Khoảng thời gian mẹ bị tái phát đột quỵ cũng là lúc nhiều biến cố ập đến, Quang rơi vào trầm cảm. Nhưng chàng trai đã nhanh chóng tự “chữa lành” cho mình bằng giải pháp mà không ai ngờ tới.
Biến cố khi mẹ bị tai biến
Đầu năm 2021, khi có 3 trung tâm thẩm mỹ đang đà phát triển, Nguyễn Hữu Quang (SN 1996, ở Hải Phòng) dự tính mở thêm nhiều chi nhánh thì nhận tin mẹ anh - bà Phạm Thị Minh (68 tuổi) gục ngã giữa đường, được hàng xóm phát hiện đưa về nhà.
Đoạn video Quang rửa tay cho mẹ thu hút gần 34 ngàn lượt người xem.
Sau đó, gia đình Quang nhanh chóng đưa mẹ đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hải Phòng chụp chiếu và điều trị. Bác sĩ kết luận, trong não bà Minh hình thành cục máu đông, đang dần thành sẹo, bệnh diễn biến âm thầm đã lâu nhưng người bệnh có thể không biết. Bác sĩ khuyến cáo, sau xuất viện, bà cần kiên trì vận động, thay đổi thói quen ăn uống mới có khả năng phục hồi.
Nguyễn Hữu Quang tạm giác các dự án cá nhân để dành thời gian chăm sóc mẹ. Ảnh: NVCC.
Khi nghe bác sĩ nói, Quang nhớ đến nhiều năm qua, mẹ thường xuyên mất ngủ vì tính hay suy nghĩ, lo lắng cho các con, nhất là công việc kinh doanh của mình. “Có thể, đây chính là lý do khiến mẹ bị tai biến. Nhưng vì không hiểu rõ, mẹ không biết mình bị bệnh. Có khi mẹ lại tưởng đó là bệnh của tuổi già hay do bị ảnh hưởng của vụ tai nạn trước đây, khiến sức khỏe mình yếu hơn”, Quang nghĩ lại rồi tự trách bản thân sao không quan tâm mẹ nhiều hơn.
Quang cũng nhớ đến hội chứng bàng quang tăng hoạt mà mẹ mắc phải sau khi sinh mình. Căn bệnh này đã khiến bà luôn lo lắng, bất an vì đi tiểu nhiều, sợ đến nơi công cộng, chỗ đông người. Bà thường xuyên ăn khô, ít uống nước, ít ăn rau củ quả để hạn chế đi tiểu nhưng mỗi ngày vẫn phải vào nhà vệ sinh tới hơn 20 lần. Vì điều này, cơ thể của bà suy nhược và có thể cũng là một phần nguyên nhân gây tai biến.
Hiện sức khỏe mẹ đã yếu hơn, Quang muốn dành phần lớn thời gian của mình cho mẹ. Ảnh: NVCC.
Chàng trai trầm cảm vì kinh doanh trục trặc, bệnh của mẹ không hồi phục như kỳ vọng
Gia đình có 6 anh chị em thì 5 người đã có gia đình riêng và đi làm giờ hành chính nên từ khi mẹ bị tai biến, Quang quyết định sẽ chăm mẹ chính, các anh chị chỉ hỗ trợ khi cần thiết. Anh học cách thay bỉm, làm vệ sinh cho mẹ hay cách giúp người bị đột quỵ vận động. Là con trai nên thời gian đầu, Quang bỡ ngỡ và xấu hổ, nhưng dần thành quen và cảm giác ngại ngùng không còn nữa.
Mỗi ngày, Quang dậy sớm đi chợ, về chế biến nhiều món ăn khác nhau cho mẹ bồi bổ. Sáng, trưa, tối anh giúp mẹ tập vật lý trị liệu, các bài tập vận động giúp cho người đột quỵ nhanh phục hồi hơn. Anh cũng rèn luyện trí não cho mẹ bằng cách hướng dẫn bà tự làm vệ sinh cho mình hay động viên bà tự xúc ăn. “Ngày nào vui thì mẹ làm được. Ngày nào trái gió trở trời, tôi sẽ vất vả hơn một chút”, chàng trai 28 tuổi chia sẻ.
Phải dành nhiều thời gian hơn trong việc chăm sóc mẹ khiến Quang không thể quản lý tốt các cơ sở thẩm mỹ, dẫn đến việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn, có nguy cơ vỡ nợ. Một phần cũng do ảnh hưởng từ tình hình suy thoái kinh tế chung, anh quyết định đóng cửa một cơ sở, giữ lại 2 cái và cố gắng duy trì sự ổn định.
Vừa qua, Quang cùng các anh chị em trong nhà đưa mẹ đi xem phim để bà vui hơn. Ảnh: NVCC.
