Điện Biên có một mùa níu chân du khách với ký ức độc nhất vô nhị về chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Hơn cả mùa anh đào tháng 2, mùa hoa ban tháng 3, mùa vàng tháng 9 và mùa dã quỳ đầu đông, Điện Biên Phủ đang dần hình thành chỉ dấu riêng trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới với những địa danh gắn liền lịch sử, bên cạnh thiên nhiên tươi đẹp.
Từ khi đường bay TP.HCM - Điện Biên, Hà Nội - Điện Biên được chính thức khai thác (12/2023), câu hỏi đến Điện Biên có gì thường trực với nhiều công ty lữ hành và du khách. Giải đố câu hỏi này, Điện Biên từng bước chinh phục khách thập phương.
Hoa phượng rực đỏ trước đồi A1. Ảnh: Lương Trọng Giáp
Chỉ trong 3 tháng 1/12/2023 - 31/03/2024, Cảng Hàng không Điện Biên đã đón 900 chuyến bay từ Hà Nội và TP.HCM với 69.900 lượt khách. Giữa tháng 4, vé may bay khứ hồi đến Điện Biên từ TP.HCM có giá dao động từ 3,2 - 3,5 triệu đồng, thời điểm xung quanh Ngày hội Du lịch Điện Biên 7/5 giá vé khứ hồi đang xấp xỉ từ 4 triệu đồng. Bay từ Hà Nội đến cũng có mức phí tương tự.
Khảo sát cho thấy, nhu cầu đến Điện Biên đang ngày có dấu hiệu khởi sắc, đặc biệt đến Điện Biên tháng 5/2024 có nhu cầu thực tăng cao vì địa phương đang chuẩn bị cho sự kiện lớn nhất trong năm: Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, trong chuỗi chương trình Năm Du lịch Quốc gia - “Vinh quang Điện Biên Phủ - Trải nghiệm bất tận”.
Bên trong Bảo tàng Điện Biên Phủ. Ảnh: Hữu Long
Đến Điện Biên tháng 5 - thời điểm không có hoa anh đào, không có hoa ban, không có mùa vàng bậc thang, nhưng mảnh đất ấy lại có chỉ dấu đặc biệt - chuỗi di tích gắn với chiến dịch Điện Biên Phủ - một đỉnh cao chói lọi ghi vào lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm dân tộc, được ví như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ 20.
Hai câu thơ của nhà thơ Tố Hữu “Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng" sẽ dẫn lối du khách đến thăm Đồi A1, hầm Tướng De Castries, Bảo tàng Điện Biên, Nghĩa trang liệt sĩ... Hành trình tham quan những địa danh ấy giúp du khách hiểu vì sao đó là “nơi phải đến". Tất cả nằm đều ở trong khu vực trung tâm của lòng chảo Điện Biên Phủ, cánh đồng Mường Thanh giữa thành phố. Nhưng câu chuyện về chiến thắng của tháng 5 ấy còn là chỉ dấu của Điện Biên ở tất cả các mùa trong năm.
“Chiến dịch 56 ngày đêm lịch sử” buộc chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Geneva (7/1954) và công nhận độc lập, toàn vẹn lãnh thổ ba nước Đông Dương là Việt Nam - Lào - Campuchia. Sự kiện “chấn động địa cầu" và chứng minh “quyền lực địa lý" của mảnh đất này. Hiểu được lịch sử, thấu được vai trò của địa lý là bài học giúp người Việt thêm trân trọng quê hương mình, giúp du khách quốc tế có một cái nhìn toàn diện hơn về Việt Nam.
Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ. Ảnh: Hữu Long
Vị trí địa lý với các yếu tố núi non, sông ngòi, khí hậu, nhân khẩu và văn hoá cùng tài nguyên thiên nhiên là thứ định hình chỉ dấu riêng biệt của một vùng đất đã được ký giả người Anh - Tim Marshall đã đề cập đến ở cuốn sách “Quyền lực của địa lý". Vai trò địa lý thực chất có sức mạnh rất lớn nếu biết khai thác đúng hướng. Việc Điện Biên có phát huy được thế mạnh của một địa phương khai thác du lịch “đi sau", tận dụng được sự khác biệt về lịch sử và địa lý để tạo ra bước đột phá trong phát triển du lịch của tỉnh nhà vẫn là câu hỏi còn ở phía trước.
Mùa măng ở Điện Biên. Ảnh: Hữu Long
Nhưng, khai thác du lịch Điên Biên hoàn toàn có thể tạo nên kỳ tích ngay cả ở những thời điểm không có mùa hoa đặc trưng nếu biết cách làm. Điện Biên hoàn toàn có thể biến khu lòng chảo, cánh đồng Mường Thanh thành một điểm đến như Kelvedon Hatch - hầm chứa hạt nhân bí mật của không quân Anh; Bức tường Berlin ở Đức hay Địa đạo Củ Chi tại TP.HCM.
Tất nhiên, ngoài những di tích gắn với cột mốc lịch sử quan trọng ấy, Điện Biên Phủ ngày nay còn hấp dẫn khách lữ hành về một nơi chốn thanh bình với những người dân hồn hậu, hiếu khách - như chưa hề có cuộc chiến nào đi qua.
Đến Điện Biên mùa này, du khách có thể ghé thăm những địa danh lịch sử dưới đây:
Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ
Bức trang panaroma lớn nhất thế giới. Ảnh: Hữu Long
Bảo tàng trưng bày với 274 hiện vật và 122 bức tranh tái hiện các trận đánh quan trọng trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Cạnh đó, du khách được chiêm ngưỡng bức tranh panorama lớn nhất thế giới “Trận chiến Điện Biên Phủ”. Nếu đến bảo tàng đầu tiên trong chuyến đi, du khách sẽ có được hình dung toàn cảnh về những địa điểm lịch sử tại Điên Biên.
Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ
Quần thể tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ - Tượng đài bằng đồng lớn nhất Việt Nam. Ảnh: Hữu Long
Cụm Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ là nhóm tượng đồng cao, to và nặng nhất Việt Nam. Tượng có chiều cao 12,6m được đúc bằng 217 tấn đồng, dựng trên bệ cao 3,6m và gồm 12 thớt, trong đó có những thớt nặng 40 tấn.
Đồi A1
Đồi A1 - điểm lưu dấu tích hố bộc phá được tạo thành bởi 960kg thuốc nổ. Ảnh: Hữu Long
Đồi A1 được coi là “cuống họng” bảo vệ phân khu trung tâm, trực tiếp bảo vệ căn hầm của tướng De Catries. Trên đồi A1 hiện còn nguyên dấu tích hố bộc phá được tạo thành bởi 960kg thuốc nổ. Thăm đồi A1 du khách được trải nghiệm một số hoạt động thực tế như: nấu cơm chiến sĩ, đẩy xe đạp thồ và nghe các câu chuyện về chiến dịch Điện Biên Phủ.
Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đồi A1
Đây là nơi an nghỉ của 644 cán bộ, chiến sĩ quân đội đã hy sinh anh dũng bảo vệ tổ quốc trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Hầm De Castries
Được mệnh danh là căn hầm kiên cố nhất Đông Dương một thời, hầm chỉ huy của tướng De Castries được Pháp xây dựng kỳ công nằm ở trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thuộc cánh đồng Mường Thanh. Hiện cấu trúc và cách sắp xếp của căn hầm vẫn được giữ nguyên.
Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ
Nằm ở Mường Phăng tại độ cao trên 1.000m so với mực nước biển, ẩn mình dưới tán rừng cổ thụ, dưới chân núi Pú Đồn, cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ khoảng 40km. Nơi đây hiện còn lưu giữ nhiều di tích có giá trị lịch sử như: lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, Trưởng ban thông tin liên lạc Hoàng Đạo Thúy…