Chị Nguyệt thừa nhận chính con gái là người đã giúp bố mẹ gắn kết gần nhau hơn, từ yêu thành cưới, từ xa thành gần.
Không có người phụ nữ nào muốn lựa chọn cuộc sống một mình nuôi con, tất cả là do sự sắp đặt của “số phận” và khi ấy chắc chắn cũng chẳng có người mẹ nào chối bỏ một thiên thần đang lớn từng ngày trong cơ thể mình. Chị Nguyễn Minh Nguyệt (sinh năm 1990, Hà Nội) nhiều năm về trước cũng từng rơi vào hoàn cảnh như vậy, người bạn trai lâu năm bỗng dưng quay lưng khi biết chị mang bầu.
Cả bạn trai và gia đình người ấy đều biến mất, điều đó không khiến chị chùn bước mà lại làm động lực giúp chị quyết tâm lựa chọn sống mạnh mẽ hơn bên cạnh cô con gái bé bỏng. Đứa trẻ chính là máu mủ, là hơi thở cuộc sống của chị.
Chị Minh Nguyệt và tổ ấm hạnh phúc hiện tại, bên chồng và con gái.
Đơn thân nuôi con nhiều năm, chị Nguyệt được “ban tặng” một món quà vô giá chính là anh chồng người Pháp – anh Florian Casagrande (SN 1985, học chuyên ngành Tâm lý học và hiện làm tư vấn cho một công ty nhân sự tại Pháp). Anh chị quen nhau thông qua ứng dụng hẹn hò trên điện thoại vào năm 2020.
Những cuộc trò chuyện chóng vánh, sự kết nối rời rạc vì khoảng cách địa lý gần 10 nghìn km chẳng thể nào ngăn cách được tình yêu anh dành cho chị và cũng chẳng thể ngờ điều đó lại giúp hai người gắn bó đến tận bây giờ. Trải qua nhiều khó khăn, nhất là thời điểm dịch Covid-19 đầy căng thẳng, cuối cùng cả hai đến bên nhau bằng một đám cưới bình dị đầu tháng 11/2022 tại Hà Nội với sự chúc phúc của gia đình hai bên, người thân họ hàng và đặc biệt là cô con gái bé bỏng - con riêng của chị Nguyệt.
Sau một thời gian mỗi người một nơi dù đã làm đám cưới, hiện tại gia đình 3 thành viên của chị Nguyệt đã đoàn tụ cùng nhau ở Pháp, cùng nhau xây dựng một tổ ấm hạnh phúc đẹp như mơ mà bất kì người bạn, người thân nào của chị Nguyệt cùng đều phải ghen tỵ.
Mẹ Việt dắt con gái vượt 10.000 cây số sang Pháp định cư cùng chồng Tây
Chị và con gái theo chồng sang Pháp được bao lâu rồi và cuộc sống hiện tại của gia đình ra sao, thưa chị?
Mặc dù cưới từ tháng 11/2022 nhưng tôi cố đợi con gái hoàn thành nốt năm học lớp 3 ở Việt Nam theo nguyện vọng của con rồi mới đi. Hai mẹ con mới sang Pháp định cư được 7 tháng. Chúng tôi ổn định cuộc sống nhanh lắm, sang được 3 tuần thì con đi học, mẹ đi làm chứ không có nhiều thời gian để bỡ ngỡ với môi trường mới.
Cuộc sống ở thành phố nhỏ phía Bắc nước Pháp rất yên ả, không có quá nhiều tiện nghi như hồi còn ở Việt Nam. Ban ngày 2 vợ chồng cùng đi làm công sở, cô con gái nhỏ đi học, tối về cùng nhau nấu nướng, xem TV. Cuối tuần cả gia đình cùng đi thăm họ hàng hoặc rủ bạn bè tới nhà mở tiệc cũng rất là vui, mặc dù nó khác hẳn với lối sống thành thị sôi động trước đây khi còn ở Hà Nội.
Sự thích nghi của con gái chị trong môi trường mới ra sao? Chị nói một chút về việc tìm trường cho con ở nước ngoài nhé?
