Dân tình từng xôn xao với những hình ảnh thiết kế của cầu kính Rồng Mây Sa Pa, giờ đây, công trình này đã chính thức đi vào hoạt động.
Ngày 16/11, cầu kính được mệnh danh cao nhất Việt Nam ở thời điểm hiện tại đã chính thức khai trương. Cây cầu mang tên Rồng Mây nằm tại vị trí Cổng Trời thuộc đỉnh đèo Ô Quy Hồ, địa phận huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu.
Cầu kính Rồng Mây thuộc quần thể khu du lịch mạo hiểm gần thị trấn Sa Pa, Lào Cai, điểm du lịch nổi tiếng hàng đầu khu vực phía bắc, do đó thu hút khá đông du khách ghé thăm trong ngày đầu khai trương. Liệu thực tế chiếc cầu kính này có ảo diệu như trên bản thiết kế?
Hình ảnh cầu kính trên thiết kế
Và những hình ảnh thực tế
Cầu kính được làm hoàn toàn bằng kính trong suốt, sàn kính lắp ghép bởi 3 lớp kính dày mỗi lớp hơn 2cm dán với nhau bằng lớp keo đặc biệt, tổng chiều dày mặt kính là 7cm đã được qua kiểm duyệt, thẩm định chặt chẽ. Cây cầu có lối đi rộng khoảng 5m với độ dài 60m tính từ buồng thang máy vào vách núi đá sa thạch dãy Hoàng Liên Sơn và dài 600m bám ven vách núi cao 2.200m so với mặt nước biển và 548.5m so với độ cao khe núi của đỉnh dãy Hoàng Liên Sơn.
Nó có thể chịu được sức nặng của 3.000 người cùng lúc nhưng để đảm bảo an toàn, chủ đầu tư chỉ cho phép tối đa 500 người được lên cầu đồng thời. Đứng trên cầu kính, khách du lịch sẽ có cảm giác lững lờ chứng kiến độ sâu hun hút bên dưới, hay phóng tầm mắt ra xa, thưởng ngoạn khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, và cảm nhận được gió ào ạt thổi, mây vần vũ bay… của “Tứ đại đỉnh đèo” – một cảnh sắc ngoạn mục xuất hiện dưới con mắt du khách tự nhiên nhất có thể. Cây cầu này không thực sự dành cho những người yếu tim.
Công trình cầu kính bao gồm lối đi vào từ lòng núi lên hệ thống thang máy dài 70m, thang máy lên cầu kính cao 300m và mặt cầu vươn xa từ vách núi ra 60m. Cầu kính có hình tròn, với 4 hành lang ở 4 phía, trong đó có 3 hành lang bằng kính và 1 hành lang dẫn lên khu vực vui chơi phía trên.
Tổ hợp khu vui chơi giải trí của khu du lịch mang đẳng cấp quốc tế bao gồm các hạng mục như hệ thống thang máy lồng kính. Bên cạnh đó còn có những trò chơi mạo hiểm như nhảy bungee, cáp trượt, nhảy dù, kinh khí cầu, vòng xoay mặt trời… sẽ mang lại những chuyến phiêu lưu đầy thú vị.
Giá vé đi lên cầu kính là 400.000 đối với người lớn và 200.000 với trẻ em. Ngoài ra, giá của các trò chơi ở đây đều được niêm yết rõ ràng: nhảy Bungee 1.000.000, dù lượn 900.000, du lịch sinh thái 700.000, leo núi 500.000, trượt Zipline 500.000, ngắm Thác Trắng 100.000...
Công trình trị giá khoảng 200 tỷ, là con đường nhanh nhất đưa du khách lên khu vui chơi giải trí trên đỉnh núi, ước tính du khách chỉ mất 1,5 phút để lên đỉnh núi thay vì phải đi đường bộ ít nhất mất 3 tiếng đồng hồ.
Một số lưu ý với khách tham quan:
- Không nên đi sát lại phần hành lang cầu kính vì phần lan can này không quá cao, nếu không cẩn thận có thể bị trượt tay, trượt chân gây nguy hiểm.
- Nên xỏ đôi bao chân đã được chuẩn bị trước để tránh làm xước mặt kính.
- Nếu bạn cảm thấy quá sợ hãi, hãy nhờ một người nhân viên hướng dẫn đi cùng để tránh hoảng loạn. Một số người vì mất bình tĩnh có thể không kiểm soát và đảm bảo được độ an toàn cho bản thân.
- Không nên ở lại trên cầu kính quá muộn vì trời tối sẽ rất khó di chuyển, việc đi từ khu du lịch này về thị trấn Sa Pa cũng sẽ khó khăn hơn (nếu bạn đi từ Sa Pa) vì gần như tất cả đều là đường đèo nhiều khu cua, một bên là vực, dễ xảy ra tai nạn.