Hàn Quốc không chỉ là quốc gia có nền kinh tế phát triển mạnh mẽ hàng đầu châu Á, mà quốc gia này còn ẩn chứa nhiều phong tục kỳ lạ, độc đáo, thu hút sự chú ý của những du khách khi đến thăm quan.
1. Bắt hạt dẻ trong ngày cưới
Bắt hạt dẻ trong ngày cưới là một phong tục truyền thống của người Hàn Quốc. Trong lễ cưới truyền thống, cả cô dâu và chú rể sẽ mặc hanbok, thực hiện các nghi thức đám cưới, cúi lạy cha mẹ của hai bên. Khi này các thành viên trong gia đình sẽ ném những hạt dẻ vào người cô dâu, trong khi đó cô dâu sẽ phải dùng vạt áo của hanbok để đỡ được càng nhiều hạt dẻ càng tốt.
Theo quan niệm của người Hàn Quốc, số hạt dẻ mà cô dâu bắt được trong nghi lễ sẽ tượng trưng cho số con cái mà hai vợ chồng có được trong tương lai. Ngoài ra sau khi kết thúc nghi lễ ném hạt dẻ, chú rể còn phải cõng cô dâu trên lưng để đi quanh bàn lễ. Điều này nhằm chứng minh rằng chú rể đủ sức đảm đương trách nhiệm và lo toan cho gia đình. Một số trường hợp chú rể còn phải cõng cả bố mẹ của cô dâu.
2. Tự chọn lựa vận mệnh tương lai
Sinh nhật 1 tuổi của những em bé Hàn Quốc không chỉ là thời điểm đặc biệt cho thấy em bé đã sẵn sàng bắt đầu một cuộc sống thực thụ giống như người lớn. Mà đó còn là cột mốc đầu tiên đánh dấu cho sự phát triển của đứa trẻ đó trong tương lai.
Trong tiệc sinh nhật, những em bé 1 tuổi sẽ được cha mẹ đặt trước mặt nhiều món đồ khác nhau. Mỗi món đồ sẽ tượng trưng cho một nghề nghiệp trong tương lai. Em bé chọn món đồ nào thì tức là trong tương lai rất có thể em bé sẽ theo đuổi ngành nghề đó.
3. Ăn bát canh bánh gạo vào dịp sinh nhật
Người Hàn Quốc cũng sử dụng lịch âm song song với lịch dương giống như Việt Nam và Trung Quốc. Do đó họ coi trọng ngày sinh nhật của mỗi người khi tính theo lịch âm hơn. Vào dịp sinh nhật, người Hàn Quốc sẽ ăn bát canh bánh gạo Tteokguk để cầu chúc sức khỏe, may mắn và được cộng thêm tuổi. Bởi vì bát canh bánh gạo tượng trưng cho số tuổi thọ của con người. Nếu vào dịp sinh nhật mà chưa ăn canh bánh gạo sẽ chưa được coi như bước sang tuổi mới.
4. Ăn kẹo “nhớ bài” trước khi thi
Hàn Quốc là quốc gia có kỳ thi cử vào hàng “khắc nghiệt” nhất thế giới, cùng với Trung Quốc. Nếu học sinh không vượt qua được kỳ thi sẽ bị đánh giá là thất bại, sau này rất khó tìm kiếm được công việc nào tốt với mức thu nhập cao. Vậy nên Hàn Quốc có một loại kẹo dẻo đặc biệt được gọi là Yeot, chúng thường được các sĩ tử sử dụng trước mỗi kỳ thi. Nhiều người tin rằng, độ dính dính của loại kẹo này sẽ giúp các sĩ tử ghi nhớ bài vở tốt hơn, từ đó giúp qua được kỳ thi thuận lợi.
5. Không gội đầu vào năm mới
Tết Nguyên Đán là thời điểm kết thúc một năm cũ để bắt đầu một năm mới với nhiều sự khởi đầu tốt đẹp. Thông thường, người Hàn Quốc sẽ không gội đầu vào những ngày đầu năm mới, do họ tin rằng may mắn sẽ bị rửa trôi đi hết. Vậy nên khi nào dịp Tết kết thúc thì họ mới yên tâm gội đầu sạch sẽ.
6. Không bật quạt khi ngủ trong phòng kín
Vào những năm 1927 trở về sau, ở Hàn Quốc có nhiều vụ đột tử trong phòng kín khi sử dụng quạt điện. Nhiều người cho rằng do quạt điện sản sinh ra CO2 và hút lấy oxy sẽ khiến con người dễ bị tử vong khi ngủ. Điều này mặc dù là vô lý nhưng người dân về sau này càng có sự tin phòng và không mở quạt khi ngủ ở phòng kín. Chính phủ cũng thường khuyến khích người dân mở cửa thông thoáng khi ngủ, đồng thời nên hẹn giờ tắt quạt để không cho chạy cả đêm.
7. Không viết tên người khác bằng mực đỏ
Trước đây tại Hàn Quốc, mực đỏ được sử dụng để điền tên những người đã khuất khi người dân làm đăng ký sổ gia đình (sổ hộ khẩu như của Việt Nam). Việc viết tên người khác bằng mực đỏ khi họ vẫn đang còn sống chả khác nào nguyền rủa họ và khiến họ gặp nhiều điều xui xẻo vậy. Do đó mà người Hàn Quốc rất tối kỵ việc viết tên người khác bằng mực đỏ.
8. Không tặng giày cho bạn bè, người thân
Tại nhiều quốc gia, việc tặng giày cho bạn bè, người thân là điều hết sức bình thường. Thế nhưng ở Hàn Quốc, việc tặng giày được coi như là một sự tạm biệt, rời xa. Do đó mà họ sẽ tự mình đi mua giày thay vì chờ đợi người khác tặng cho, cũng như không bao giờ mua giày để tặng người khác.
9. Con số không may mắn
Nếu như ở nhiều quốc gia, số 13 là một con số xui xẻo, không đem lại may mắn và thường được tránh sử dụng để đánh số lên các công trình, thiết bị. Thì tại Hàn Quốc, con số 4 mới là con số không mang lại may mắn. Bởi vì cách đọc của nó không khác gì chữ “Tử” trong tiếng Trung Quốc. Vậy nên nhiều tòa nhà, thang máy ở Hàn Quốc không sử dụng số 4 để đánh số. Thay vào đó, họ dùng chữ F trong tiếng Anh để chỉ về số 4 (Four).
10. Không đặt chân lên ngưỡng cửa
Vào thời xa xưa khi quân Mông Cổ xâm chiếm vùng đất Cao Ly, người dân Hàn Quốc thời bấy giờ có một tục lệ đó là để quan tài của người đã khuất ở trong nhà một thời gian. Sau này quan tài sẽ được đưa ra ngoài và bắt buộc sẽ đi qua ngưỡng cửa trước (Ngưỡng cửa là một thanh chắn bằng gỗ nằm phía dưới khung cửa ra vào đối với những căn nhà truyền thống của Hàn Quốc).
Khi quan tài đưa ra khỏi ngưỡng cửa thì tức là ranh giới giữa sự sống và cái chết đã được hoàn thành. Người đã khuất có thể an tâm siêu thoát để về thế giới bên kia. Vậy nên người Hàn Quốc rất kiêng kỵ không dẫm lên ngưỡng cửa mỗi khi đi ra đi vào.