Hai vợ chồng cũng đắn đo khá nhiều trong việc chọn trường quốc tế hay trường công lập ở Pháp. Do lo ngại tiếng Pháp của con chưa lưu loát, nên dự định ban đầu là để con học bằng tiếng Anh ở trường quốc tế bên này. Nhưng tôi nghĩ đây cũng là 1 dịp để thử thách con gái, vậy là liều lĩnh quyết định để con học trường công lập ngay gần nhà, khi tiếng Pháp của con gần như bằng 0.
Ngày đầu đi học, con được cả lớp chào đón bằng rất nhiều món quà handmade từ các bạn học. Nhà trường cử 1 cô giáo trợ giảng dạy tiếng Pháp riêng cho con bằng tiếng Anh trong 2 tháng đầu bên cạnh cô giáo chủ nhiệm, cũng như thường xuyên trao đổi riêng với bố hàng tuần về tiến độ học tập của con. Kết thúc chương trình với cô trợ giảng, cô chủ nhiệm dạy thêm cho con vào thứ 2 hàng tuần sau giờ học để con theo kịp các bạn.
Dẫu biết là trẻ con ở Pháp đi học được miễn học phí, nhưng những giờ phụ đạo thêm cho con nhà trường cũng chủ động đề nghị mà không có chi phí phát sinh nào, thật sự là tôi rất biết ơn nhà trường vì điều đó.
Cả trường có mỗi con là người nhập cư nên con được các bạn đối xử đặc biệt lắm. 1 bạn học ở gần nhà hàng ngày sang rủ con đi học từ những ngày đầu tiên. Do sống cùng trong khu nên các con hay sang nhà nhau chơi sau mỗi giờ học. Các bạn và cả phụ huynh của các bạn đều rất cởi mở với con, cùng giúp đỡ con hòa nhập.
Vậy là quyết định để con học trường công lập gần nhà quả là đúng đắn. 8 tuổi, học tiếng Pháp bằng tiếng Anh mà chỉ sau nửa năm là con đã lưu loát cả 3 ngôn ngữ Việt - Anh - Pháp.
Công việc của chị thì thế nào?
Hiện tôi đang làm Global Business Development Manager (Quản lý phát triển kinh doanh toàn cầu) cho 1 tập đoàn đa quốc gia sản xuất thiết bị cho ngành hàng tiêu dùng có trụ sở tại Đức. Khi quyết định kết hôn là tôi bắt đầu tìm việc từ Việt Nam, liên tục phỏng vấn online với rất nhiều tập đoàn khác nhau ở châu Âu. Tới trước hôm bay qua Pháp là chấp nhận offer, sang được 3 tuần là đi làm luôn.
Công ty cho phép tôi làm việc tại nhà từ bên Pháp, và có cấp cho 1 chiếc ô tô để di chuyển khi cần. Những tháng đầu tiên, làm quen với công việc không mấy khó khăn nhưng việc di chuyển luôn là 1 thử thách. Đảm nhiệm vị trí toàn cầu, nên tôi thường xuyên phải lái xe nhiều giờ đồng hồ, qua nhiều nước châu Âu để đi công tác hàng tuần. Chồng tôi đã và đang hỗ trợ vợ rất nhiều trong việc chăm sóc con gái để vợ có thể phát triển trong sự nghiệp.
Bố dượng yêu thương con riêng của vợ, sẵn sàng ngồi hàng giờ xem con chơi đồ chơi
Quay lại một chút về khoảng thời gian chị quyết định nên duyên với anh thì lần đầu tiên chị cho anh gặp con gái là trong hoàn cảnh nào và bé có những nhận xét gì về anh, thưa chị?
Khi tôi công khai chuyện hẹn hò với anh thì anh đã về Pháp còn con đang bị kẹt ở Úc khi đang đi du lịch cùng bà ngoại thì bùng dịch Covid-19. 8 tháng xa con, 2 mẹ con trò chuyện hàng ngày qua video call nên lần đầu gặp nhau là cả 3 gọi điện từ 3 châu lục khác nhau. Lúc đó con gái mới chỉ hơn 5 tuổi, bập bẹ nói tiếng Anh với bạn trai của mẹ.
