Những dòng tin nhắn với ý "triệu tập" phụ huynh học sinh của cô giáo khiến cộng đồng mạng tranh cãi.
Với sự phát triển mạnh mẽ của Internet và mạng xã hội, ngày nay các bậc bố mẹ có thể thuận lợi theo dõi sát sao tình hình sinh hoạt và học tập của con trẻ ở trường mà không cần phải trực tiếp đến lớp. Xu hướng trao đổi, liên lạc giữa phụ huynh và giáo viên thông qua các nhóm chat cá nhân hoặc nhóm lớp dần trở nên phổ biến. Đối với các bậc bố mẹ bận rộn công việc, đây có thể nói là một phương tiện vô cùng hữu ích.
Thay vì giao tiếp trực tiếp, thì giao tiếp gián tiếp qua các nền tảng mạng xã hội sẽ giúp rút ngắn thời gian và công sức. Tuy nhiên nó cũng có những hạn chế nhất định, vì có nhiều tình huống giao tiếp không hiệu quả dẫn đến những bất đồng, tranh cãi trong nhóm lớp giữa các phụ huynh với nhau hoặc giữa phụ huynh và giáo viên. Mới đây trên mạng xã hội, trường hợp tương tự như thế đã xảy ra và gây nên làn sóng tranh cãi gay gắt.
Đoạn tin nhắn của cô giáo trong chat lớp gây "bức xúc" vì cách giao tiếp không chuẩn.
Cụ thể, một đoạn tin nhắn của cô giáo được phụ huynh ở Hà Nội "bóc phốt" trong một hội nhóm với nội dung khiến người này khá khó chịu và bức xúc. Cụ thể cô giáo viết: "Phụ huynh 3 bạn trong ảnh cuối giờ ra gặp cô. Nếu phụ huynh không ra cô xếp 3 bạn hạnh kiểm chưa đạt rèn luyện trong hè", kèm với đó là bức ảnh chụp 3 học sinh.
Sẽ không có gì đáng nói nếu như giọng điệu và ngôn ngữ của cô giáo trong nhóm chat lớp có phần không phù hợp, giống như đang ra lệnh, hù doạ và chưa thể hiện sự tôn trọng nhất định dành cho các bậc phụ huynh có mặt tại thời điểm đó. Đây có lẽ chính là nguyên nhân gây nên phản ứng dữ dội của một phụ huynh trước màn "triệu tập" của giáo viên chủ nhiệm. "Cho em hỏi như thế này là cô giáo đe dọa phụ huynh à. Mà phụ huynh có đi học đâu?" - một người mẹ đáp lời.
Mặc dù chưa rõ diễn biến sau đó sẽ như thế nào, nhưng ngay khi bài "bóc phốt' của vị phụ huynh này được đăng tải, nó đã nhanh chóng gây nên những tranh cãi dữ dội. Cộng đồng mạng chia thành hai phe, một phe cũng thể hiện sự không hài lòng, phẫn nộ trước cách giao tiếp kém tinh tế của cô giáo. Còn một phe lại cho rằng việc phụ huynh đăng đàn "bóc phốt" giáo viên như thế là không phù hợp, thay vì vậy thì phụ huynh hoàn toàn có thể trao đổi riêng với cô giáo.
Một số bình luận nổi bật của cộng đồng mạng để lại như:
- Cô giáo không khéo gì cả, lẽ ra phải nhắn riêng cho phụ huynh mới phải!
- Giáo viên thế này làm sao dạy được học sinh!
- Giáo viên ứng xử kiểu vậy thì dễ bị nhiều phụ huynh ghét lắm!
- Thế hạnh kiểm của con phụ thuộc vào thái độ của phụ huynh, chứ không phải là đánh giá từ thực lực của bọn trẻ à!
- Ra lệnh khác với trao đổi nhé, cô giáo nhắn vậy thì ai mà không thấy khó chịu!
- Học sinh sai thì cô giáo có quyền phạt, đến lúc nó hư thì phụ huynh lại trách sao cô không dạy.
- Bố mẹ là người giám hộ, con hư gặp bố mẹ là đúng rồi còn gì, cơ bản cô nhắn thế kia nghe có phần nghiêm trọng thôi chứ cũng không có gì quá đáng!
- Có vấn đề gì thì phụ huynh có thể góp ý hoặc trao đổi riêng tư với cô giáo, đăng bài công khai lên mạng xã hội thế này thì phụ huynh cũng không đúng.
