Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 được nghỉ dài 5 ngày là thời điểm lý tưởng để các gia đình thay đổi không khí. Vì vậy, nhiều gia đình tổ chức đi du lịch xa. Để có kỳ nghỉ vui vẻ, cha mẹ cần trang bị những kiến thức cơ bản để có kỳ nghỉ trọn vẹn.
Chuẩn bị các vật dụng cần thiết cho chuyến du lịch
Trước khi đi du lịch, cha mẹ lên chi tiết các kế hoạch được thực hiện trong chuyến đi. Cha mẹ lên danh sách những đồ dùng cần mang theo như: Giấy tờ tùy thân (giấy khai sinh nếu đi bằng máy bay, thẻ bảo hiểm y tế, sổ khám bệnh để bác sĩ có thể biết được tiền sử của bé nếu chẳng may bé gặp vấn đề về sức khỏe), quần áo, dụng cụ y tế (thuốc hạ sốt, thuốc đi ngoài, thuốc dị ứng, băng dán vết thương...), sạc điện thoại dự phòng...
Với đồ dùng cá nhân của trẻ, những vật dụng như bỉm, bình sữa, sữa, nước nên đựng ở túi riêng để dùng cho bé khi nghỉ dọc đường.
Nếu đi du lịch bằng ô tô vào buổi tối, nên dán miếng phản quang để đi đường được an toàn hơn.
Những điều cần lưu ý với trẻ khi đi du lịch
Cha mẹ nên chia sẻ với trẻ về địa điểm gia đình sẽ đến du lịch. Những đặc điểm nổi bật ở đó để trẻ có thể hình dung và thấy hào hứng khi đi.
Dạy trẻ nhớ số điện thoại của bố mẹ: Trẻ con rất hiếu động, đôi khi mải chơi đùa trẻ có thể bị lạc gia đình hoặc đoàn đi. Vì vậy, cần dạy trẻ nhớ số điện thoại của bố mẹ để phòng khi bị lạc, trẻ có thể nhờ người bản địa hoặc những người tin tưởng như công an, bảo vệ giúp đỡ.
Cha mẹ cũng có thể ghi thông tin của mình (tên, số điện thoại, địa chỉ nhà) trên mảnh giấy và cho vào ba lô cùng đồ cá nhân của trẻ để trẻ đeo. Những thông tin trên sẽ giúp trẻ dễ dàng tìm được bố mẹ nếu chẳng may bị lạc.
Dạy trẻ không nhận đồ từ người lạ: Đi du lịch thường đến những nơi lạ, ở đó có nhiều người từ các nơi khác nhau. Vì vậy, cần dạy cho trẻ biết cách bảo vệ bản thân, phòng trường hợp những kẻ bắt cóc có ý định xấu. Dạy trẻ không nhận bất kỳ đồ vật nào từ người lạ, hạn chế tiếp xúc với người lạ.
Cha mẹ cần trang bị cho con những dụng cụ cần thiết khi đi tắm biển.
Phòng tránh đuối nước cho trẻ khi đi du lịch
Khi cho trẻ tắm biển, cần trang bị cho bé những dụng cụ an toàn như phao bơi, áo phao, dặn bé không bơi chỗ cấm, không bơi ra xa khi không có người lớn bơi cùng.
Đặc biệt, trẻ cần tránh dòng chảy xa bờ. Dòng chảy xa bờ là dòng nước mạnh chảy từ bờ hướng ra biển. Nơi có dòng chảy xa bờ thường là vùng nước lặng, hầu như không có sóng. Đây là dòng chảy rất nguy hiểm, kể cả với người lớn biết bơi, bởi dòng chảy này sẽ kéo người ra xa bờ. Người bị kéo ra dễ bị kiệt sức khi cố bơi ngược dòng chảy này.
Nên mặc đồ bơi kín đáo cho trẻ. Khi tắm xong lên bờ không nên để trẻ vẫn mặc đồ ướt chạy chơi trên cát. Tốt nhất hãy lau khô người, thay đồ khô cho bé.
Ngoài ra, nên dùng nước ngọt xối rửa thật kỹ cho trẻ sau khi tắm biển. Chất muối đọng lại trên da sẽ làm cho da trẻ bị khô. Sau khi tắm, nên nhỏ mắt cho bé bằng nước muối sinh lý để giảm tác dụng kích thích của nước biển.
Tuyệt đối không cho trẻ tắm biển giữa trưa, chơi đùa trên cát vào thời điểm nóng đỉnh điểm từ 11h trưa đến 3h chiều.
Dạy trẻ cách định vị phương hướng nếu du lịch rừng, núi
Nếu cả gia đình đi du lịch lên rừng, núi, cha mẹ dạy con cách định vị phương hướng. Nếu không may bị lạc trong rừng, dạy trẻ cần tìm đến nơi có dòng nước, đánh dấu trên cây để tránh bị lạc sâu hơn.
Nếu trong rừng có dòng suối, nước thường chảy từ nơi cao xuống nơi thấp, từ trên núi xuống đồng bằng nên dạy trẻ có thể đi men theo dòng chảy để thoát ra khỏi rừng và đến khu vực có người sinh sống.
