Chứng kiến cảnh tượng này, người mẹ phải “dụi mắt” vài lần vì khó tin.
Khi con càng lớn, bố mẹ sẽ càng khó khăn hơn trong việc nuôi dạy. Vì không giống như lúc nhỏ, bố mẹ có thể giữ con ở gần bên cạnh mình, trẻ lớn hơn đồng nghĩa với việc bố mẹ sẽ khó quản lý và kiểm soát hơn. Đó là lý do mà có những chuyện xảy ra, bố mẹ không thể nào lường trước được.
Điển hình như tình huống của một gia đình được mẹ trẻ chia sẻ trên mạng xã hội, và nhanh chóng thu hút sự chú ý của đông đảo cộng đồng mạng. Theo đó, một bà mẹ 2 con (Trung Quốc) đã đăng tải đoạn video được trích ra từ camera gia đình vào lúc sáng sớm, và cho biết rằng nhà cô vừa có 2 “kẻ lạ” đột nhập.
Thời điểm này, trong nhà vẫn tối đen và bà mẹ đang lờ mờ tỉnh giấc. Theo thói quen, chị sẽ cầm vào điện thoại và vô tình kiểm tra camera được lắp đặt trong nhà. Và rồi, vài giây sau đó, mẹ trẻ giật mình phát hiện có 2 bóng người lén lút bò vào phòng khách. Tưởng kẻ gian nào, nhưng sau khi dụi mắt nhìn kỹ vì còn chưa tỉnh ngủ, người mẹ bất ngờ khi nhận ra các đối tượng này không ai khác lại chính là 2 cậu con trai của mình.
Hoá ra, tranh thủ lúc bố mẹ còn ngủ, 2 nhóc tỳ vì muốn chơi điện thoại nên đã có hành động lén lút bò lại phía bàn phòng khách để mò lấy chiếc điện thoại đang được đặt ở trên đấy. Vì sợ bị phát hiện, nên các “búp măng non” cứ lóng ngóng, mặt hiện rõ sự sợ sệt không ngừng nhìn ngó xung quanh khiến ai xem video cũng “dở khóc dở cười”.
Sau khi hoàn thành được mục đích, 2 nhóc tỳ nhanh chóng chạy vào phòng ngủ. Nhìn thấy toàn bộ hành động của các con, bà mẹ vừa không nhịn được cười nhưng cũng vừa tức điên vì cảm thấy 2 bé có dấu hiệu mê thiết bị điện tử.
Không riêng gì người mẹ trong tình huống này, mà nhiều phụ huynh xem qua đoạn video cũng lên tiếng nhắc nhở về vấn đề trẻ em ngày nay được tiếp xúc với điện thoại, tivi sớm nên phần lớn đứa nào cũng cắm mặt vào điện thoại cả ngày lẫn đêm. Đây hoàn toàn là điều không nên được khuyến khích, mà ngược lại bố mẹ cần phải giám sát con cẩn thận hơn, nếu quá dễ dãi thì con trẻ sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực từ việc sử dụng thiết bị điện tử.
Vậy làm thế nào để giải quyết vấn đề nghiện chơi điện thoại của trẻ em?
Theo các chuyên gia tâm lý, khi trẻ nghiện điện thoại hay nghiện chơi game, cha mẹ nên lưu ý các vấn đề sau:
- Không nên đe dọa hay cấm trẻ sử dụng thiết bị điện tử
Công nghệ không có lỗi, các biện pháp ép buộc không phải giải pháp tốt. Chính sự ngăn cấm mới chính là nguồn gốc gây nên sự mất tập trung của trẻ.
Nguyên nhân chính là do cơ thể con người luôn cần các chất dinh dưỡng để phát triển toàn diện. Trí não của trẻ cũng như vậy. Việc cấm đoán con trẻ sẽ làm chúng cả ngày chỉ nghĩ đến điện thoại và máy tính. Sự "thèm khát" do không được thỏa mãn ham muốn sẽ khiến trẻ bị mất tập trung mà thôi.
Tổ chức Sức khỏe Cộng đồng Malaysia (Public Health Malaysia) cũng đã chia sẻ rằng các bậc cha mẹ không nên ngăn con cái của mình sử dụng điện thoại bằng cách dọa nạt trẻ. Tổ chức này giải thích rằng việc dọa con như thế có thể dẫn đến trải nghiệm đau thương cho trẻ và sẽ tồn tại mãi trong trí nhớ của chúng.
- Thiết lập cho trẻ các nguyên tắc dùng điện thoại
Thay vì cấm đoản trẻ sử dụng điện thoại. Cha mẹ vẫn nên cho trẻ tiếp xúc với điện thoại vì trong thời đại công nghệ thông tin, sẽ rất thiệt thòi cho trẻ nếu chúng không biết cách sử dụng các thiết bị thông minh. Tuy nhiên, điều quan trọng là cha mẹ nên đặt ra các nguyên tắc khi sử dụng điện thoại.
Các bậc cha mẹ phải quản lý chặt chẽ con cái ngay từ khi còn nhỏ, cho trẻ sử dụng điện thoại di động vào một thời điểm cố định hàng ngày.
Bên cạnh đó, cha mẹ cần là một tấm gương trong việc sử dụng và kiểm soát việc sử dụng các thiết bị di động để chơi game, internet và mạng xã hội, bởi vì mọi thái độ và hành động của các bậc phụ huynh luôn là bài học thực tiễn sâu sắc để các con noi theo và học tập mỗi ngày.
- Mang đến cho trẻ những hoạt động giải trí khác
Muốn con cai điện thoại, cha mẹ thật sự không cần phải đe dọa con về tác hại của điện thoại như bà mẹ trẻ trong câu chuyện trên. Trên thực tế, cha mẹ chỉ cần tạo điều kiện cho trẻ tham gia các hoạt động giải trí khác như chơi đùa cùng các bạn đồng trang lứa, chơi các loại đồ chơi lành mạnh và kích thích phát triển trí não như xếp hình, lego,...
Cha mẹ cũng nên khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời như chơi thể thao, cùng con đi tham quan, du lịch,... Các hoạt động này vừa có thể mang lại cho trẻ những trải nghiệm lý thú vừa khiến trẻ quên mất sự tồn tại của chiếc điện thoại di động.