- Sao lại làm lớn chuyện nhỉ, chỉ là ngôn ngữ chưa phù hợp, phụ huynh nhắn riêng cho cô chứ thế này mất lòng nhau lắm! Nếu ứng xử không khéo thì lại ảnh hưởng đến con trẻ nữa!
Trên thực tế, những lỗi trong giao tiếp, tương tác giữa phụ huynh và giáo viên, dù là trực tiếp nói chuyện hay gián tiếp thông qua nhóm lớp thì cũng là tình huống phổ biến chứ không hiếm gặp. Điều quan trọng là sau những lỗi sai này thì bố mẹ và cả giáo viên cũng cần rút kinh nghiệm và điều chỉnh lại chính mình, để có thể dẫn đến những cuộc giao tiếp hiệu quả hơn về sau.
Ứng xử phù hợp giữa phụ huynh và giáo viên sẽ tạo dựng một môi trường học tập tích cực, và hỗ trợ sự phát triển toàn diện của trẻ. Dưới đây là một số gợi ý về cách ứng xử phù hợp giữa phụ huynh và giáo viên:
Ảnh minh hoạ
- Tôn trọng và lắng nghe
Tôn trọng quan điểm của nhau: Phụ huynh và giáo viên cần tôn trọng quan điểm và ý kiến của nhau, ngay cả khi có sự khác biệt. Điều này giúp xây dựng một mối quan hệ dựa trên sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau.
Lắng nghe một cách chân thành: Khi một bên đang nói, bên kia nên lắng nghe một cách chân thành và không ngắt lời. Điều này giúp hai bên hiểu rõ vấn đề và tìm ra giải pháp thích hợp.
- Giao tiếp rõ ràng và thẳng thắn
Thảo luận cởi mở: Cả phụ huynh và giáo viên nên thảo luận một cách cởi mở về những vấn đề liên quan đến học sinh. Giao tiếp rõ ràng và thẳng thắn giúp tránh những hiểu lầm không đáng có.
Đặt câu hỏi để hiểu rõ: Đừng ngại đặt câu hỏi nếu có điều gì chưa rõ ràng. Như vậy sẽ giúp đảm bảo rằng thông tin được truyền đạt một cách chính xác và đầy đủ.
- Giữ thái độ tích cực và xây dựng
Thể hiện thái độ tích cực: Khi thảo luận về bất kỳ vấn đề nào, phụ huynh và giáo viên nên giữ thái độ tích cực, trên tinh thần xây dựng. Tránh chỉ trích hoặc phê phán không mang tính tích cực.
Tìm giải pháp cùng nhau: Khi gặp vấn đề, hãy cùng nhau tìm kiếm giải pháp thay vì đổ lỗi cho nhau. Điều này giúp tạo ra một môi trường hợp tác và hỗ trợ.
- Thể hiện sự biết ơn và tôn trọng
Cảm ơn và ghi nhận công lao: Phụ huynh nên cảm ơn và ghi nhận những nỗ lực của giáo viên, trong việc giáo dục và chăm sóc học sinh. Điều này giúp giáo viên cảm thấy được tôn trọng và động viên.
Tôn trọng thời gian và công việc của nhau: Cả phụ huynh và giáo viên nên tôn trọng thời gian và công việc của nhau. Tránh việc yêu cầu gặp gỡ hoặc liên lạc vào những thời điểm không phù hợp.
- Giải quyết mâu thuẫn một cách xây dựng
Giữ bình tĩnh: Khi có mâu thuẫn hoặc bất đồng, cả phụ huynh và giáo viên nên giữ bình tĩnh và không để cảm xúc chi phối.
Thảo luận để tìm giải pháp: Cùng nhau thảo luận để tìm giải pháp tốt nhất cho học sinh. Hãy lắng nghe nhau và tìm ra những điểm đồng thuận.
- Thể hiện sự đồng lòng trong việc giáo dục trẻ
Thống nhất về phương pháp giáo dục: Phụ huynh và giáo viên nên thống nhất về phương pháp giáo dục, và cách thức xử lý các vấn đề liên quan đến học sinh. Điều này giúp học sinh có được sự nhất quán trong việc học tập và rèn luyện.
Hỗ trợ lẫn nhau: Phụ huynh và giáo viên nên hỗ trợ lẫn nhau trong việc giáo dục và chăm sóc học sinh, tạo ra một môi trường học tập và phát triển toàn diện.