“Ra trường vài năm rồi chắc thu nhập ổn định rồi nhỉ?”; “Hằng tháng có gửi cho bố mẹ được đồng nào không?”... Có lẽ với nhiều người trẻ, đây là những câu hỏi mà họ thường xuyên nhận được mà đôi khi bản thân họ cũng không biết nên trả lời như thế nào.
Bố mẹ sinh con, nuôi nấng một đứa trẻ suốt trong khoảng 18 – 22 năm, để rồi từ một đứa bé non nớt trở thành người trưởng thành, được học hành, tốt nghiệp, đi làm… Bất kỳ ông bố bà mẹ nào cũng đều mong ước con cái lớn lên đàng hoàng, tử tế để rồi báo đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục, báo hiếu bố mẹ.
Thế nhưng, “báo hiếu” như thế nào mới là đúng? Đi làm rồi có nhất thiết phải gửi tiền cho bố mẹ? Và gửi bao nhiêu là đủ? – có lẽ đây vẫn là những câu hỏi còn nhiều tranh cãi.
Bạn Liên Hương (SN 1999, Đống Đa) tâm sự: “Em ra trường đã được 3 năm. Trong thời gian đó em cũng nhảy việc vài lần vì chưa có nhiều kinh nghiệm. Đi làm văn phòng với mức lương 6 triệu đồng nên phần lớn em vẫn dành để chi tiêu cho bản thân. Em sống cùng với gia đình nên mỗi tháng em gửi bố mẹ 1 triệu đồng tiền điện nước, sinh hoạt. Ngoài ra thi thoảng em cũng mua thêm đồ ăn, quà bánh cho mọi người cùng ăn”.
“Thực sự khi cô bác họ hàng hỏi em có gửi tiền cho bố mẹ không, em khá là ngại trả lời. Cũng may bố mẹ em cũng động viên là chỉ cần em tự lo được cho cuộc sống của mình, bố mẹ không phải lo gì đã là tốt rồi. Tất nhiên trong tương lai, khi lương cao hơn thì chắc chắn em sẽ gửi bố mẹ nhiều hơn” – Hương nói thêm.
Hương Giang (SN 1996, Lào Cai) chia sẻ: “Em hiện sinh sống và làm việc ở Hà Nội, không sống cùng bố mẹ nên mỗi tháng em gửi nhà 5 triệu đồng. Mức lương hiện tại của em là 20 triệu/tháng chưa tính thưởng. Vì không sống cùng nên em cảm thấy mình nên gửi bố mẹ nhiều hơn một chút, để bố mẹ cảm thấy yên tâm hơn, thoải mái chi tiêu hơn. Mình đi làm nhiều năm rồi cũng phải biếu bố mẹ một phần, chứ hồi mấy năm mới ra trường em cũng không gửi được đồng nào cả. Trả tiền trọ, tiền ăn uống, mua sắm cũng hết sạch lương. Sau mấy năm đi làm, lên vị trí leader, thu nhập tốt hơn thì em mới dư dả để gửi tiền biếu bố mẹ”.
“Em nghĩ số tiền nhiều hay ít không quan trọng. Quan trọng là mình phải lo được cho bản thân mình đã, đừng để cho bố mẹ phải lo lắng, hay là hơi tí tiêu hết tiền lại về xin tiền bố mẹ. Em biết nhiều người như vậy lắm, ăn tiêu xả láng đến khi hết tiền lại ngửa tay xin bố xin mẹ. Đừng vì số tiền lớn hay nhỏ mà tự gây áp lực cho mình, cũng chỉ là một cách để thể hiện tấm lòng của con cái đối với cha mẹ mà thôi!” – Giang cho hay.
Còn Ngọc Thúy (SN 2001, Ba Đình) cho biết: “Em hiện vẫn sống cùng bố mẹ nên không phải lo tiền thuê trọ. Mỗi tháng em có thu nhập 6.5 triệu đồng. Em ăn cơm nhà nên gửi bố mẹ 2.5 triệu đồng/tháng, bù lại em được ăn đủ 3 bữa cơm nhà. Em còn 4 triệu đồng để chi tiền xăng xe, đi ăn, cafe với bạn, mua đồ cá nhân,… Thường là em sẽ không tiêu hết mà vẫn còn dư khoảng 2 triệu gửi tiết kiệm.
Em đi làm, tự kiếm ra tiền là bố mẹ em mừng lắm rồi, chẳng cần gì hơn. Bố mẹ em vẫn đi làm nên thực ra cũng không cần vài đồng “cỏn con” của em, nhưng mà ai hỏi thì bố mẹ vẫn tự hào lắm vì “Nó đi làm kiếm tiền được rồi, lại còn biết gửi tiền cho bố mẹ”. Nghe vậy thì em cũng vui vui và có thêm động lực làm việc”.
Có lẽ số tiền mà chúng ta mang về cho bố mẹ có nhiều thế nào cũng không bao giờ là đủ để báo hiếu công ơn sinh thành, dưỡng dục của bố mẹ. Nhưng với nhiều người trẻ, ít nhất số tiền nho nhỏ ấy cũng góp phần mang lại niềm vui cho cha mẹ, không chỉ bởi giá trị vật chất mà còn là minh chứng cho sự trưởng thành của con cái, đáp lại sự tin tưởng của bố mẹ dành cho chúng ta. Mặt khác, cảm giác cầm đồng tiền mình tự tay kiếm ra để mang về biếu cha mẹ khiến chúng ta cũng cảm thấy hết sức tự hào.
Vậy nên, đừng để vấn đề biếu tiền bố mẹ trở thành gánh nặng, bạn nhé!