Chứng kiến cảnh tượng này, nhiều phụ huynh không khỏi đau lòng.
Từ xưa đến nay, vấn đề giáo dục con luôn là vấn đề đau đầu của nhiều bậc bố mẹ. Một số trẻ đặc biệt không vâng lời, không chịu học hỏi và thường xuyên mắc sai lầm. Vì vậy, nhiều bậc bố mẹ phải tìm đủ mọi cách để uốn nắn con. Một số phụ huynh sẽ sử dụng bạo lực, và một số khác thì dùng phương pháp từ từ giao tiếp với đứa trẻ, hy vọng giáo dục con mình thông qua những cuộc trò chuyện chân tình, nhẹ nhàng thì sẽ khiến con thấu hiểu và từ đó tự giác ngoan ngoãn hơn.
Vì nhiều lý do khác nhau, việc bố mẹ lơ là trong dạy con sẽ khiến trẻ dễ mắc phải những sai lầm nghiêm trọng. Để con nhận ra lỗi lầm của mình, một số bố mẹ đã lựa chọn cách xử lý đặc biệt để con có thể ghi nhớ bài học đó suốt đời, đồng thời nhìn con mà bố mẹ cũng sửa được thiếu xót của chính mình.
Cách đây không lâu, trên nền tảng mạng xã hội xứ Trung, một bà mẹ ở Hồ Nam đã chụp lại bức hình cảnh bố quỳ gối xuống đất cho con trai đánh khiến dân tình lập tức bùng nổ tranh luận. Theo tìm hiểu, người mẹ cho biết chuyện bắt đầu từ việc vợ chồng cô có một cậu con trai đang học cấp 2. Tuy nhiên, thành tích học tập của con luôn rất tệ, đã thế còn nghịch ngợm.
Từ trước đến nay, cô là người trực tiếp nuôi dạy con một mình, vì chồng đi làm ở xa. Sợ ông xã lo lắng nên cô rất hiếm khi than thở với anh về chuyện dạy con, một mình cô tự chịu trách nhiệm với chuyện này. Nhưng cô không ngờ dạy con lại khó đến thế, mềm mỏng nghiêm khắc đủ cách nhưng con trai vẫn không thay đổi chút nào, thậm chí còn bị giáo viên phê bình và thằng bé đã đòi bỏ học.
Quá bế tắc, cuối cùng người mẹ cũng mách với chồng về vấn đề này. Lo lắng cho con, người bố quay trở về nhà nghỉ phép sau bao tháng đi làm ăn xa. Lúc về đoàn tụ với gia đình, ông bố rất hối hận về việc chỉ vì kiếm tiền mà bỏ bê chuyện dạy dỗ con. Thế là vào một ngày, để trị đứa trẻ, ông bố đã yêu cầu con cầm cây roi đánh mình và ông đã quỳ xuống trước bàn thờ tổ tiên để nhận lỗi, vì bản thân bao lâu nay đã không làm tròn bổn phận của một người bố.
Giờ con trai trở thành đứa trẻ ngỗ nghịch thế này, ông nghĩ lỗi là do chính bản thân mà ra nên muốn được nhận hình phạt xứng đáng. Trước tình huống bất ngờ, cậu con trai sợ hãi đứng một bên cầm cây roi, tuy nhiên khi người bố bảo đánh thì cậu bé lại không dám. Nhóc tỳ tái mặt nói với giọng run rẩy: “Con không đánh bố được đâu”, thế nhưng ông bố vẫn kiên quyết muốn con trai làm điều này. Ông còn nói một cách dứt khoát: “Đây là quy tắc của tổ tiên chúng ta, nếu con không đánh bố, bố sẽ không thể đứng dậy."
Cậu con trai lúc này mới cầm cây roi dơ lên và bắt đầu đánh nhẹ vào người bố. Khi ông bố yêu cầu dùng lực mạnh hơn, nhóc tỳ đã sợ đến mức bật khóc và sau đó miệng liên tục xin lỗi bố mẹ về những việc bản thân đã làm, hứa sau này sẽ không lỳ lợm mà sẽ ngoan ngoãn nghe lời bố mẹ, chăm chỉ học hành.
