32 năm trôi qua, dù không may mắn khi mắc phải bệnh Down bẩm sinh nhưng anh Quậy đã bình an trưởng thành trong vòng tay ấm áp của dì Tư và gia đình.
Tuy không mang nặng đẻ đau nhưng suốt ngần ấy năm, dì Tư chăm sóc anh Quậy như con ruột
Không lấy chồng vì thương cháu
Trời tháng 5 nóng như đổ lửa, bà Nguyễn Thị Xuân (dì Tư) ngồi nấu hai nồi nước sôi trên bếp than nhỏ trước cửa nhà.
“Ngày nào cũng nấu mấy nồi nước như vậy, nó (Quậy) uống nước nhiều lắm" - dì Tư vừa nói vừa lấy nồi nước đã nguội đổ vào bình, chốc chốc lại quay sang đứa cháu trai ngờ nghệch đang nhoẻn miệng cười. Anh Phạm Minh Anh (biệt danh Quậy, 33 tuổi) không may mắn như những đứa trẻ bình thường khác, từ lúc chào đời, anh Quậy đã mắc hội chứng Down.
“Tên Anh, 5 tuổi”, Quậy giơ bàn tay ra ngô nghê trả lời.
“Nhìn vậy chứ nó cũng biết nhiều lắm, có người lạ vào nhà là la lên liền. Nó không biết chữ nhưng tên của mọi người tới thăm nhà nhắc vài lần là nhớ. Ngày thường cũng biết giúp tôi quét sân, ăn uống, ngủ nghỉ rất ngoan, đúng giờ", - dì Tư nhìn anh Quậy mỉm cười.
- Dì Tư nấu món gì cho Quậy?
- Canh bí, cá chiên.
- Quậy có thích món dì nấu không?
- Thích, ngon lắm.
Dì chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho anh Quậy suốt 32 năm qua.
Anh Quậy là con thứ hai trong gia đình có ba anh em. Dì Tư kể từ khi sinh ra người nhà đã biết anh mắc hội chứng Down. Các bác sĩ cũng nói với gia đình trẻ mắc bệnh Down không sống thọ, chăm sóc cũng vất vả nhưng vì thương con, thương cháu, cả gia đình quyết tâm giữ anh Quậy lại để nuôi nấng.
“Tôi cũng không dám tin Quậy sống tới được bây giờ là 33 năm rồi, sức khoẻ ổn định, chỉ có thi thoảng bị đau chân và đau dạ dày do uống nhiều thuốc” - dì Tư nói.
Năm anh Quậy được 1 tuổi, cha mẹ anh chạy ngược xuôi buôn bán kiếm tiền nên gửi anh cho dì nuôi. Phần vì duyên số, phần vì dì Tư thương Quậy ốm yếu, không nỡ lấy chồng nên ở cứ ở vậy nuôi anh, thoắt một cái đã 32 năm...
“Sau này nó lớn hơn, cũng có về nhà với cha mẹ nhưng không chịu ở lâu vì nó sống tình cảm, quen hơi mình nên nhất quyết muốn về lại sống chung với tôi” - dì kể.
Dì Tư đặt biệt danh ở nhà cho Minh Anh là Quậy vì anh hay tò mò mọi thứ xung quanh. 33 tuổi, anh Quậy chẳng khác gì một đứa trẻ lên 3, ngày ngày quấn quýt bên dì Tư, học ăn, học nói...
Dù nghèo khó cũng không nỡ bỏ cháu
Trước đây, dì Tư sống ở Thủ Thiêm, năm 2002 gia đình được di dời đến chung cư Mười Mẫu (phường Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức). Dì Tư và anh Quậy sống chung với các em ruột của dì, họ đều không lập gia đình, cùng nhau chăm sóc đứa cháu kém may mắn.
“Lúc nhỏ chăm sóc nó khó khăn lắm. Vì cháu hay ốm đau, lại không biết kiểm soát cảm xúc, hay giận dữ và không nghe lời. Giờ cháu lớn thì biết nghe lời hơn, tính tình cũng dễ chịu, ngoan hơn.
Hồi xưa cũng có nhiều người khuyên cho cháu đi làm con nuôi hoặc gửi vô chùa. Cũng có người nước ngoài tới muốn nhận làm con nuôi nhưng gia đình thương cháu, không nỡ để cháu đi” - dì Tư tâm sự.
Những bức hình đầy ắp kỷ niệm của dì Tư và anh Quậy.
Lúc còn khỏe mạnh, dì Tư làm thợ đan lát giỏ tre, mây. Khi lớn tuổi, dì nhận làm đồ thủ công tại nhà hoặc đi làm giúp việc, dọn dẹp thuê thời vụ. Ngoài tiền chu cấp từ cha mẹ, anh Quậy cũng được hỗ trợ khoảng bảy trăm nghìn tiền trợ cấp xã hội.
Dù vậy cuộc sống của hai dì cháu cũng khá vất vả khi dì Tư nay đã lớn tuổi, ốm yếu, gần như không có việc làm. Chi phí sinh hoạt trong nhà là nhờ 3 người em ruột của dì phụ giúp.
“Bằng tuổi nó người ta giờ đã có vợ con, đi làm gánh vác rồi. Mà nó giờ như đứa con nít, chỉ ăn với ngủ. Nhưng tôi cũng thấy an ủi là cháu ngây ngô, cháu không biết buồn hay suy nghĩ tiêu cực gì là tốt rồi”, dì Tư nhìn về phía anh Quậy, cười nghẹn.
Anh Quậy lớn lên khoẻ mạnh là một điều kỳ tích với gia đình dì Tư.
32 năm trôi qua, dù không được may mắn lớn lên khỏe mạnh như những đứa trẻ khác nhưng anh Quậy đã bình an trưởng thành trong vòng tay ấm áp của dì Tư và gia đình.
“Năm nay tôi cũng hơn 65 tuổi rồi, cũng không biết còn sống thêm với cháu được bao lâu. Tôi cũng không thể theo cháu hết cả đời, sau này nếu không có mình thì ai sẽ lo cho cháu…” - dì Tư trăn trở.
Có lẽ với dì Tư, anh Quậy không chỉ là đứa cháu mà còn là điều quý giá nhất mà cuộc đời người phụ nữ này có được. Tình thương trao đi mà không cần nhận lại, dù ở tuổi gần thất thập cổ lai hy, dì chỉ mong mình có sức khỏe để chăm sóc cho anh Quậy được được tốt nhất.