Những ngày tết, du ngoạn trên chợ nổi Cái Răng (TP.Cần Thơ), du khách không chỉ thưởng thức nhiều đặc sản hấp dẫn đặc trưng của miền Tây mà còn được tận mắt chứng kiến nét văn hóa “Tết trên sông” vô cùng sôi nổi trên miền sông nước mênh mông.
Không chỉ có hoa quả
Chợ nổi Cái Răng (ở phường An Bình, quận Cái Răng) cách trung tâm TP.Cần Thơ khoảng 5km. Chợ này đã tồn tại rất nhiều năm với những nét văn hóa đặc trưng riêng của người dân miệt sông nước miền Tây. Từ bến Ninh Kiều - một địa danh nổi tiếng của vùng đất Tây Đô, đi tàu đến chợ nổi Cái Răng chỉ mất khoảng 30 phút.
Các bạn trẻ thích thú chụp ảnh trên chợ nổi Cái Răng. Ảnh: C.T.V
TP.Cần Thơ đã phê duyệt đề án bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng trong giai đoạn 2016-2020, với tổng kinh phí thực hiện khoảng 64 tỷ đồng. Theo kế hoạch, trong năm 2020, chợ nổi Cái Răng sẽ có quầy hàng nổi trên sông, nhà hàng nổi ven sông…
Khu chợ nổi lớn nhất ở đồng bằng sông Cửu Long này ngoài là nơi trao đổi hàng hóa, còn là địa điểm du lịch hút khách trong và ngoài nước. Ngày thường, chợ bắt đầu họp từ khoảng 4 - 7 giờ sáng, vào những ngày giáp tết, chợ hoạt động nhộn nhịp đến giờ trưa.
Trong thời gian diễn ra họp chợ, chợ nổi Cái Răng lúc nào cũng nhộn nhịp, náo nhiệt tiếng cười nói, chào hàng, tiếng trả giá mua bán, hòa cùng tiếng máy nổ xình xịch phát ra từ những chiếc ghe tàu chở hàng hóa… làm huyên náo cả một khúc sông.
Khác với chợ trên bờ, các cửa hàng hay các ghe bán hàng thường không có bảng hiệu, chào gọi khách mua hàng. Thay vào đó, các tàu ghe bán sản vật gì thì người ta treo sản vật đó lên cây sào, cắm ở mũi thuyền (thường gọi là “cây bẹo”). Nên từ xa, người ta đã có thể nhìn thấy món hàng mà mình muốn mua và cứ thế chèo xuồng ghe đến ngã giá.
Đi chợ nổi, nhiều người thường nghĩ đến mua hoa quả, trái cây, rau củ là chủ yếu. Nhưng trên chợ nổi ngày nay hầu như không thiếu món gì so với chợ trên bờ, đặc biệt là có cả những món ăn đặc sản vùng sông nước như gánh bún riêu, hủ tiếu, bánh xèo, bánh cống, rồi cả hàng cà phê giải khát…
Du khách Lê Thị Hiền (Đống Đa, Hà Nội) bày tỏ: “Không ngờ ở miền Tây lại có thể thưởng thức những tô bún nóng hổi, tô hủ tiếu thơm lừng rồi nhâm nhi ly cà phê sáng, ngắm cảnh sầm uất của khu chợ rất đặc biệt trên mặt nước”.
Chị Lê Thị Thuỳ từ Bình Thạnh, TP.HCM, sau một vòng tham quan chợ nổi Cái Răng đã bày tỏ: “Đi chợ nổi này rất thích cảm giác bồng bềnh trên sông nước, không khí trong lành và con người thì hiền hòa chất phác. Lần nào về TP.Cần Thơ, dù bận rộn với công việc nhưng tôi cũng dành thời gian đi chơi và mua sắm ở chợ nổi này”.
Còn anh Trần Văn Mến đi cùng đoàn với chị Thuỳ thì cho rằng: “Chợ nổi này không chỉ là nơi kinh doanh nữa mà nó còn là nơi gìn giữ nét văn hóa độc đáo của miền sông nước. Tôi hy vọng, ngành chức năng địa phương quan tâm đầu tư và phát triển nó”.
Vui tết trên sông
Chợ nổi Cái Răng được Bộ VHTTDL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Vài năm qua, nơi đây cũng được nhiều tạp chế du lịch ở nước ngoài bình chọn là một trong những chợ ấn tượng nhất thế giới, top những chợ nổi đẹp nhất châu Á...
Vào những ngày Tết, tham quan trên chợ nổi Cái Răng, du khách không chỉ thưởng thức nhiều đặc sản hấp dẫn đặc trưng của miền Tây mà còn được tận mắt chứng kiến nét văn hóa “Tết trên sông” vô cùng sôi nổi. Những chiếc xuồng máy đông hơn ngày thường, len lỏi khắp nơi để phục vụ thức ăn, nước uống cho du khách tham quan. Nhiều ghe lớn, những chiếc ghe bầu to đùng từ các tỉnh và TP.HCM đến chợ nổi Cái Răng neo đậu thu gom nông sản để cung cấp cho các chợ đầu mối hoặc đưa sang Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc…
Đặc biệt nhất là những chiếc ghe lớn, nhỏ chở đầy ắp các loại hoa đủ sắc màu, trái cây đủ hương vị, cây cảnh… rực rỡ sắc màu trên chợ nổi. Du khách, nhất là những người trẻ nô nức đi chợ, tập hợp về đây chụp ảnh hân hoan chào đón một mùa xuân mới tràn ngập niềm vui.