịp thời tránh, chỉ có hiểu những điều này mới có thể giúp trẻ tránh được.