Loại cây từng được xem như cỏ dại giờ lại được coi như đặc sản trời ban, ăn tươi thì ngon hết sảy, muối chua lại ngon miễn bàn.
Điểm chung của hầu hết các loại đặc sản Cà Mau là sự dân dã mộc mạc. Con tôm khô, con khô cá sặc... đến bây giờ là cỏ bồn bồn cũng vẫn là nguồn gốc từ tự nhiên.
Thu hoạch bồn bồn ở Cà Mau
Bồn bồn thuộc loại cây cỏ, dân địa phương hay gọi là cỏ nến. Ngày trước, tại vùng đồng chiêm nước ngập quanh năm nhiễm phèn, ven mé ao đìa sông hồ hay mọc lên những khóm cỏ xanh tốt hình dáng giống như cây lúa. Vậy nên, người ta còn xem bồn bồn là loại cỏ dại đặc trưng cùa vùng sông nước miền Tây. Sau này phát hiện ra khả năng chịu mặn và giá trị kinh tế đặc biệt, bồn bồn được nhân trồng rộng rãi ở các vùng Cà Mau.
Bồn bồn muối chua của chị Phạm Hửng. Khác với thông thường, chị muối cùng cánh sen
Trên diễn đàn ẩm thực, chị Phạm Hửng chia sẻ về món đặc sản Cà Mau quê mình là món bồn bồn muối chua khiến nhiều người phải thèm thuồng.
"Dân quê mình, trong bữa cơm bình dân hay sang trọng đều có món dưa bồn bồn được muối từ nước vo gạo ăn rất ngon và bắt cơm. Bồn bồn muối lên men chua tự nhiên, chấm với mẻ cá kho thì thật sự ăn căng cái bụng".
Bồn bồn muối cùng sen vừa thơm, vừa giòn
Theo chị Phạm Hửng, bồn bồn Cà Mau có vị ngọt mát, có thể chế biến nhiều món ngon như xào hoặc lẩu. Nhưng phổ biến và ưa chuộng nhất vẫn là món muối lên men tự nhiên.
Muối bằng nước vo gạo, với muối cục nấu sôi để nguội, ém bồn bồn xuống mặt nước tầm 3 ngày có thể dùng ngon rồi. Muối bằng nước vo gạo, dưa bồn bồn sẽ trắng và rất là ngon.
Ăn kèm cá kho thì hao cơm vô cùng
Khác với cách muối bồn bồn thường thấy, chị Phạm Hửng cho thêm cánh hoa sen vào muối chung. "Cho thêm hoa sen thì thơm thoang thoảng, cánh hoa sen được lên men tự nhiên ăn rất ngon và lạ miệng.", chị giải thích.