Câu chuyện về bà chủ cửa hàng sách Mão (Số 5 Đinh Lễ) đánh cược cả gia sản làm một cuốn sách và mang về 500 cây vàng từng là huyền thoại trong làng xuất bản Việt Nam. Nhưng giờ đây bà đã sang một thế giới khác.
Ngày 26/05, làng sách Việt Nam và độc giả yêu thích sách lặng người khi nghe tin cụ Mão - chủ cửa hàng sách Mão (Số 5 Đinh Lễ) qua đời. Cụ là một người phụ nữ đặc biệt, được những người yêu thích sách ở Hà Nội xem là "nữ thành hoàng" của đường sách Đinh Lễ, được làng sách Việt Nam kính phục vì là người làm sách tiên phong, ưu tú.
Những người yêu sách ở Hà Nội đều đã quen thuộc với “thiên đường sách” Đinh Lễ. Con phố này với nhiều hiệu sách san sát nhau chạy trên đoạn phố nhỏ chỉ kéo dài vài trăm mét. Nhưng điểm đặc trưng nhất của con phố này lại nằm sâu trong một con ngõ nhỏ.
Ngõ số 5, Đinh Lễ điểm đến quen thuộc của độc giả yêu sách Hà Thành - Ảnh: Mạnh Thắng (Zing)
Cửa hàng sách Mão của ông bà Lê Luy – Phạm Thị Mão nằm trên gác 2 của khu tập thể Đại học Y cũ (số 5 Đinh Lễ), 5 gian nhà với tổng diện tích 200m2 là điểm dừng chân tuyệt vời cho những người mê sách ở Hà Nội. Dù không gian nhỏ hẹp nhưng nơi này chứa đựng tới hàng nghìn cuốn sách, nhiều bản in, ấn phẩm nhiều thể loại và đặc biệt là có nội dung rất hữu ích.
Cửa hàng sách Mão nằm phía trong con ngõ nhỏ của phố Đinh Lễ - Ảnh: Mạnh Thắng (Zing)
Bà Mão vốn là một cán bộ thẩm định sách giỏi của Tổng công ty phát hành sách nhưng bà chấp nhận nghỉ hưu không lương để bán sách ở gần vỉa hè trước cổng Bưu điện Bờ Hồ vì cuộc sống khó khăn.
Sau ba năm vật lộn thì bà cùng chồng cũng mua được căn gác hai tại ngôi nhà số 5 phố Đinh Lễ. Khi đó ở cả con phố chỉ có quầy hàng của bà và 2 cửa hàng sách khác là cửa hàng sách tư nhân đầu tiên của Hà Nội. Tuy cửa hàng của bà Mão nhỏ nhưng sách bán rất chạy vì giá “mềm” và đặc biệt là nội dung sách hay.
Không gian nhỏ hẹp của cửa hàng sách Mão nhưng chứa hàng nghìn đầu sách hay - Ảnh: Mạnh Thắng (Zing)
Buổi tối, ông bà trải chiếu xuống vỉa hè Đinh Lễ bán sách, thấy vậy thì mọi người cũng mang chiếu đến để bán sách ở đây nhiều hơn. Đinh Lễ trở thành “phố sách đêm” được yêu thích ở Hà Nội. Sau này khi không được bán sách ở vỉa hè thì những người kinh doanh ở đây thuê cửa hàng để bán. Phố sách Đinh Lễ ra đời từ đó. Bà Mão được xem như là “cụ tổ” khai sinh ra đường sách Đinh Lễ ngày nay.
Điều làm tất cả người trong làng sách và độc giả phải ngả mũ thán phục bà Mão là việc dù nhiều khi biết là sẽ lỗ nhưng chỉ cần cuốn sách đó chứa đựng những kiến thức hữu ích cho dân mình thì vợ chồng bà vẫn quyết tâm làm cho bằng được. Chính vì cái tâm trong việc làm nghề mà bà đã được sách trả ơn.
Độc giả đến cửa hàng sách trong ngõ nhỏ để tìm cuốn sách mình yêu thích - Ảnh: Mạnh Thắng (Zing)
Năm xưa ấy, cuốn Almanach – những nền văn minh thế giới được chào mời nhưng cả nước không có nhà xuất bản nào chịu đầu tư. Tuy nhiên bằng kinh nghiệm của một cán bộ thẩm định sách có tài, có tâm, bà nhận ra rằng cuốn sách này chứa những kiến thức vô giá, là một cuốn sách quý. Hai ông bà đã đi vay vàng nặng lãi, đáng cược cả sự nghiệp và gia sản để xuất bản cuốn sách này cho kỳ được.
Chính vì lòng mong mỏi được đưa những cuốn sách hay, chất lượng đến tay bạn đọc mà hai ông bà đã quyết tâm xuất bản cuốn Almanach. Trời không phụ lòng người, kể từ lần đầu tiên đặt in năm 1995 đến năm 2000, sách Almanach cứ in về đến cổng là bán hết sạch. Cuốn sách thần kỳ trả ân cho ông bà Mão tận 500 cây vàng.
Cụ Mão - "nữ thành hoàng" của phố Đinh Lễ; người làm sách tiên phong, ưu tú của làng sách Việt Nam - Ảnh: Mạnh Thắng (Zing)
Tuy nhiên, con người khó có thể tránh được sinh lão bệnh tử. Người đi tiên phong, ưu tú trong việc làm sách ở Việt Nam đã đi hết khoảng thời gian trong cuộc đời mình. Bà Mão đã bước sang một thế giới khác.
Dẫu có như vậy thì hơn 500 đầu sách được bà cùng chồng biên dịch và xuất bản sẽ ở lại cùng với độc giả yêu sách, là nguồn tri thức quý giá nhắc người đời sau nhớ đến những cống hiến tận tâm của bà.