"Chơi" bể thủy sinh vốn là một thú vui "đắt đỏ". Nhưng giờ đây, với ngân sách ít ỏi, chỉ từ khoảng 250.000 đồng, là bạn sẽ có được một chiếc bể thủy sinh mini xinh yêu để ở bàn làm việc.
Thú chơi bể thủy sinh không còn xa lạ gì với người Việt Nam. Nhưng đối với giới trẻ, đặc biệt là Gen Z, chơi bể thủy sinh dường như là một thú vui "xa xỉ", "đắt đỏ", cần tiêu tốn tiền và thời gian, công sức để chăm sóc. Vì vậy, không phải bạn trẻ nào cũng có điều kiện để theo đuổi bộ môn thú vị này.
Thành Sơn (SN 1999, Hà Nội) chia sẻ: "Có lần em đến nhà một người bạn chơi thì thấy nhà họ có một cái bể cá rất đẹp. Không phải bể cá thông thường chỉ có cá, mà nó có cả các loại cây xanh mướt và được trang trí cành gỗ, đá xịn xò. Hỏi ra mới biết đấy là bể thủy sinh. Giá để bố bạn ấy làm cái bể đó lên đến cả chục triệu đồng. Sau em về cũng nghiên cứu nhưng thấy khá phức tạp, cần tìm tòi nhiều kiến thức mới, và quan trọng là khá tốn kém. Nên chỉ mới dừng ở việc yêu thích và mê xem các video người ta làm bể thủy sinh trên Tiktok".
Huy Long (SN 1993, Hà Nội) cho biết: "Hồi sinh viên, mình từng tự tìm tòi và lắp đặt bể thủy sinh tại nhà. Hồi ấy mê lắm và giờ mình vẫn ở trong các hội nhóm chơi bể thủy sinh. Cũng thấy vui vui vì giờ các bạn trẻ Gen Z cũng thích thú với bộ môn này. Nhiều bạn cũng hỏi làm thế nào để xây một cái bể thủy sinh mini nhỏ xinh để bàn làm việc với chi phí không quá cao".
Bể thủy sinh mà Long thực hiện tại nhà
Bể sau khi đã hoàn thiện
Thế nhưng, nếu tìm hiểu kỹ càng hơn, bạn sẽ nhận thấy với ngân sách ít ỏi, chỉ từ khoảng 250.000 đồng, là bạn sẽ có được một chiếc bể thủy sinh mini xinh yêu để ở bàn làm việc.
Bể thủy sinh là gì?
Một bể thủy sinh hay còn có tên gọi khác là hồ cá thủy sinh đúng chuẩn phải là nơi mà cá, các động vật sống trong nước và các loại cây sống dưới nước có thể tự sinh trưởng và phát triển tốt. Bể thủy sinh không nhất thiết phải có kích thước lớn. Kích cỡ của bể có thể rất đa dạng, từ một lọ nhỏ, một bể kính, hoặc một tòa nhà lớn với một hoặc nhiều các bể lớn.
Chi phí tự lắp đặt bể thủy sinh
Chi phí cho việc lắp đặt một bể thủy sinh sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. So với việc làm 1 bể nuôi cá thông thường thì bể thủy sinh có chi phí cao hơn. Chi phí này gồm hai phần chính:
- Chi phí cho lắp đặt tuỳ thuộc vào kích thước bể, bể càng lớn chi phí càng cao. Chi phí này bao gồm: bể và chân, cá, hệ thống đèn chiếu sáng, nền trồng cây, hệ thống lọc nước, hệ thống Co2, cây thủy sinh, gỗ hay đá để trang trí.
- Chi phí cho việc chăm trồng cây bao gồm tiền điện, nước, dinh dưỡng bổ sung (phân nước – nhét), hay là tiền mua cây mới thay thế cây cũ hay cây chết, tiền nạp CO2 , tiền thay cá chết, tiền mua bóng đèn thay mới…
Từ đó, bạn có thể tự tính toán chi phí cho một chiếc bể mini để bàn đơn giản. Bể có kích thước nhỏ thì giá chỉ từ 45.000 đồng/bể. Bộ lọc nước mini giá từ 60.000 đồng (một số loại bể nhỏ thậm chí không cần đến lọc nước). Đèn chiều sáng giá từ 65.000 đồng. Mới bắt đầu bạn nên chọn những loại cá khỏe, dễ nuôi như cá sọc ngựa, cá bảy màu,... Những loại cá này cũng rất rẻ, chỉ từ 5.000 đồng/đôi.