Phòng tránh côn trùng khi cho trẻ đi du lịch
Khi cho trẻ đi du lịch tới các vùng có nhiều cây cối rậm rạp nên cho trẻ mặc quần áo gần với màu da. Trang phục không nên quá nổi bật so với môi trường bên ngoài để tránh côn trùng vây quanh nhiều hơn.
Nếu vào rừng cần cho trẻ mặc quần dài, đi giày cao hơn mắt cá chân. Để tránh bọ chét mặc trang phục cho trẻ càng kín và dày càng tốt.
Không nên cho trẻ mặc đồ bó sát người vì các loại côn trùng dễ tiếp xúc tới da. Một số loài rất nhạy cảm với mùi từ chân người, do đó nên dùng loại tất có khả năng thấm hút nhanh mồ hôi, khô thoáng để tránh tạo mùi kích thích côn trùng.
Nên thoa kem chống muỗi, chống côn trùng cho trẻ. Bên cạnh đó nên trang bị thêm chai nước muối loãng để khi bị vắt, đỉa cắn lấy nước muối nhỏ lên, chúng sẽ nhả ra đồng thời giúp sát trùng vết thương.
Tuy nhiên, khi sử dụng các loại kem bôi, thuốc xịt cần chú ý tới phản ứng của cơ thể đặc biệt là phần da của trẻ xem có bị dị ứng hay không. Tránh bôi hay xịt lên các vùng như mắt, mũi và miệng.
Trang bị kiến thức cho trẻ khi đi du lịch là điều cần thiết. Ảnh minh họa: TL
Trang bị kiến thức cần thiết cho trẻ nếu đi du lịch nước ngoài
Nếu đi du lịch nước ngoài, cha mẹ hướng dẫn con cách sử dụng bản đồ, giữ thẻ của khách sạn nơi gia đình ở. Cho con biết số điện thoại của đại sứ quán để phòng trường hợp khẩn cấp cần hỗ trợ.
Nếu bị lạc, trẻ nên tìm đến cơ quan công an, cửa hàng lớn nhờ người bản địa gọi nhân viên khách sạn đến đón hoặc nhờ người gọi cho đại sứ quán để được giúp đỡ.
Cha mẹ cũng nên dạy con sử dụng các phương tiện công cộng, văn hóa vùng, miền tại nơi đến.
Lưu ý các bệnh có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ khi đi du lịch
Trẻ có thể mắc phải một số bệnh như cảm cúm, sốt, ho, ngộ độc thức ăn do thay đổi thời tiết hoặc ăn uống phải thực phẩm không đảm bảo. Do đó, trước khi đi du lịch, cha mẹ nên chuẩn bị sẵn đồ ăn, thức uống quen thuộc cho con để đảm bảo ăn uống vệ sinh và an toàn.
Bên cạnh đó cần tăng cường cho trẻ uống đủ nước, ăn trái cây giàu vitamin C để tăng cường sức đề kháng.
Cha mẹ cũng cần chuẩn bị sẵn quần áo, nón, kính râm, kem chống nắng… phù hợp với thời tiết nơi định đến du lịch. Mang theo các loại thuốc cần thiết, kem chống muỗi, dung dịch rửa tay diệt khuẩn và các dụng cụ y tế dự phòng khi cần dùng đến.
Nếu gia đình đi du lịch nước ngoài, nên cho trẻ đi khám sức khỏe trước khi đi. Đặc biệt, trong các dịp nghỉ lễ thường dễ tiềm ẩn các bệnh dịch như sởi, sốt xuất huyết, ho gà… cha mẹ cần hết sức cân nhắc khi đưa trẻ đến chỗ đông người.
Nếu cho trẻ đi, hãy chú ý tăng cường dinh dưỡng, thường xuyên vệ sinh răng miệng, mũi, họng, mắt và thân thể cho trẻ. Người lớn nên rửa tay thường xuyên với xà phòng diệt khuẩn khi chăm sóc trẻ.
Trong quá trình đi du lịch, nếu có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời và hạn chế tiếp xúc với người khác để tránh lây lan.
Dạy trẻ biết tự sơ cứu vết thương khi đi du lịch
Khi đi du lịch chẳng may trẻ bị thương, cha mẹ hãy dạy con đừng quá hoảng sợ mà hãy bình tĩnh tự sơ cứu vết thương một cách tốt nhất.
Việc dạy kỹ năng sống cho trẻ như thế này sẽ giúp trẻ biết cách bảo vệ bản thân và tự tin hỗ trợ người khác khi họ gặp nạn.
Dạy trẻ biết gọi món ăn đúng cách tại địa điểm du lịch
Đây là một kỹ năng cho bé tưởng đơn giản nhưng cần nhiều nỗ lực của trẻ và cha mẹ. Mỗi khi cả gia đình có dịp du lịch, đi ăn ở các nhà hàng, cha mẹ hãy dạy con cách chọn món cho một bữa ăn.
Cha mẹ đừng quên nhắc con nhìn vào mắt của người phục vụ, tỏ ra lịch sự, gọi món muốn chọn và nói lời cảm ơn. Bằng cách rèn luyện nhiều lần, sẽ giúp trẻ học được kỹ năng sống.