Ban đầu, con trêu mẹ suốt vì mẹ đã thoát ế, mãi mới thấy mẹ có bạn trai; còn bạn trai thì hồi hộp vì không biết con có thích anh ấy không. Nhưng người học chuyên ngành tâm lý thì lấy lòng trẻ con nhanh lắm. Hai bố con hợp nhau ngay lần trò chuyện đầu tiên. Sau vài tháng trò chuyện qua điện thoại, bỗng con hỏi "con gọi chú là bố được không?", chú tủm tỉm đồng ý luôn, còn tôi thì bị bất ngờ vì khi đó còn đang hẹn hò chứ chưa tính cưới. Thế là họ trở thành bố - con trước cả khi gặp nhau ngoài đời thực, con cũng lần đầu có bố.
Khoảng thời gian ở Việt Nam, chị đã chuẩn bị những gì cho chị và cho con gái để sang nước ngoài định cư? có phải thuyết phục con gái nhiều?
Cũng phải đấu tranh tâm lý mãi mới quyết định cưới đó. Là con gái giục mẹ cưới với thuyết phục mẹ sang Pháp sống với bố. Con gái thì háo hức với cuộc sống mới còn tôi thì không. Cuộc sống và sự nghiệp của tôi ở Việt Nam đều rất ổn định rồi, nghĩ tới việc phải xây đắp lại từ đầu thực sự rất ngại.
Tôi và con cùng học tiếng Pháp, cùng tìm hiểu về châu Âu. Con có 1 năm để chuẩn bị, mà lúc tạm biệt cô giáo và bạn bè vẫn cứ sướt mướt. Nhưng con rất hiểu chuyện, chỉ xin mẹ 1 năm về thăm Việt Nam 1 lần chứ không kêu ca gì nhiều.
Tôi là tuýp phụ nữ tự lập, nên đã tìm việc bên châu Âu từ rất sớm. Tôi và chồng có giao hẹn là, có việc làm mới sang chứ tôi không muốn ở nhà để "chồng nuôi". Khi có lịch hẹn phỏng vấn đầu tiên thì tính chuyện đám cưới, mà chưa kịp cưới đã có offer rồi, đành phải từ chối vì chưa chuẩn bị xong. Khi thấy tôi có khả năng xây dựng tiếp sự nghiệp, thì tôi tự tin hơn với quyết định sang Pháp sống.
Chị chia sẻ nhiều hơn về mối quan hệ cũng như những tình cảm mà hai bố con dành cho nhau ạ?
Từ khi còn hẹn hò, không ngày nào anh không gọi điện nói chuyện với con bé, kể cả là ngồi hàng giờ xem con chơi đồ chơi qua video. Ngày lễ thì mua quà gửi cho cả mẹ, cả con. Khi ấn định ngày sang, là anh tự tay sơn lại phòng theo màu con thích, rồi sắm đồ mới, tự tay lắp ráp giường, tủ, bàn học cho con. Con sang thì 1 tôi chăm lo chuyện học hành, dạy con học với theo dõi bài vở. Sáng đánh thức con dậy, tối đọc truyện ru con ngủ. Anh còn đi chợ nấu đủ món hàng ngày để con quen với đồ ăn ở đây và còn dạy con nấu ăn nữa.
Chồng dạy con đi xe đạp, vẽ, làm nhạc điện tử, cùng con chơi thể thao và hàng tuần đưa con vào rừng hái nấm khi vào mùa... Do vậy mà con gái làm gì cũng gọi bố, chơi trò gì cũng chơi cùng bố, có chuyện gì cũng kể cho bố đầu tiên. Có 1 hôm chồng bị đụng xe trên đường đi làm về, nghe tới đó thôi là hai hàng nước mắt của con chảy dài, òa khóc tu tu. Mặc dù tôi nói bố không bị thương nhưng con nhất định phải gọi cho bố để kiểm tra. Tới khi xác định bố không sao thì mới an tâm, nhưng vẫn đợi bằng được tới khi bố về mới đi ngủ, mặc dù rất khuya. Nói chung là hai bố con rất là tình cảm.