Nhìn thấy cảnh tượng này, cộng đồng mạng đã để lại rất nhiều bình luận. Có người đồng tình với cách giáo dục con trai của người bố, nhưng có người thì phản đối. Tuy nhiên, ai cũng bày tỏ sự đồng cảm, xót xa với nỗi lòng của các bậc bố mẹ khi dạy con, đó thực sự là chuyện không dễ dàng gì.
Trên thực tế, mỗi gia đình sẽ có quan điểm, phương pháp giáo dục con khác nhau và dĩ nhiên không có một quy định chung nào được áp dụng cho tất cả bố mẹ trên hành trình dài đằng đẵng này. Vì mỗi đứa trẻ là một cá thể mang trong mình những đặc trưng và tính cách khác nhau, chỉ khi bố mẹ hiểu con và tìm đúng được cách nuôi dạy phù hợp thì thành quả mới đến.
Có nhiều cách để trừng phạt khi đứa trẻ phạm lỗi, tất nhiên đó phải là những hình phạt khoa học. Khi con mắc lỗi, cha mẹ nên áp dụng theo độ tuổi và hoàn cảnh để xử lý.
Ra ám hiệu bằng ngôn ngữ cơ thể thay vì quát tháo, chửi mắng
Một gia đình dắt theo 2 con cùng đi ăn nhà hàng. Hai cậu bé đã gõ đũa, thìa vào bộ đồ ăn tạo nên những âm thanh khó chịu. Thay vì lớn tiếng ầm ĩ, người cha đã nhìn hai con bằng một ánh mắt nghiêm khắc, khẽ lắc đầu. Ngay lập tức, hai đứa trẻ hiểu rằng chúng không nên có hành động như vậy nữa.
Những lời cảnh báo và chỉ trích bằng lời nhắc nhở: “Sẽ không có lần sau đâu đấy nhé”
Ví dụ, nếu một đứa trẻ ở trong công viên giải trí và đánh nhau với những đứa trẻ khác để tranh giành đồ chơi, điều mà người mẹ nên làm là nói với con: “Thật không đúng một chút nào khi con đánh bạn. Đây là lần đầu tiên, mẹ sẽ bỏ qua cho con, nhưng con không được phép phạm lỗi thêm lần nữa nếu không mẹ sẽ phạt con. Hơn nữa nếu con làm thế, con sẽ không có bạn bè chơi với mình đâu”.
Nếu lần thứ 2 con lặp lại sai lầm này, mẹ nên nói: “Đây là lần thứ 2 rồi đấy”. Cho đến lần thứ ba, nói với con: "Đây là lần thứ ba!", Và sau đó ngay lập tức thực hiện hình phạt của cảnh báo trước. Thời gian phạt hợp lý để con bình tĩnh lại.
Ví dụ, khi một đứa trẻ mất bình tĩnh và ném đồ chơi, con sẽ cần phải được đứng vào một chỗ, im lặng và suy nghĩ về những gì mình làm. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nhốt con vào một cái phòng để con sợ hãi. Bạn chỉ nên để con ngồi vào một góc riêng. Sau ba phút, mẹ có thể đi đến ôm con và nói cho con biết mình đang làm gì sai. Lúc này, hầu hết các con có thể nhận ra lỗi lầm của mình và nhớ hôn con lần nữa.
Yêu cầu con phải chịu trách nhiệm về những hành động của mình
Khi bạn đánh thẳng vào những “lợi ích” của trẻ, chúng sẽ nhanh chóng nhận ra “hậu quả” nghiêm trọng từ việc mình làm và phải điều chỉnh hành vi.
Ví dụ: giảm số lượng đồ chơi đã mua, hủy một số hoạt động giải trí như xem phim, tham quan công viên,… Khi con yêu thích một điều gì đó, bạn có thể dùng nó là cách để điều chỉnh thái độ cho con. Hãy đặt ra giao ước nếu con phạm lỗi, những món đồ chơi con thích, một chuyến đi chơi của con… tất cả sẽ không còn được như ý muốn nữa. Để làm điều này hiệu quả, bạn cũng cần phải có hình thức thưởng hợp lý khi con làm tốt. Thưởng – phạt phân minh sẽ giúp con trở nên tiến bộ hơn.