Bề ngoài “nhũn nhão”, “nhung nhúc” của chúng khiến nhiều người không khỏi khiếp sợ. Tuy nhiên, hương vị của chúng sau khi được chế biến lại thơm ngon bất ngờ.
Nền ẩm thực Việt Nam có không ít món ăn kinh dị làm từ sâu bọ khiến thực khách đều “nổi da gà” khi lần đầu nhìn thấy. Thế nhưng nếu nếm thử 1 lần, chắc chắn bạn sẽ mê ngay hương vị thơm ngon của chúng.
Tằm sắn tươi là loại tằm thường được nuôi lấy tơ, sau khi vào kén sẽ thành những chú tằm sun mũm mĩm, béo tròn.
Thoạt nhìn, tằm sắn chẳng khác nào một loài sâu khổng lồ nhưng thực chất, chúng chính là 1 món vừa ăn sạch vừa bổ dưỡng.
Để sơ chế, người ta đem tằm thả vào chậu đầy nước rồi khuấy đều cho hết bẩn, sau đó thả tằm vào trần qua nước sôi, chúng sẽ nhả hết tơ và duỗi thẳng người ra. Tằm được bỏ vào chảo rang cùng với muối, đảo luôn tay để tránh bị khét. Khi những con tằm đã săn lại thì múc tằm ra đĩa.
Con tằm rang khéo có mầu vàng bóng đẹp mắt, khi ăn có vị ngọt đậm, béo ngậy nơi đầu lưỡi. Món ăn từ loài tằm này khá phổ biến ở các tỉnh phía Bắc của Việt Nam.
Hiện, tằm sắn đã trở thành món ăn phổ biến ở Việt Nam. Người dân vì thế cũng chuyển sang nuôi tằm làm thực phẩm nhiều hơn. Tiêu biểu như ở xã Tam Đa, Tuyên Quang đã có hàng trăm hộ dân chuyên làm nghề nuôi tằm làm thực phẩm sạch, giá bán sỉ từ 60.000-80.000 đồng/kg.
Sâu chít là ấu trùng sống trong thân cây chít, cây đót hay cây le vào mùa đông. Loài sâu này có chiều dài khoảng 35mm.
Sâu chít là tên gọi thông dụng của người Kinh, có lẽ vì loài sâu này ký sinh trong cây chít nhiều và có chất lượng tốt hơn. người H'Mông gọi sâu chít là sâu song, người Dao gọi là sâu thau...
Sâu chít chính là món ăn đặc sản “có một không hai” ở Việt Nam, chỉ có ở một số vùng núi phía Bắc như: Lạng Sơn, Điện Biên, Sơn La. Đối với người dân Tây Bắc, sâu chít là niềm tự hào về sản vật đặc biệt của địa phương.
Sâu chít tươi còn nguyên trong ngọn cây chít thường được bán với giá 95 nghìn đồng/bó100 ngọn (tương đương 100 con sâu).
Sá sùng hay còn gọi là con trùn biển (sâu đất, địa sâm) sống nhiều ở những bờ biển thuộc Quảng Ninh như Vân Đồn, Quan Lạn. Đây được xem là món ăn đặc sản có giá đắt như vàng, 1kg sá sùng có giá khoảng 4 triệu đồng.
Với người "yếu bóng vía", khi nhìn sá sùng tươi hẳn sẽ không khỏi giật mình vì chúng trông giống như những con giun khổng lồ. Khi còn tươi, sá sùng có độ dài khoảng 5 đến 10cm, thân mềm oặt, màu hồng nhạt, khi bị bắt lên khỏi mặt biển chúng sẽ thu mình lại.
Cứ mỗi mùa sùng đất, người dân Quảng Nam, Quảng Ngãi lại tranh thủ săn “lộc trời cho “này. Chúng thường sống ở các bãi bồi ven sông hoặc tại các vùng đất pha cát, nhiều lá mục, nơi có đất ẩm thấp ở trung du, miền núi...
Một con sùng đất trưởng thành to bằng ngón tay út người lớn, có màu trắng ngà, trắng xanh hoặc vàng. Phần đầu, chân và càng của chúng có màu nâu đậm hơn, giống như cánh gián. Các đốt trên cơ thể sùng đất đều có lông tơ dạng móc câu.
Có vô vàn món ngon được chế biến từ sùng đất như luộc, rang hay băm nhỏ đúc bánh xèo… nhưng dậy mùi và giữ được hương vị vốn có của sùng nhất vẫn phải kể đến món sùng nướng muối ớt.
Sâu măng là đặc sản của người Mường Lát (Thanh Hóa). Mùa sâu măng thường vào tháng 9, 10 vì đây là thời điểm sâu béo nhất. Sâu măng mùa này thường to bằng đầu đũa, thon dài xấp xỉ 2 đốt ngón tay, màu trắng đục.
Tuy là món ăn dân dã nhưng sâu măng lại khá hiếm nên giá khá đắt, lên tới 200 nghìn đồng/kg. Sâu măng xào có hương thơm đặc trưng, vị ngọt béo, ngầy ngậy và giòn.
Sâu muồng là loại sâu dễ tìm thấy trên các vườn, rẫy cà phê. Loại sâu này thường ăn lá muồng, sống trên cây muồng và là đặc sản phổ biến ở Tây Nguyên.
Sâu muồng có màu xanh đậm, lưng màu nâu vàng. Từ tháng 3, tháng 4 là lúc người ta đi "săn” sâu muồng về ăn. Nhộng sâu muồng khá giống với nhộng tằm nhưng thơm hơn. Khi rang chín, nhộng sâu muồng có màu vàng ươm, mùi thơm như châu chấu rang, vỏ ngoài giòn, bên trong có vị ngậy, béo và bùi.
Sâu, nhộng muồng thường được bán ngay tại vườn ở Tây Nguyên với giá 70.000 – 80.000đồng/kg.
Tuy nhiên giá sâu muồng đang ngày càng tăng, nhiều người đã phải đặt mua đặc sản này với giá đắt đỏ từ 170.000 đồng/kg trở lên.
Trong số các món từ sâu, sâu khoai cũng là “mồi nhậu” khoái khẩu của cánh đàn ông.
Sâu khoai cũng được chế biến thành nhiều món ăn, với những người thích cảm giác mạnh thì có thể ăn sống với những con sâu còn… ngoe nguẩy. Nếu bạn thích cảm nhận hương vị béo ngậy, bùi bùi thì có thể chiên hoặc xào sâu khoai.
Ghé thăm làng nghề Như Xuân (Nghệ An), bạn sẽ khám phá ra một điều thú vị là nhộng tằm không chỉ có công dụng để ươm tơ dệt lụa mà còn góp mặt trong nhiều món ăn tại đây.
Đặc sắc nhất phải kể đến món nhộng tằm xào lá chanh thơm ngon khó cưỡng. Cắn miếng nhộng, cảm nhận vị bùi béo xen lẫn vị cay the, ngấm hương lá chanh thơm lừng, thực khách càng thưởng thức càng dễ bị "nghiện".
Ngoài ra khi về xứ Nghệ, bạn có thể thưởng thức thêm nhiều món như nhộng tằm rang muối, xào lá lốt, chiên giòn...
Xem thêm: Đặc sản làm từ nội tạng: 2 món Tây gây thương nhớ, 3 món Việt gây sợ hãi nhiều người