Đi Hội An có gì chơi là điều mà nhiều du khách muốn tìm hiểu trước khi đến với vùng đất cổ này.
Hội quán Triều Châu
Hội quán Triều Châu (hay còn gọi là Chùa Ông Bổn) là một trong số địa điểm du lịch Hội An luôn được nhắc đến trong danh sách các điểm đến ở Hội An. Nơi đây được xem là một trong những công trình kiến trúc cổ nhất tại thành phố này. Sở hữu kiến trúc đặc sắc, Hội Quán Triều Châu ấn tượng du khách với những đường nét chạm trổ rất tinh tế và họa tiết sắc nét trên những kết cấu gỗ vững chắc. Bên cạnh đó, nghệ thuật đắp nổi hoa văn bằng sành, sứ cũng được áp dụng để xây dựng công trình này để tăng thêm vẻ đẹp và tạo nên tính nghệ thuật cho công trình.
Chùa Cầu
Chùa Cầu được xem như viên ngọc giữa lòng Hội An. Cầu xây dựng vào cuối thế kỷ 16 và được gọi là cầu Nhật Bản. Cầu bắc ngang con lạch chảy ra sông Thu Bồn giáp ranh giữa hai đường Nguyễn Thị Minh Khai và Trần Phú. Ở giữa cầu có một ngôi miếu nhỏ thờ Huyền Thiên Đại Đế. Cầu có mái che khá độc đáo cùng các kết cấu, họa tiết trang trí thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa các phong cách kiến trúc Việt, Hoa, Nhật, và cả phương Tây.
Hội quán Phúc Kiến
Tương truyền, tiền thân của hội quán là một gian miếu nhỏ thờ pho tượng Thiên Hậu Thánh Mẫu - bà chúa phù hộ cho thương nhân vượt sóng gió đại dương - vớt được tại bờ biển Hội An vào năm 1697.
Hội quán Phúc Kiến có không gian rộng và sâu nhất, với lối kiến trúc xưa với kiểu ” Nội công ngoại quốc”, và bộ vì kèo tiền điện theo kiểu “Chồng rường giả thủ”, cùng với nhiều bức chạm lộng, chạm nổi hoa lá, điểu thú rất sinh động.
Đến thăm quan, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc độc đáo, tinh xảo niên đại hằng trăm năm. Trong hội quán có nhiều tượng phật cùng chuông đồng mang giá trị tinh thần rất to lớn, hằng năm thu hút nhiều khách du lịch ghé thăm.
Chợ Hội An
Chợ Hội An là một trong các khu du lịch ở Hội An thu hút nhiều du khách đến thăm quan và mua sắm. Bạn có thể tìm thấy nhiều những đặc sản đặc trưng, các đồ thủ công mĩ nghệ cũng như được thưởng thức nhiều món ăn cực kì ngon miệng hấp dẫn tại đây. Đến với chợ Hội An, bạn cũng được giao lưu, trò chuyện với người dân địa phương và có thêm nhiều trải nghiệm về cuộc sống hàng ngày của người dân nơi đây.
Làng gốm Thanh Hà
Làng gốm Thanh Hà nằm cách Hội An 3km về hướng Tây (di chuyển bằng thuyền khoảng gần 30 phút từ bến đò khu phố cổ). Vào thế kỷ 16, 17, Thanh Hà là một ngôi làng rất thịnh đạt, nổi tiếng về các mặt hàng gốm, đất nung được trao đổi, bán buôn khắp các tỉnh miền Trung Việt Nam.
Nghề gốm của làng có nguồn gốc xuất xứ từ Thanh Hóa, sau khi tiếp thu được một số vốn liếng kỹ thuật thì đã hình thành làng gốm như ngày nay. Sản phẩm chủ yếu là các đồ dùng phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày như chén, bát, chum, vại, bình hoa, chậu cảnh, hình thù các con giống… mang nhiều kiểu dáng, màu sắc rất phong phú và đặc biệt nhẹ hơn so với các sản phẩm cùng loại của địa phương khác.
Xưởng thủ công mỹ nghệ Hội An
Địa điểm này là nơi trưng bày giới thiệu 12 ngành nghề thủ công nổi tiếng lâu đời của Hội An như gốm mỹ nghệ, mộc, lồng đèn nghệ thuật, chằm nón, đan lát mây tre, chạm khảm gỗ, sơn mài, quay xa dệt vải, thêu thùa…
Xưởng thủ công một phần tái hiện truyền thống đặc sắc của người dân khi xưa. Một phần vẫn tiếp tục tạo nên những sản phẩm thủ công chất lượng cao đến mức điêu luyện, không chỉ để làm quà lưu niệm mà còn phân bổ khắp các vùng khác của đất nước.
Đến tham quan xưởng thủ công, không những du khách được tận mắt chứng kiến quá trình làm ra sản phẩm bắt mắt mà còn có thể tự tay tham gia vào một vài quá trình giúp lưu dấu những trải nghiệm thi vị trong chuyến thăm phố cổ Hội An.
Biển Cửa Đại
Cửa Đại là bãi biển hấp dẫn thu hút nhiều du khách ở Hội An với làn nước xanh màu ngọc bích bên bãi cát trắng trải dài trắng mịn màng. Bạn không chỉ được hoà mình vào làn nước mát và không gian mát mẻ sảng khoái mà còn được thưởng thức những món ăn hải sản tươi ngon ở biển Cửa Đại. Các nhà hàng, khách sạn và trung tâm du lịch xung quanh biển đều phát triển nhộn nhịp để phục vụ cho nhu cầu nghỉ dưỡng và du lịch của du khách.
Nhà cổ Tấn Ký
Đứng vững hơn 200 năm, nhà cổ Tấn Ký vẫn giữ nguyên cho mình một lối kiến trúc đậm chất Hội An khi xưa với căn nhà được chia làm nhiều gian. Chủ nhà Tấn Ký xây dựng ngôi nhà vào thế kỷ XVIII để làm nơi buôn bán, mặt trước thông ra phố Nguyễn Thái Học, mặt sau thông ra bờ sông để tiện cho việc nhập hàng hóa.
Chất liệu chính làm nên nhà cổ Tấn Ký là gỗ và đá lát lấy từ Thanh Hóa. Nhờ loại đá đó mà gỗ không bị mục sau nhiều năm sóng gió. Là một ngôi nhà có phong cách giao thoa của 3 quốc gia: Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản, Tấn Ký như một bức tranh sống động mô tả cuộc sống của giới thượng lưu Hội An năm xưa.