Những hành động đặc biệt mà bố dành cho con gái khiến chị cảm động? Việc chị có 1 người chồng, con có 1 người bố cao 2m đem lại nhiều lợi thế như thế nào?
Mỗi tuần tôi phải đi công tác vài ba ngày do tính chất công việc, chồng ở nhà kiêm luôn cả vai trò của mẹ. Mà khi về thì nhà cửa, con cái đều ổn thỏa đâu ra đấy. Mà chồng cũng đi làm như tôi, nên tôi rất là nể phục con người anh. Tôi nhớ nhất là có 1 lần con bảo hôm đó ở lớp không ai chơi với con. Tôi nghĩ trẻ con hay làm quá lên nên động viên con nghĩ tích cực lên chứ không để ý thêm. Vậy mà hôm sau chồng tôi tới tận lớp hỏi han cô giáo và quan sát rất lâu xem con có vấn đề gì không. Tới khi tận mắt xác nhận con ổn, bố mới ra về. Nói chung là bố để ý đến tâm tư của con gái lắm. Hôm con chơi đá bóng ở trường bị thương ở tay khá nặng, bố cẩn thận chăm sóc vết thương cho con ngày 2 lần trong hơn 20 ngày trời, không sót buổi nào.
Con thì lúc nào cũng tự hào rằng "bố con cao to, đẹp trai nhất lớp đó mẹ". Trong nhà có việc gì khó thì đã có anh, nên cả mẹ và con đều cảm thấy rất an tâm để dựa vào. Lợi thế của 1 anh chồng cao tới 2m là thế đấy.
Về việc nuôi và dạy con gái trong tương lai, anh chị có phân chia ai sẽ là người chịu trách nhiệm chính và định hướng bé như thế nào?
Việc nuôi dạy con là công việc của cả bố là mẹ, không có vai chính vai phụ mà trách nhiệm là như nhau. Ở phương Tây, đàn ông chăm sóc và dạy dỗ con cái cẩn thận lắm, không phó mặc hết cho phụ nữ đâu. Vợ chồng tôi thống nhất là chỉ định hướng cho con về lối sống, như nền nếp sinh hoạt, rèn luyện thể thao, thói quen ăn uống lành mạnh. Chúng tôi muốn con sống tình cảm, lương thiện, trung thực và biết quan tâm tới mọi người. Theo tôi, định hướng về sự nghiệp cho bé là không cần thiết, vì con cần được tự do lựa chọn làm những gì con muốn. Tôi không có ý định tạo áp lực phải thành công, hay gây dựng tham vọng quá lớn ở con. Bởi vì sống hạnh phúc mới là thành công lớn nhất của 1 con người.
Hiện con gái muốn trở thành nghệ sĩ piano nên cả bố mẹ và ông nội (từng là giáo viên dạy nhạc) đang hết tôi hỗ trợ cho bé. Sau này, con muốn theo đuổi bất cứ nghề nghiệp nào đi chăng nữa, thì gia đình cũng sẽ là chỗ dựa vững chắc cho con.
Kế hoạch sinh con thứ 2 của gia đình như thế nào, thưa chị?
Chồng tôi luôn bảo khi nào vợ sẵn sàng giảm bớt lượng công việc và tần suất đi công tác, thì sẽ tính tới chuyện sinh con. Vì khi có thêm con, chồng có nguyên tắc là bố mẹ phải luôn đặt con là ưu tiên hàng đầu. Sẽ không có chuyện thuê giúp việc hay nhờ cậy ông bà chăm cháu được.
Tôi đồng ý với quan điểm này, chỉ là đang thu xếp dần dần để cân bằng giữa gia đình và sự nghiệp. Trong khi đợi, thì chúng tôi tập trung dạy dỗ con gái để con hòa nhập tốt nhất với cuộc sống mới nơi đây.
Xin cảm ơn chị về chia sẻ!