Con nuốc Huế hiện đang là đặc sản "làm mưa làm gió" trên các trang mạng xã hội.
Trên các mạng xã hội như TikTok, Facebook hay các diễn đàn ẩm thực, cư dân mạng đang hào hứng chia sẻ nhiều hình ảnh, loạt video về con nuốc Huế, từ hương vị, xuất xứ đến cách ăn. Món ăn này nhận về nhiều lời khen tích cực, lời giới thiệu là "đặc sản vùng cố đô Huế", "mỹ vị mùa hè"... Khi giới thiệu món nuốc độc lạ này, một bạn trẻ hài hước còn ví von những con nuốc là "em gái cùng mẹ khác cha xa về địa lý với sứa".
Thực chất, con nuốc là đặc sản của người dân xứ Huế mỗi khi bắt đầu những ngày hè. Loài vật này có màu xanh, nhìn bề ngoài thấy trong veo, mềm mại như miếng thạch. Theo người dân địa phương, tùy vào con nước mà màu sắc của nuốc sẽ có độ đậm nhạt khác nhau, nhưng phổ biến nhất là màu xanh ngọc. Kích thước của nó nhỏ như một vòng tròn ngón tay. Con nuốc sống và phát triển trong vùng đầm phá nước lợ ở đầm Cầu Hai và Tam Giang. Điều này làm cho chúng khác biệt hoàn toàn so với những con sứa thường thấy ở biển.
Nuốc vốn rất lành tính, nên được người dân Cố đô rất ưa chuộng mỗi khi đến mùa. Người dân gốc Huế vẫn thường hay nói vui với nhau là “nuốc tuốc luốc” có nghĩa là “nuốt…. luôn tuốt luốt mà không cần phải nhai”.
Quá trình xử lý con nuốc cũng cần nhiều công đoạn. Để có thể thưởng thức được con nuốc Huế, quá trình xử lý phải trải qua nhiều bước công phu và tốn kém thời gian. Ban đầu, con nuốc có hình dáng khá lớn, nhưng sau khi được làm sạch, nó chỉ còn lại một phần nhỏ, chỉ khoảng một nửa quả chanh, trong vắt và có các chân màu xanh dương trông rất mát mắt. Một con nuốc có đường kính khoảng 20cm sau khi được xử lý, sẽ tự ngót lại chỉ còn khoảng 5cm.
Nuốc là một loại hải sản thanh mát, giống sứa nhưng lại không gây ngứa như sứa. Vì vậy nó là nguyên liệu được người Huế vô cùng yêu thích. Mùa nuốc chỉ kéo dài trong những tháng hè nắng, và để thưởng thức hương vị tốt nhất của con nuốc, người ta phải chọn lựa những con tươi mới, không phải loại đã làm khô và ngâm nở có màu vàng đục. Điều đặc biệt là con nuốc chỉ nên được sử dụng trong ngày, vì qua ngày hôm sau, chúng sẽ trở nên không ngon và ngót lại rất nhỏ.
Để phân biệt nuốc và sứa, thì trên thực tế, nuốc chỉ là loại cùng họ với sứa, nhưng được đánh giá là lành tính và không kén người ăn như sứa. Nuốc thường sống ở vùng nước lợ còn sứa sẽ sinh sống tại các vùng nước mặn. Thông thường, cả 2 món ăn này thường xuất hiện vào những tháng hè, nhưng thời gian đánh bắt con nuốc Huế sẽ kết thúc sớm hơn.
Con nuốc Huế là món ăn giải nhiệt ngày hè, lành tính nên không gây dị ứng, khó tiêu nên rất được ưa chuộng. Người dân nơi đây thường lựa chọn thưởng thức nuốc tươi để cảm nhận trọn vẹn hương vị thanh mát, giòn sần sật đặc trưng.
Nuốc thường được chấm cùng với mắm ruốc Huế bỏ thêm tí tỏi băm, cắt thêm vào lát ớt cay nồng, thêm tí chanh và đường. Ăn kèm cùng trái vả tươi, khế chua, chuối chát, rau thơm như húng lủi, bạc hà, tía tô có vị the nhẹ làm tăng hương vị của món nuốc Huế. Bên cạnh đó, mọi người cũng chọn ăn con nuốc chấm ruốc cùng với dưa gang tươi căng mọng, ngọt nước cắt miếng dày vừa. Ngoài ra, con nuốc còn được chế biến thành món gỏi, bún giấm.
Hiện tại, trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử giá bán nuốc dao động từ 190.000 đến 200.000 đồng/kg.