Vĩnh Phúc là vùng đất sở hữu nhiều đặc sản lạ miệng mà bạn chưa được nếm thử bao giờ.
Bánh ngõa Lũng Ngoại
Bánh ngõa là đặc sản lâu đời của người dân làng Lũng Ngoại, xã Lũng Hòa, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Món bánh này cũng từng được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) và Tổ chức Top Việt Nam (VietTop) công nhận lọt Top 100 món ăn đặc sản và Top 100 đặc sản quà tặng (2020 - 2021) độc đáo trên cả nước.
Bánh ngõa được làm từ các nguyên liệu chính gồm đậu xanh, mật mía, gạo nếp, lạc rang và thường xuất hiện trong dịp lễ, Tết hay các sự kiện quan trọng của người dân xã Lũng Hòa như mừng thọ, tiệc làng,… Bánh ngõa Lũng Ngoại có vị dẻo dai của gạo nếp, vị ngọt thanh của mật mía, kết hợp với vị bùi ngậy của đậu xanh và nhân lạc khiến thực khách ăn một lần nhớ mãi.
Bánh gạo rang Lập Thạch
Bánh gạo là một trong hai món ngon nổi tiếng của Lập Thạch. Thứ đặc sản tuy dân dã này nhưng nhiều khi lại làm lòng người Vĩnh Phúc xa nhà nhớ quê da diết.
Để có được một chiếc bánh gạo ngon người ta phải trải qua rất nhiều công đoạn công phu. Cũng ngâm trong nước nẳng, nhuộm màu bằng trầu không và quả dành dành. Rồi giã nếp, chiên, kết dính….chỉ nghe nói thôi đã thấy nhiêu khê lắm rồi. Mà có lẽ vì thế nên bánh gạo ở đây ngon hơn hẳn vùng khác. Bánh gạo ngọt dịu, không gắt, giòn tan. Điều hấp dẫn của bánh gạo Lập Thành còn là sự chân chất mộc mạc của người thợ làm bánh.
Su su Tam Đảo
Tam Đảo không chỉ là điểm đến thu hút đông đảo du khách bậc nhất tỉnh Vĩnh Phúc mà còn gây ấn tượng bởi nền ẩm thực đa dạng, có nhiều món ăn ngon, trong đó không thể không nhắc đến món su su nổi tiếng.
Su su Tam Đảo có thể chế biến thành nhiều món ngon khác nhau như ngọn su su xào, ngọn su su luộc, quả su su xào,… Không chỉ thưởng thức tại chỗ khi du lịch Tam Đảo, nhiều du khách còn mua su su về làm quà cho gia đình, bạn bè và người thân.
Sâm sữa
Sâm sữa là một món đặc sản mang nét đặc trưng của miền quê Tam Đảo. Với vẻ ngoài có kích thước nhỏ như quả hồng xiêm, màu vàng kèm với sọc, vị ngọt thanh mát, thích hợp là món ăn tráng miệng. Ruột bên trong có màu vàng sữa. Thoạt nhìn sẽ dễ nhầm trái sâm dứa sữa với trái dưa gang.
Khi gọt lớp vỏ mỏng, phần ruột bên trong cũng có màu vàng ươm, khá giống với các loại dưa khác. Quả càng chín thì ruột càng mềm, khi đó vỏ có thể bóc bằng tay chứ không cần tới dao gọt. Phần ruột dưa nhìn giống với dưa vàng, có hạt nhưng mềm và rất nhỏ nên có thể ăn cả chứ không cần bỏ hạt.
Mùi vị của quả sâm sữa này rất lạ, là sự pha trộn của rất nhiều loại quả khác nhau. Có một chút hương vị của dưa gang, một chút hương vị của hồng xiêm, thậm chí nếu để ý kỹ thì còn thấy có hương vị của xoài, chuối...
Bánh gio Tây Đình
Bánh gio hay còn được người dân nơi đây gọi là bánh nắng không thể thiếu trong danh sách món ngon ở Vĩnh Phúc. Bánh được làm từ những nguyên liệu có sẵn trong vườn nhà. Thế nhưng để có những chiếc bánh gio ngon nhất thì người dân nơi đây có bí quyết riêng trong việc chọn nguyên liệu, ngâm gạo, gói và luộc bánh cổ truyền.
Cũng giống như nhiều nơi về nguyên liệu làm bánh gio, nhưng Tây Đình chỉ dùng gio than của ba loại cây tầm gửi, vừng khô, và cây sương song. Đầu tiên, họ hái lá chit đem luộc kỹ sau đó thay nước nhiều lần để làm phai chất diệp lục, mỗi chiếc bánh gio cần dến 2, 3 lá chít. Sau đó, gạo nếp ngâm nước trắng qua đêm được vớt lên. Cho gạo vào bên trong lá chít rải đều, gói lại bằng lạt mềm.
Mỗi chiếc bánh gio chỉ chừng bằng quả chuối tiêu, dài hơn gang tay nhưng phải luộc liên tục trong ba giờ đồng hồ để bánh rền. Sau đó bánh để nguội bóc ra cắt thành từng khoanh toát lên một màu trong suốt như mật ong, đem chấm quá chút mật thì không còn gì ngon bằng.
Bánh nẳng
Chợ Tràng thuộc xã Nhân Đạo, đây là một xã miền núi phía Tây Bắc của huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Cứ mỗi độ vào ngày mùng 2 tháng 2 âm lịch, người dân Nhân Đạo lại tổ chức lễ hội đình Chung, đây là ngôi đình thờ tướng Lữ Gia tham gia vào cuộc chiến chống giặc Hán. Và trong dịp đặc biệt này, người dân nơi đây sẽ sử dụng rất nhiều lễ vật và một lễ vật không thể thiếu đó chính là bánh nẳng.
Bánh nẳng cũng tương tự như bánh gio, nhưng khác ở phần nước nẳng. Nguyên liệu chính để làm nên bánh nẳng vừa dẻo thơm, vừa ngon mắt là gạo nếp và nước nẳng. Sự khéo tay của người đầu bếp được thể hiện ở khâu chế nước nẳng, bánh ngon hay không phụ thuộc rất nhiều vào điều này.
Nước nẳng được chưng cất bằng các loại lá cây, vỏ cây, vỏ quả từ tự nhiên của rừng núi như: lá trầu không, cây đu đủ, cây mận, cây bưởi, vỏ chuối tiêu, vỏ quả sở… Các loại cây sau khi được phơi khô thì đốt thành than đem hòa với nước vôi sau đó gạn cho nước thật trong thì thành nước nẳng để dùng.