Các chi phí khác không quá đắt khi bạn dùng cho bể cá nhỏ như phân nền, sỏi, cát, cây thủy sinh, dinh dưỡng bể, thức ăn cho cá,...
Những vật dụng cần thiết cho bể thủy sinh
- Bể trồng cây thủy sinh.
- Nền trồng cây thủy sinh.
- Dinh dưỡng (hay phân bón) với liều lượng vừa đủ để cung cấp cho cây.
- Ánh sáng.
- Hệ thống lọc nước.
- Liều lượng O2 và CO2.
Kích thước bể thủy sinh mini
Hồ thủy sinh mini rất phong phú về hình dạng và size. Những người mới đầu chơi thường hay sử dụng những bể dạng hình tròn trụ và hình tròn trụ. Hoặc bạn có thể lựa chọn những bể dạng vuông hay còn gọi là hồ cubic để lắp đặt một bể thủy sinh mini
Kích cỡ bể rất quan trọng vì nó ảnh hưởng tác động đến việc số lượng cây thủy sinh bạn muốn trồng và các loại cá cảnh mà bạn có thể nuôi được ở trong bể. Một chiếc bể mini có kích thước khoảng 18x12x15 (hồ nằm), 15x12x18 (hồ đứng) có giá chỉ từ 45.000 đồng/bể.
Phụ kiện cơ bản để làm bể thủy sinh gồm bộ lọc nước, mạng lưới hệ thống CO2 (nếu bể bạn trồng những cây có nhu yếu CO2 cao, nếu không bạn có thể bỏ qua để tiết kiệm chi phí), đèn chiếu sáng.
Hướng dẫn các bước lắp đặt bể cá mini đơn giản
Bước 1: Chuẩn bị dụng cụ, nguyên vật liệu để làm bể cá
Bể cá mini thường có dung tích từ 2 – 10 lít. Ngoài bể cá, bạn cần chuẩn bị một số nguyên vật liệu sau:
- Cá cảnh
- Cây thủy sinh
- Đất trồng cây, sỏi, đá, cát
- Phân vi sinh
- Bóng đèn
- Bộ lọc nước
Bước 2: Làm nền cho bể
Nền của bể thủy sinh có thể làm đơn giản bằng cách trải một lớp phân nền xuống dưới đáy bể. Sau đó bạn trang trí tùy ý bằng sỏi, cát, đá cuội,... Trước khi trải bể, bạn phải rửa các loại sỏi, đá,... này bằng nước sạch, không dùng xà phòng vì có thể gây độc cho cá.
Bước 3: Trồng cây thủy sinh cho bể
Tiếp theo cắm từng cây thủy sinh xuống dưới lớp sỏi đã trải một cách nhẹ nhàng. Việc này đòi hỏi khéo léo để đảm bảo cây không bị gãy hay đứt rễ. Tùy thuộc vào ý thích của bạn, bạn có thể tự bài trí và sắp xếp vị trí của các loại cây trong bể cảnh để phù hợp và thẩm mỹ của bể cá mini.
Khi mua cây, bạn có thể xin cửa hàng cho một vài con ốc nhỏ. Thông thường người bán sẽ không tính phí cho vài con ốc nhỏ. Sử dụng ốc trong bể cá sẽ giúp kiểm soát các loại tảo.
Bước 4: Trang trí các chi tiết
Tiến hành trang trí các vật trang trí, tiểu cảnh trên bề mặt sỏi của bể cá. Những tiểu cảnh này sẽ giúp bể trở nên sinh động hơn nhưng lưu ý không chọn tiểu cảnh quá to so với kích thước của hồ cá.
