Tôi đã không thể kiềm được lòng mình khi thấy hành động của con trai đồng nghiệp.
Mỗi đứa trẻ đều giống như một tờ giấy trắng, bố mẹ là người sẽ vẽ lên những nét vẽ đầu tiên. Muốn con sau này trở thành người như thế nào thì bố mẹ sẽ phải làm gương và dạy con đúng cách. Tôi luôn hiểu điều đó, nhưng có lẽ vì chưa chính thức làm mẹ nên tôi vẫn còn thiếu nhiều trải nghiệm thực tế.
Tôi lấy chồng cách đây một năm, và hiện tại đang mang thai con gái đầu lòng, ăn xong cái Tết này là tôi sẽ lên chức mẹ bỉm sữa. Để chuẩn bị cho hành trình nuôi dạy con sắp tới, tôi đã nỗ lực học hỏi và trau dồi rất nhiều, từ chính người thân, anh chị trong nhà cho đến bạn bè, đồng nghiệp của mình.
Ảnh minh hoạ
Hôm nay tôi đã chứng kiến một việc mà có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên, và hy vọng sau này tôi cũng sẽ dạy được con của mình giống như đứa trẻ ấy. Chuyện là các đồng nghiệp trong công ty tôi có hẹn đến nhà anh trưởng phòng để làm một buổi tiệc tất niên cuối năm, cũng coi như tranh thủ ngày nghỉ ăn mừng năm mới sớm vì ngày 1/1 Tết dương mỗi người đều bận sum họp bên gia đình của mình.
Buổi tiệc diễn ra rất vui, có cả sự tham gia của vợ con và mẹ vợ của anh trưởng phòng. Ai cũng ăn uống nhiệt tình, nhưng vì mang thai nên tôi không tham gia “chén chú chén anh” với mọi người. Đến giữa tiệc thì mẹ vợ của trưởng phòng xin phép “rút lui”. Tôi ngồi được một lúc thì mắc vệ sinh nên cũng đứng dậy đi xử lý.
Đúng lúc này khi đi ngang qua phòng của mẹ vợ trưởng phòng, tôi đã chứng kiến toàn bộ từng hành động của cậu con trai tiểu học nhà anh trưởng phòng làm với bà ngoại của mình. Ngay tại khoảnh khắc đó, tôi đã xúc động đến mức không kiềm được những giọt nước mắt của mình. Có thể cũng vì đang mang bầu nên cảm xúc của tôi khá nhạy cảm, nhưng tôi tin rằng chất kích thích mạnh mẽ nhất vẫn là việc làm của đứa trẻ.
Ảnh minh hoạ
Dù chỉ mới 8 tuổi, nhưng thằng bé lại rất ra dáng người trưởng thành, hiếu thuận với bà của mình. Khi thấy bà uống say nằm vật vưỡng trên giường, nhóc tỳ đã lấy một thau nước và chiếc khăn rồi cẩn thận lau người cho bà. Không những thế, khi thấy bà ngoại có dấu hiệu buồn nôn, nhóc tỳ liền đỡ bà dậy nhẹ nhàng vuốt lưng, dỗ dành giống như em bé.
Có lẽ, tôi nghĩ không chỉ riêng bản thân tôi, mà chắc chắn bất kỳ một ai khác khi chứng kiến được hình ảnh này cũng sẽ cảm thấy vô cùng ấm lòng. Một đứa trẻ còn nhỏ nhưng lại sống tình cảm và hiểu chuyện như thế, tôi tin rằng bé đã được vợ chồng anh trưởng phòng giáo dục rất tốt. Tôi thực sự hy vọng rằng, bản thân trong tương lai cũng sẽ nuôi dạy được một đứa trẻ giống như thế.
Tâm sự từ độc giả trandiem…@gmail.com
Qua câu chuyện trên, có thể thấy bài học về tính hiếu thuận với ông bà, bố mẹ là bài học quan trọng trẻ nên được dạy ngay khi con còn nhỏ. Để có thể giúp con rèn luyện, trau dồi đức tính tốt đẹp này thì bố mẹ cần làm những điều sau:
- Tăng cường giáo dục: Bố mẹ có thể truyền đạt giá trị và ý nghĩa của tính hiếu thuận thông qua việc giảng dạy, gợi mở câu chuyện và ví dụ trong cuộc sống hàng ngày của gia đình. Đồng thời, bố mẹ cũng nên khuyến khích con tham gia vào các hoạt động xã hội như tình nguyện để trẻ có cơ hội được cảm nhận, thấu hiểu và tích cực trau dồi tính hiếu thuận trong cộng đồng.
- Bố mẹ làm gương: Không có một bài học nào hiệu quả bằng việc bố mẹ làm gương để con quan sát, học hỏi và bắt chước theo. Bố mẹ có thể tạo ra một môi trường gia đình yêu thương và hỗ trợ, nơi mà tính hiếu thuận được đặt lên hàng đầu và thực hành hàng ngày. Bằng cách làm gương cho con, bố mẹ tạo ra một hình mẫu tích cực để con học hỏi và noi theo.
- Dạy con cách thể hiện lòng biết ơn: Bố mẹ hãy dạy cho con cách thể hiện lòng biết ơn khi nhận được sự giúp đỡ hoặc những điều tốt đẹp từ người khác. Việc dạy con nói "cảm ơn" và biết thể hiện lòng biết ơn thông qua các hành động như viết thư, vẽ tranh hoặc tặng quà,... sẽ giúp con nhận thức, cũng như biết trân trọng những đóng góp của người khác.
- Khuyến khích con giúp đỡ và chăm sóc ông bà: Bố mẹ hãy tạo cơ hội cho con tham gia vào các hoạt động giúp đỡ và chăm sóc ông bà như làm việc nhà, hoặc thực hiện các nhiệm vụ nhỏ mà ông bà giao cho. Khi con tham gia vào những hoạt động này, con sẽ nhận ra giá trị của việc biết giúp đỡ và chăm sóc người thân trong gia đình, từ đó rèn luyện tính hiếu thuận.
Một số biểu hiện cho thấy trẻ không hiếu thuận với ông bà, bố mẹ nên điều chỉnh sớm.
- Thiếu sự quan tâm: Đứa trẻ không thể hiện sự quan tâm đến ông bà, ít hỏi thăm sức khỏe hoặc không chia sẻ những câu chuyện về cuộc sống hàng ngày của mình cho ông bà nghe. Ngược lại, trẻ cũng sẽ không dành thời gian để lắng nghe ông bà kể chuyện, tâm sự, không ở bên cạnh ông bà nhiều.
- Không giúp đỡ hoặc không tự nguyện giúp đỡ: Đứa trẻ không có tính hiếu thuận sẽ không tự nguyện giúp đỡ ông bà trong các hoạt động hàng ngày như làm việc nhà, hoặc làm những công việc nhỏ khác. Trẻ thường lơ đi, tìm cách trốn tránh sự nhờ vả của ông bà, hoặc phải đợi ông bà nhắc nhở, bắt ép thì mới chịu phụ giúp, nhưng thường với thái độ dùng giằng, khó chịu.
- Thiếu lòng biết ơn và tôn trọng: Đứa trẻ không có tính hiếu thuận sẽ không thể hiện lòng biết ơn và tôn trọng ông bà. Trẻ sẽ không biết nói lời cảm ơn khi nhận được sự giúp đỡ từ ông bà hoặc thậm chí dành những lời lẽ, hành động thiếu sự tôn trọng dành cho ông bà như tỏ thái độ vô lễ, giao tiếp bất lịch sự, không biết "kính trên nhường dưới".