Hàng năm, trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9, hàng ngàn con cá voi hoa tiêu và cá voi mõm khoằm bị giết trên khắp quần đảo Faroe – một vùng lãnh thổ tự trị thuộc Đan Mạch, nằm giữa Anh và Iceland.
Thảm sát cá voi kinh hoáng trên đảo Faroe – Đan Mạch
Hàng năm, trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9, hàng ngàn con cá voi hoa tiêu và cá voi mõm khoằm bị giết trên khắp quần đảo Faroe – một vùng lãnh thổ tự trị thuộc Đan Mạch, nằm giữa Anh và Iceland.
Dù bị nhiều tổ chức lên án dữ dội nhưng hoạt động săn cá voi vẫn diễn ra ở Faroe hàng năm khiến cho vài trăm đến cả ngàn chú cá voi thiệt mạng.
Truyền thống săn cá voi trên quần đảo Faroe bắt đầu từ cuối thế kỷ 16 nhưng nguồn gốc thực sự lại từ nhiều thế kỷ trước khi những người Norse đầu tiên đến sinh sống ở quần đảo này.
Săn cá voi trên đảo Faroe có truyền thống lâu đời, cách đây nhiều thế kỷ.
Grindadrap là một cụm từ mà người dân Faroe dùng để chỉ hoạt động săn bắt cá voi. Vào mùa di cư, các đàn cá voi hoa tiêu bị ngư dân đi tàu dùng lưới và mái chèo dồn vào vùng nước nông. Sau đó, những thợ săn lành nghề dùng móc sắc nhọn giết chết và kéo chúng lên bờ xẻ thịt làm máu nhuộm đỏ cả một vùng nước rộng lớn.
Cảnh thảm sát cá voi khiến cả vùng biển Faroe nhuộm đỏ máu.
Những cuộc săn giết này diễn ra vài lần một năm phụ thuộc vào thời điểm các đàn cá di cư tiến vào gần bờ. Cảnh tượng thảm sát cá voi thực sự rất hãi hùng, những con cá voi chịu nhiều đau đớn đến khi chết. Chúng thường bị giết bởi những mũi lao đâm qua cổ và cơ thể, gây tổn thương dây thần kinh, mất máu mà chết. Sau khi bị cột bằng dây thừng lôi vào bờ, chúng thậm chí còn bị chặt đầu trước khi xẻ thịt
Sau khi bị đâm chết và kéo vào bờ, những con cá voi bị cắt đầu và mổ bụng để lấy thịt và mỡ.
Truyền thống săn giết cá voi tại Faroe đã tồn tại trong nhiều thế kỷ và trở nên quá đỗi bình thường với cư dân địa phương. Vào mùa lễ hội, ngay cả trẻ em cũng tham gia, chúng còn thích thú nhảy lên xác những con cá voi bị giết. Song thực sự điều đó khiến những du khách viếng thăm quần đảo Faroe bị sốc và sợ hãi.
Nhiều du khách chứng kiến cảm thấy đau xót và ám ánh bởi tiếng kêu của hàng trăm con cá voi bị đâm cho tới chết.
Người dân Faroe cho rằng săn bắt cá voi cũng giống như việc chăn nuôi gia súc rồi lấy thịt. Thịt và mỡ của cá heo đóng vai trò lớn trong khẩu phần ăn của người dân nơi đây, là một phần không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực của họ. Mỡ cá ngoài để nấu ăn còn có thể chế biến làm dầu thắp sáng hoặc thuốc.
Đối lập với sự đau xót của nhiều du khách, người dân Faroe cho rằng giết cá voi không khác gì chăn nuôi gia súc lấy thịt.
Cá voi hoa tiêu là động vật có vú thông minh nên có thể cảm nhận nỗi đau như chính con người. Cách đánh bắt cá voi đẫm máu của người Faroe từ lâu đã bị nhiều nhà hoạt động cũng như các tổ chức bảo vệ động vật chỉ trích vì cho rằng nó quá tàn nhẫn và không cần thiết.
Hoạt động săn giết cá voi bị lên án bởi nhiều cá nhân và tổ chức vì sự tàn nhẫn của nó.
Bất chấp sự chỉ trích, chính quyền Faroe khẳng định việc lấy thịt và mỡ cá voi giúp người dân địa phương có thể sinh sống tự túc thay vì phải nhập nguồn đạm mà mỡ từ khu vực khác với chi phí không hề thấp, nhất là khi họ gần như không có cơ hội chăn nuôi như nhiều vùng khác.
Chính quyền Faroe ra sức bào chữa và bảo vệ cho hoạt động đẫm máu và đáng bị chỉ trích này.
Ước tính, mỗi con cá voi có thể cung cấp hàng trăm kg thịt và mỡ. Sau khi bị giết, tất cả thịt và mỡ cá sẽ được chia cho toàn bộ cư dân địa phương. Tuy nhiên, Sea Shepherd - một chiến dịch chống lại hoạt động Grindadrap cho rằng với hàng nghìn con cá voi hoa tiêu bị giết mỗi năm, dù thịt cá chủ yếu được dân địa phương tiêu thụ thì phần lớn vẫn bị bỏ đến thối rữa.
Cả ngàn con cá voi bị giết một năm nhưng chính quyền Faroe khẳng định nó sẽ không bị loại bỏ và nói rằng: "Người dân Faroe có quyền sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên của họ".
Bắt giết cá voi bị cấm ở Đan Mạch cũng như trên toàn châu Âu vì chúng là loài động vật cần được bảo vệ. Tuy nhiên, tại quần đảo Faroe lệnh cấm này trở nên vô hiệu bởi đây là một vùng lãnh thổ tự trị của Đan Mạch và không phải thành viên Liên minh châu Âu nên ở đây săn bắt cá voi vẫn hợp pháp.
Không khỏi rùng mình khi chứng kiến những cuộc thảm sát tập thể cá voi trên đảo Faroe, chúng ta chỉ còn biết hi vọng vào sự thay đổi truyền thống của người dân nơi đây.