7 góc chụp ảnh cơ bản cho người mới bắt đầu: Cận - trung - toàn đều xuất sắc chỉ trong 1 nốt nhạc

Thảo Anh - Ngày 12/07/2024 07:00 AM (GMT+7)

Căn góc chụp ảnh sao cho chuẩn và phù hợp với ý tưởng là điều mà bất cứ ai cũng cần nắm rõ để tạo ra những bức ảnh chất lượng, đẹp mắt.

Đối với dân săn ảnh, việc bắt được các góc chụp ảnh đẹp sẽ giúp cho bức ảnh trở nên có hồn và mang tính nghệ thuật hơn. Tuy nhiên, với những người mới “vào nghề” thì không phải ai cũng biết bắt góc sao cho chuẩn nhất. Chỉ cần ghi nhớ 7 góc chụp ảnh cơ bản này, sẽ không có ý tưởng nào làm khó được bạn. 

Toàn cảnh

7 góc chụp ảnh cơ bản cho người mới bắt đầu: Cận - trung - toàn đều xuất sắc chỉ trong 1 nốt nhạc - 1

Đầu tiên là góc chụp toàn cảnh, đây là sự lựa chọn hoàn hảo đối với những ai muốn thể hiện một câu chuyện nào đó qua tác phẩm của mình. Góc chụp toàn cảnh thường tạo ra cái nhìn tổng thể, ghi lại toàn bộ không gian bao quanh.

Bằng cách sử dụng góc chụp rộng này, bạn có thể chụp ảnh từ khoảng cách xa để hiển thị tất cả khung cảnh xung quanh. Đây được xem là góc chụp hoàn hảo cho những tấm hình thiên nhiên hùng vĩ. 

Để thực hiện, bạn chỉ cần đứng xa chủ thể mình muốn chụp và căn góc máy sao cho bao trọn toàn bộ hậu cảnh. Trên những chiếc điện thoại thông minh cũng sẽ có tính năng hỗ trợ các góc chụp rộng nên bạn không phải lo lắng đâu nhé.

Trung cảnh

7 góc chụp ảnh cơ bản cho người mới bắt đầu: Cận - trung - toàn đều xuất sắc chỉ trong 1 nốt nhạc - 2

Nhỏ hơn toàn cảnh là góc chụp trung cảnh, nó được các nhiếp ảnh gia yêu thích vì có thể thỏa sức sáng tạo với dấu ấn phong cách riêng. Đối với góc chụp này, chủ thể hoặc đối tượng chính được ghi lại ở một khoảng cách trung bình trong khung hình. 

Đây cũng là một trong những góc chụp ảnh đẹp nhất và được nhiều người yêu thích. Lý do là bởi góc chụp trung cảnh có thể tạo ra những tấm hình không quá gần để có thể thấy được các khuyết điểm và cũng không quá xa để mất đi sự tập trung vào chủ thể. Điều quan trọng là bạn cần biết căn góc sao cho vừa vặn, không lấy quá nhiều hậu cảnh, cũng đừng chụp mỗi hình ảnh của đối tượng chính. 

Cận cảnh

7 góc chụp ảnh cơ bản cho người mới bắt đầu: Cận - trung - toàn đều xuất sắc chỉ trong 1 nốt nhạc - 3

Cận cảnh là góc chụp gần, thường dùng trong chụp ảnh chân dung hay muốn biểu đạt ý đồ riêng của tác giả. Nếu bạn muốn khắc họa rõ chủ thể cũng như cảm xúc cá nhân thì nên lựa chọn góc chụp cận cảnh. 

Góc chụp này được chia làm 2 loại là cận cảnh rộng và cận cảnh hẹp. Cận cảnh rộng được lấy từ ngực trở lên, còn cận cảnh hẹp được lấy từ cổ trở lên. 

Góc chụp cận cảnh thường nhấn mạnh vào các chi tiết nhỏ, biểu cảm của khuôn mặt, hay những điểm quan trọng của chủ thể. Thông qua bức hình, người xem có thể cảm nhận được tâm trạng, tính cách cũng như những trải nghiệm của nhân vật. Những bức hình cận cảnh sẽ tạo cho người xem cảm giác gần gũi hơn với chủ thể. 

