Theo quan niệm của người Lô Lô, trong đêm giao thừa nếu ai đó mang về nhà được một chút gì cho năm mới sẽ gặp nhiều may mắn, làm ăn phát đạt. Do đó, họ thường đi lấy trộm những thứ nho nhỏ, ít giá trị như củ tỏi, củ hành, thanh củi… để cầu may.
Việt Nam nổi tiếng là đất nước với đa dạng bản sắc, mỗi dân tộc lại có nét văn hóa riêng, góp phần làm phong phú, đa dạng các phong tục tập quán Việt Nam. Đặc biệt, những lễ nghi, tục lệ của các dân tộc sẽ thể hiện rõ nhất vào các dịp như Tết Nguyên đán, mùa thu hoạch…
Ngay đêm giao thừa, sau khi thắp hương, dâng lễ lên bàn thờ tổ tiên, ông bà, người Kinh thường đến đến chùa chiền cầu may, xin lộc. Còn người dân tộc Lô Lô - sống chủ yếu ở Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu lại có phong tục ăn trộm lấy may. Đây là phong tục truyền thống, được nhiều thế hệ lưu giữ cho đến ngày nay.
Tập tục này theo tiếng dân tộc gọi là “khù mi” tức là "ăn cắp chơi" hay "ăn cắp lấy may".
Người Lô Lô cho rằng trong đêm giao thừa nếu ai mang về cho gia đình mình một chút gì đó thì năm mới gia đình sẽ gặp được nhiều tốt lành, làm ăn phát đạt. Người Lô Lô thường lấy trộm củ tỏi, củ hành, thanh củi nhỏ, cây rau mang tính tượng trưng. Vì là “đi trộm lấy may” nên không được công khai mà phải lén lút để khi trộm chủ nhà không bắt được. Thế nhưng, nếu bị chủ nhà phát hiện thì cũng không sao. Do người Lô Lô sống ở nước ta dân số khá ít, họ thường sống theo bản, buôn nên tất cả người trong khu vực đều biết mặt nhau nên họ hiểu về phong tục tập quán này.
Đối với người Lô Lô việc thờ phụng ông bà tổ tiên rất quan trọng.
Đối với người Lô Lô sống ở huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang thì họ thường sẽ lấy trộm mỗi thứ 12 cái, tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Nếu chưa lấy được đủ con số 12 mà đã bị phát hiện thì sẽ phải bỏ chạy và năm sau phải kiêng kỵ không được làm những công việc lớn vào tháng ứng với con số ăn trộm bị phát hiện.
Còn đối với người Lô Lô ở Lũng Cú thì kiêng chuyện nhổ trộm tỏi mà bị đứt vì họ cho rằng như thế sẽ gặp điềm gở, không tốt trong năm mới. Nếu chẳng may nhổ không đứt thì họ sẽ không cố nhổ lên nữa mà sẽ bỏ đi ngay, tìm “vận may” khác.
Trong cuộc trộm đêm giao thừa, thực ra chẳng có kẻ thắng người thua, chỉ có người may mắn, kẻ kém may, nhưng tất cả dù may hay kém may thì cũng đều vui vẻ, bởi họ đi ăn trộm chỉ để lấy may, một thú vui ngày xuân đã thành tập tục không thể thiếu của bà con dân tộc Lô Lô.
Điều thú vị là người đi lấy may không đi công khai, không rủ nhau đi, càng không muốn chủ nhà bắt được. Họ cứ âm thầm, lặng lẽ đi, có gặp người quen cũng không chào, coi như không hề quen biết.
Người Lô Lô sống trên các cao nguyên đón Tết rất giản dị, gần gũi, có một số nét tương đồng với người Kinh như cúng cơm tổ tiên ông bà vào đêm giao thừa, dọn sạch rác trong nhà như một hành động vứt bỏ xui xẻo...
Từ hôm 27-29 tháng Chạp, mọi nhà đều quét dọn nhà cửa sạch sẽ, dọn tất cả rác thải trong gia đình đến nơi tập kết. Với ý nghĩa vứt bỏ những sự xui rủi của năm cũ và chuẩn bị đón tài lộc, may mắn ở năm mới.
Trong buổi chiều ngày cuối cùng của năm, theo phong tục, người Lô Lô thường tổ chức bữa cơm sum họp của cả nhà. Bên cạnh đó, đây cũng là ngày “niêm phong” tất cả những gì thuộc về gia đình. Từ cái cuốc, cái xẻng, cái rựa, cái cày, cái bừa, cây cối quanh nhà, chuồng trại... đều được dán giấy quét màu vàng hay màu bạc để các vật này được "nghỉ Tết" và con người không được chạm đến hay di chuyển đi nơi khác.
Khoảnh khắc quan trọng nhất là đêm giao thừa, tất cả mọi người trong bản đều thức giấc, họ cùng nhau quây quần bên bếp lửa, nồi bánh chưng, tâm sự về cuộc sống. Người trẻ ra đầu ngõ cùng nhau vui chơi, quây quần chờ tiếng gà gáy.
Theo phong tục, người Lô Lô đón giao thừa bắt đầu từ tiếng gà gáy đầu tiên trong bản. Bất kể là gà nhà ai, miễn là ở trong làng có một con gà cất tiếng gáy đầu tiên là chủ gia đình gọi mọi người đón mừng năm mới. Chủ nhà thắp hương lên bàn thờ, quỳ lạy cúng khấn tổ tiên, mời các cụ trong dòng họ qua các đời về với con cháu ăn Tết. Mỗi thành viên trong gia đình lại đảm nhận vai trò, người đi gánh nước, người thì cho lợn ăn, khua hết các con vật dậy, tiếng heo kêu, chó sủa, ngựa hí vang lên khắp nơi, náo nhiệt cả làng.
Theo tập quán, dù ai đi bất cứ đâu, làm bất cứ nghề gì, hàng năm mỗi khi Tết đến đều mong muốn trở về sum họp gia đình và tạ ơn tổ tiên. Người Lô Lô có câu: "Sống nhớ về tổ tiên, mồ mả chứ không phải sống vì món ăn", cho nên Tết là dịp để con cái trong gia đình về quê sum họp, buộc có mặt trong đêm giao thừa.