Loài cây được coi là nơi trú ngụ của loài chim phượng hoàng nên thường được ưu ái trồng ở những nơi "hoàng tộc", quyền quý nhưng hoàng thành, lăng tẩm của vua chúa.
Những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4, giữa núi rừng Điện Biên bỗng sáng bừng nhờ một cây ngô đồng nở hoa. Những đốm hoa màu hồng nhạt khá giống màu hoa đỗ quyên hay hoa đào của loài cây mang tên ngô đồng này nổi bật trên nền cây rừng xanh thăm thẳm khiến du khách có dịp đi qua đây cũng phải thích thú.
Cây ngô đồng độc nhất giữa núi rừng Điện Biên bất chợt nở hoa (Ảnh: Blog của Rọt)
Chắc chắn có nhiều người chưa biết ngô đồng là cây gì. Thậm chí có những bạn cho rằng cây ngô đồng là cây ngô mọc ngoài... đồng. Cây ngô đồng cũng được nhắc đến nhiều trong phim hoặc bài hát Trung Quốc nhưng hầu hết chúng ta đều chưa tận mắt nhìn thấy loài cây này.
Băng qua con đèo Tằng Quái bạn có thể nhìn thấy màu hoa nổi bật của cây ngô đồng (Ảnh: Blog của Rọt)
Theo một số tài liệu, ngô đồng còn có nhiều tên gọi khác như tơ đồng, trôm đơn, bo rừng, bo xanh... thuộc họ cẩm quỳ. Cây có xuất xứ ở Trung Quốc và các nước Đông Á, ở Việt Nam thì ít hơn. Một cây ngô đồng trưởng thành có thể cao đến 16m, thân hình cao thẳng, đường kính thân cây có thể đến 30cm, vỏ thân cây nhẵn có màu xanh lá cây, lá đơn mọc cách, phiến lá xẻ thùy chân vịt nông 3 - 5 thùy với kích thước 15 - 30cm. Hoa ngô đồng đơn tính cùng gốc, tràng hoa màu trắng hoặc vàng và thường nở vào mùa thu, khoảng tháng 7. Trong văn hóa Đông Á, cây ngô đồng có hình ảnh thiêng liêng rất quan trọng, nó được tương truyền là nơi ở mà phượng hoàng ưa thích.
Giữa nền xanh thẳm bỗng sáng bừng sắc hồng của hoa ngô đồng (Ảnh: Blog của Rọt)
Tuy nhiên, cây ngô đồng ở Việt Nam không có màu trắng hay vàng mà có màu hồng nhạt, ngoài ra hoa ngô đồng ở Việt Nam lại nở cuối mùa xuân, khoảng từ tháng 2 đến tháng 5 âm lịch hàng năm. Điển hình chính là cây ngô đồng ở Điện Biên và một số cây ngô đồng trong Đại Nội Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế). Vào thời điểm nở hoa, ngô đồng trút hết lá rồi phô kết những chùm hoa nho nhỏ, dày đặc trên cành, từ màu tím nhạt rồi dần ửng hoa cà. Từ xa, đứng ngắm thấy cả một vòm hoa làm sáng đẹp không gian.
Nhìn từ xa, sự rực rỡ của những bông hoa càng trở nên nổi bật (Ảnh: Blog của Rọt)
Trong văn hóa Trung Quốc, cây ngô đồng rất nổi tiếng do hình thái cao lãnh của nó. Thân cây ngô đồng cao lớn và cường tráng, khi vươn cao thì hướng lên rất thẳng. Vỏ cây trơn nhẵn xanh biếc, lá cây nồng đậm, một mảnh xanh um, có vẻ thanh nhã khiết tịnh, lại xưng “Thanh đồng”. Tỉ mỉ phân tích sâu, ngô đồng có vỏ cây đẹp, lá lớn cũng rất đẹp, từ lâu cũng trở thành một loại cây cảnh. Từ thời nhà Hán, ngô đồng đã trở thành một dạng cây cảnh không thể thiếu trong vườn ngự ở hoàng cung. Ngoài ra, cây ngô đồng cũng được trồng khá phổ biến trong dân gian, có thể điểm xuyến trước sân nhà, vườn tược, hay bên góc vệ đường.
Cây ngô đồng ở Điện Biên bỗng được nhiều du khách để ý và tìm đến chụp ảnh (Ảnh: Blog của Rọt)
Đặc biệt nhất, theo truyền thuyết dân gian, cây ngô đồng là nơi trú ẩn ưa thích của phượng hoàng - một loài chim huyền thoại có ảnh hưởng lớn trong văn hóa các nước Đông Á, có cả Việt Nam. Cũng do xuất phát từ một huyền thoại "vương giả" như vậy nên cây ngô đồng xưa kia chỉ trồng những nơi quyền quý thiêng liêng, đó là trong Hoàng thành và ở các lăng vua nhà Nguyễn. Vua Minh Mạng đã cho khắc hình cây ngô đồng lên Du đỉnh của Cửu Đỉnh.
Ngoài ra, cây ngô đồng còn quý hiếm ở chỗ lá và quả của nó được dùng làm dược phẩm, gỗ thì được dùng làm đàn hoặc đồ gia dụng. Hình tượng cây ngô đồng xuất hiện rất nhiều trong văn học các nước như Trung Quốc, Việt Nam...