Chụp góc nghiêng

7 góc chụp ảnh cơ bản cho người mới bắt đầu: Cận - trung - toàn đều xuất sắc chỉ trong 1 nốt nhạc - 4

Nếu muốn phá cách một chút, bạn có thể chọn góc chụp nghiêng. Góc máy này sẽ giúp chủ thể gây ấn tượng hơn về chiều cao, cũng như những đường nét tạo điểm nhấn trên cơ thể. Đặc biệt là khi sử dụng ở khoảng cách gần, góc nghiêng sẽ giúp tái hiện cảm xúc tự nhiên trên khuôn mặt.

Đây là một trong những góc chụp ảnh hoàn hảo để ghi lại nét đẹp và cảm xúc của nhân vật chính. Góc chụp nghiêng thường được sử dụng khi nhiếp ảnh gia muốn miêu tả tâm trạng riêng của đối tượng. Góc chụp này sẽ tạo ra cảm giác cuốn hút trong từng đường nét. 

Ảnh góc thấp 

7 góc chụp ảnh cơ bản cho người mới bắt đầu: Cận - trung - toàn đều xuất sắc chỉ trong 1 nốt nhạc - 5

Khi bạn chụp một tấm ảnh ở góc máy thấp thì chủ thể sẽ trở nên lớn hơn bình thường. Góc máy này tạo cho người xem dễ dàng quan sát đối tượng chính cũng như ý đồ mà tác giả muốn truyền tải. 

Để thực hiện không quá khó, người chụp chỉ cần đặt ống kính ở dưới và hướng camera lên sự vật. Góc hất lên sẽ cho bạn cảm giác mới lạ, cũng tạo thêm độ kịch tính cho bức ảnh. Với góc chụp này, người xem sẽ thấy rõ tầm ảnh hưởng của nhân vật chính trong bức ảnh và câu chuyện từ người chụp.

Ảnh góc cao

7 góc chụp ảnh cơ bản cho người mới bắt đầu: Cận - trung - toàn đều xuất sắc chỉ trong 1 nốt nhạc - 6

Trái ngược với góc ảnh thấp là chụp ảnh từ góc cao. Đây là góc máy nhìn xuống chủ thể làm người xem có cảm giác chủ thể trở nên nhỏ bé hơn so với khung cảnh xung quanh. Những bức ảnh chụp từ góc cao thường miêu tả quang cảnh thiên nhiên rộng lớn hơn là tập trung vào chủ thể.

Trong trường hợp bạn muốn nhân vật chính trông nhỏ lại để hậu cảnh nổi bật, góc cao là một lựa chọn hoàn toàn phù hợp. Đa phần nữ giới rất thích những tấm hình được chụp từ góc cao, vì lúc này, các bạn sẽ trở nên bé nhỏ và đáng yêu hơn giữa không gian rộng lớn. 

Góc chụp đặc tả

7 góc chụp ảnh cơ bản cho người mới bắt đầu: Cận - trung - toàn đều xuất sắc chỉ trong 1 nốt nhạc - 7

Góc đặc tả là góc cận cảnh nhất trong số tất cả các góc máy. Đây cũng chính là cách tạo điểm nhấn cho bức hình khi chỉ tập trung vào 1 chi tiết quan trọng nào đó nên dễ dàng gây ấn tượng với người xem. Góc đặc tả giúp kết nối giữa chủ thể và người xem một cách mạnh mẽ hơn những góc chụp khác.

Thông thường, người ta sẽ sử dụng góc chụp này trong các lễ cưới với điểm nhấn là ngón tay đeo nhẫn, đôi mắt, nụ cười, hoa cưới, giọt nước mắt,… Khi xem những bức ảnh được chụp dưới góc máy này, bạn có thể cảm nhận rõ ràng về tâm trạng của nhân vật. 

Trên đây đều là những góc chụp ảnh cơ bản mà bất cứ ai cũng dễ dàng thực hiện. Điều quan trọng là bạn cần lên ý tưởng trước khi chụp hình và biến nó thành một tác phẩm ở góc máy phù hợp. Chúc bạn thành công!

Quên kissing hay follow me đi, đây mới là 10 concept chụp ảnh đôi thú vị mà bạn nên thử 
Trào lưu chụp ảnh đôi để ghi lại khoảnh khắc kỷ niệm bên nhau không còn lạ lẫm, đặc biệt là đối với những người trẻ thích thể hiện tình cảm trên mạng...

Bí quyết tạo dáng chụp ảnh

Theo Thảo Anh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bí quyết tạo dáng chụp ảnh