Cộng với việc chứng kiến bệnh tình của mẹ không hồi phục như kỳ vọng, Quang rơi vào trầm cảm. Anh tự nhốt mình trong phòng 2 tuần, không liên lạc với bất kỳ ai để bản thân không làm điều gì sai. Khi bình tĩnh lại, anh nhận ra, phía trước mình còn có bố mẹ lớn tuổi. Ông bà từng rất tự hào về con trai út. Nếu bây giờ mình thất bại, người đầu tiên buồn nhất là bố mẹ.
Tự “chữa lành” cho bản thân bằng việc chăm mẹ, tạo niềm vui với mẹ
Đến nay, bà Minh đã tai biến được hơn 3 năm. Vì tái phát căn bệnh này nhiều lần khiến bà bị sa sút trí tuệ nên tính cách cũng tay đổi, vì vậy, Quang và bố lúc nào cũng phải thay phiên nhau để mắt đến mẹ.
Để tiện chăm sóc mẹ và quản lý tốt cơ sở thẩm mỹ, Quang thuê một căn nhà gần chỗ làm, đón cả bố và mẹ đến ở cho tiện. Ban ngày đi làm, Quang nhờ bố chăm mẹ giúp. Từ 7 giờ tối đến 8 giờ sáng hôm sau, anh ở bên mẹ, giúp mẹ đi vệ sinh, theo dõi giấc ngủ, từng cử động của bà.
Từ cuối năm 2023, Quang làm một kênh tiktok chia sẻ các hoạt động hàng ngày của mẹ, đó cũng chính là những kỉ niệm mà anh muốn lưu giữ. Những video chia sẻ việc vệ sinh cho mẹ, hay những khoảnh khắc đi chơi cùng bố mẹ của Quang được hàng trăm ngàn người theo dõi, thích thú. Nhiều người để lại những lời động viên hay thể hiện sự ngưỡng mộ trước cách chăm sóc mẹ của Quang khiến chàng trai trẻ cảm thấy như được tiếp thêm năng lượng.
Mỗi khi có điều kiện, Quang cõng mẹ đi chơi, cùng các anh chị em tạo không khí vui tươi cho mẹ. Ảnh: NVCC.
Chàng trai 28 tuổi cho biết, sau một thời gian chăm mẹ, anh thấy bản thân trở nên điềm tĩnh, kiên nhẫn và hòa nhã hơn và cũng dần vượt qua tình trạng trầm cảm. Anh chia sẻ: “Chính bố mẹ mới là phật sống. Vì vậy, mình không phải đi đâu để làm việc tốt, việc có đức mà hãy thể hiện điều đó với chính bố mẹ mình”. Anh cũng nhận ra, con cái là tấm thẻ bảo hiểm an toàn nhất của bố mẹ, vì vậy anh sẽ làm tất cả vì mẹ như chính bản năng mà mẹ đã làm cho mình trước đây.
Theo TS.BS Nguyễn Bá Thắng, Trưởng Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, đột quỵ (tai biến mạch máu não) là căn bệnh rất phổ biến và nguy hiểm trong xã hội hiện đại và là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở nước ta. Căn bệnh này có thể xảy ra với bất kì ai, không phân biệt tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp, tình trạng sức khỏe. Khi bị bệnh, người bệnh có thể bị liệt nửa thân, mất khả năng giao tiếp, mất khả năng kiểm soát tiểu tiện, bị sa sút trí tuệ thậm chí hôn mê sâu và tử vong. Bác sĩ Thắng cho biết, đột quỵ hoàn toàn có thể phòng ngừa nguy cơ và giảm thiểu hậu quả. Người bệnh đột quỵ nếu được cấp cứu kịp thời trong “thời gian vàng” thì cơ hội phục hồi trở lại chất lượng cuộc sống như trước rất cao. Thời gian vàng để cấp cứu người bệnh đột quỵ là 6 giờ kể từ khi phát bệnh, 3 giờ đầu có thể coi là thời gian kim cương. Với đột quỵ, mỗi giây đều quý, nghĩa là dù cùng được chữa trong thời gian vàng nhưng người sớm hơn sẽ có kết quả tốt hơn. Bản thân người bệnh hoặc người xung quanh cần nhận biết ngay các dấu hiệu khi đột quỵ xảy ra như bị méo miệng, nói ngọng hoặc không nói được, yếu tay chân một bên để đưa đi cấp cứu kịp thời. Nếu người bệnh đột quỵ không được cấp cứu trong quãng “thời gian vàng” thì hậu quả phải chịu rất nặng nề, có thể liệt nửa người, hôn mê sâu, thậm chí tử vong. |