Bước 5: Đổ nước vào bể
Khi đổ nước vào bể cá, cần tiến hành thật nhẹ nhàng để tránh tình trạng dòng nước chảy làm hư lớp nền sỏi trên bề mặt đáy bể. Đồng thời, điều này cũng có thể khiến nước trong hồ cá trở nên đục, không còn đẹp mắt. Nếu đang sử dụng nước máy, hãy đổ đầy bình chứa và để yên một lúc. Điều này cho phép clo bay hơi giúp cho cá khỏe mạnh hơn.
Bước 6: Lắp đặt đèn sáng, máy lọc nước
Nếu bể thủy sinh mini của bạn chỉ có cá hoặc cây đơn giản, bạn chỉ nên sử dụng 0,5W ánh sáng cho mỗi lít nước. Bạn có thể sử dụng đèn ống trắng hoặc đèn huỳnh quang. Không lựa chọn đèn có công suất lớn. Do cây thủy sinh quen mọc dưới nước với cường độ ánh sáng yếu nên nếu ánh sáng quá mạnh, nước bị nóng dẫn đến cây sẽ bị thối.
Máy lọc nước cho bể thủy sinh mini cũng chỉ nên dùng loại có công suất 2.5W - 3.5W. Trên thị trường có loại máy lọc thác, có thiết kế dòng nước kiểu nổ để tăng hàm lượng oxi trong bể.
Bước 7: Thêm cá vào bể
Sau khi bể cá được hoàn thiện và bắt đầu hoạt động 7 – 10 ngày, thông thường lúc này mới nên thả cá vì thả quá sớm có thể khiến cá dễ bị sốc với môi trường mới. Đồng thời, thả cá sớm cũng gây ảnh hưởng đến hệ môi trường trong bể.
Bể cá mini có thể thả tối đa bốn hoặc năm con cá vào một bể, nhưng hầu hết các bể mini chỉ có một hoặc hai con. Các loài cá nhỏ phù hợp bể cá mini như cá tuế, cá bảy màu, cá neon xanh, cá sọc ngựa…
Ưu điểm của bể thủy sinh mini
Tiết kiệm chi phí
Ưu điểm đầu tiên phải kể đến khi lắp đặt bể thủy sinh mini đó là tiết kiệm chi phí. Bạn nên đến các cửa hàng chuyên cung cấp, thiết kế, và lắp đặt hồ nuôi cá cảnh để lựa chọn cho mình một chiếc bể thủy sinh mini có hình dáng và kích thước mình thích.
Di chuyển dễ dàng
Với kích thước nhỏ nhắn, bạn có thể dễ dàng di chuyển bể đến những vị trí khác nhau để thay đổi không gian. Hơn nữa, cách làm bể thủy sinh mini không cần phải lắp đặt cố định nên có thể nâng lên và đặt ở những vị trí mà mình muốn, chẳng hạn như đặt ở bàn học rồi chuyển đến bàn làm việc, phòng khách hay bất cứ nơi nào trong không gian của bạn.
Tiết kiệm không gian
Dù có đặt hồ cá cảnh mini ở các vị trí khác nhau, hồ cá cảnh cũng không làm ảnh hưởng đến không gian của ngôi nhà. So với những hồ cá cảnh có kích thước lớn như bể cá cảnh treo tường hay các loại bể cá cảnh khác, bể cá cảnh mini giúp tiết kiệm không gian hơn mà vẫn làm thỏa mãn niềm đam mê với thú vui chơi cá cảnh của bạn.
Lắp đặt đơn giản
Các loại hồ có kích thước lớn, nuôi nhiều loại cá và cây thủy sinh, cần phải lắp đặt các hệ thống CO2, lọc nước, hệ thống sủi O2, cung cấp ánh sáng… có công suất lớn. Bể thủy sinh mini không cần phải lắp đặt các hệ thống phức tạp như vậy.
Vệ sinh, chăm sóc đơn giản, dễ dàng
Bể cá mini tự làm có kích thước nhỏ nên chăm sóc, vệ sinh không quá khó khăn và nhanh chóng. Việc thay nước cũng được thực hiện dễ dàng, một số bể có kích thước khiêm tốn thì không cần phải sử dụng bộ lọc nước.