Người Mường có những đặc sản mà đảm bảo bạn chưa từng nghe đến!
Canh loóng
Đây là món canh được nấu từ nước luộc thịt với cây chuối rừng thái mỏng. Cây chuối rừng lấy về được bóc vỏ ngoài lấy nõn thái mỏng, nhỏ bóp với muối sau đó thả vào nước luộc thịt đun trên bếp củi khoảng 30 phút. Sau đó rắc vào một ít hạt dổi nướng giã nhỏ và lá lốt rừng thái mảnh trước khi ăn.
Nậm pịa
Món ăn được coi là hôi nhất xứ Mường là "nậm pịa". Đây cũng là một món ăn đặc trưng của dân tộc Thái ở khu vực Mai Châu (Hòa Bình). Nguyên liệu chính để chế biến món này là nội tạng của động vật. Sau khi thịt con vật, người ta sẽ chọn phần ngon nhất như sụn, cuống tim, thịt nạc, thịt bạc nhạc và tiết. Tất cả nội tạng như lòng, tiết, tim gan, phèo, phổi được đem ninh nhừ.
Nậm pịa có màu xanh rêu, mùi thum thủm của phân non, vị đắng của gia vị. Khi ăn sẽ cảm thấy vị dai của sụn, vị bùi của thịt hòa lẫn với mùi đặc trưng của hạt mắc khén. Theo người dân nơi đây, nậm pịa có khả năng giúp cơ thể tiêu độc, giải rượu và giúp cho việc tiêu hóa thuận lợi.
Măng đắng
Măng ngon là thứ mầm cây thuộc họ tre, trúc, mai, vầu, sặt, nứa mới nhú khoảng 1-2 đốt ngón tay trở xuống, phần thân còn lại ngập trong đất. Khi bóc bẹ ra, thân măng trắng muốt, nuột nà.
Muốn có món măng đắng ngon phải chọn những mầm măng sặt mới nhú lấy củi nướng cho đến khi măng cháy xém, quắt lại bóc dần từng bẹ chấm vào gói chẩm cheo gồm muối, ớt, lá gừng, mắc khén, lá tỏi và củ tỏi giã nhỏ. Khi ăn, ta sẽ cảm nhận được vị đắng ngọt của măng, vị mặn của muối, vị cay nồng của ớt, vị cay ấm của lá gừng, vị cay tê của mắc khén, vị cay rát của tỏi cùng hương vị đặc trưng của nước măng chua và cây măng nướng.
Cá Ốt đồ
Trên mâm cỗ của người Mường (Hòa Bình) vào những dịp lễ Tết, không bao giờ thiếu món cá Ốt đồ. Món ăn này có cách chế biến gần giống với cá hấp ở dưới xuôi nhưng thời gian nấu lâu hơn khá nhiều. Nồi hấp cá được người Mường gọi là cái Ốt, có hình dáng tương tự cái chõ và cách làm chín bằng hơi ấy được người Mường gọi là đồ, giống như kiểu đồ xôi. Có lẽ đó là lý do mà cái tên cá Ốt đồ ra đời.
Cá sau khi được bắt dưới ao lên, được đánh vẩy, bỏ ruột, xát muối cho thật sạch nhớt rồi đem ướp với các loại gia vị như: muối, hạt tiêu, gừng, xả, ớt, hạt dổi chừng 30 phút cho ngấm sau đó đem trộn với thật nhiều măng, gói đùm vào lá chuối và đặt lên Ốt đồ từ 10 – 12 tiếng. Lẫn trong mùi thơm của khói củi là mùi hương hấp dẫn của cá và những gia vị đặc trưng mang đậm hương vị của sản vật núi rừng vô cùng hấp dẫn. Món cá Ốt đồ ngon và đạt yêu cầu là phải chín thật nhừ, mềm mà không được nát. Cả cá và măng quyện với những loại gia vị thơm nức mũi, mềm mà ngọt, nhai được cả xương.
Bánh uôi
Bánh uôi được coi là một tác phẩm văn hóa ẩm thực độc đáo của người Mường Hòa Bình. Có người tủm tỉm gọi nó là “bánh tình yêu”, có người lại gọi là “bánh đoàn kết”. Người Mường gọi “bánh uôi” là “peẻng uôi”.
Bánh uôi làm từ bột gạo nếp, trong có nhân thịt hành hoặc đỗ xanh. Thoạt nhìn, hình dạng bánh khá kỳ lạ và lý thú với hai phần giống hệt nhau như sinh đôi, tròn tròn, ngắn ngắn, xâu lủng lẳng vui mắt bằng một dây lạt mềm. Bánh uôi tượng trưng cho tình yêu thương và tinh thần đoàn kết, là loại bánh không thể thiếu trong mâm cỗ truyền thống của người Mường vào dịp Tết Nguyên đán.
Sâu măng
Chẳng biết thị hiếu thưởng thức côn trùng, sâu bọ rộ lên ở đâu chứ những món ăn này đã thành khoái khẩu của người Mường.
Ngó qua thân nứa hơi héo ngọn, u bướu là biết ngay có những chú sâu măng béo ngậy đang đục khoét trong đó. Sâu đem về ướp muối. Sau khi hành đã phi thơm trong chảo liền thả sâu vào đảo nhanh tay. Đến khi thân sâu trắng đã chuyển sang màu vàng nhạt như nắng hanh là có thể bỏ nhúm lá chanh thái chỉ vào để tạo thêm mùi vị hấp dẫn.
Nhưng ăn sâu măng như thế thôi chưa đủ, còn phải thưởng thức cùng với rượu sâu măng mới thú. Chỉ những lần bắt được sâu măng béo ngậy, chủ nhà mới thả vào bình rượu ngâm để dùng trong những dịp đón khách quý.