Thời gian gần đây, những bộ phim Việt hóa nhận được sự yêu thích và quan tâm lớn từ người xem. Tuy nhiên, đây là điều đáng mừng hay đáng lo?
Những bộ phim Việt mang kịch bản ngoại gây sốt
Gần đây, Người phán xử và Sống chung với mẹ chồng lên sóng đã gây nên cơn sốt chưa từng có của phim Việt. Từng câu thoại, từng nhân vật trong hai bộ phim này trở thành chủ đề tranh luận, bàn tán ở khắp các báo và các trang mạng xã hội. Những diễn viên tham gia hai bộ phim này đều trở nên "đắt sô".
Khán giả vui mừng vì đã xem được những bộ phim Việt hấp dẫn và chất lượng. Tuy nhiên, điều đáng buồn là cả hai bộ phim này đều được Việt hóa từ kịch bản nước ngoài. Bộ phim Sống chung với mẹ chồng được phóng tác dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Trung Quốc – tác giả Giả Hiểu. Còn Người phán xử có nguyên tác là từ phim hình sự của Isarel.
Không khó để tìm thấy những bộ phim Việt có kịch bản ngoại gây sốt trong thời gian gần đây như: Yêu - từ The Love of Siam của Thái Lan, Em là bà nội của anh - từ Miss Granny của Hàn Quốc, Bạn gái tôi là sếp - từ ATM Er Rak Error của Thái Lan... Kịch bản ngoại như trở thành “cái tem bảo hành chất lượng” đảm bảo sức hút cho những bộ phim Việt hóa.
Hàng loạt bộ phim Việt hóa đang chờ ra mắt
Tiếp nối cơn sốt của những bộ phim Việt kịch bản ngoại trước đó, những dự án phim Việt hóa sắp ra mắt nhận được nhiều sự quan tâm và chờ đợi của người xem. Bộ phim hài Sunny đình đám của Hàn Quốc đang được đạo diễn Nguyễn Quang Dũng tuyển diễn viên để làm lại dưới cái tên Ngựa hoang. My sassy girl của Hàn Quốc cũng được Việt hóa dưới cái tên Cô nàng ngổ ngáo.
Cũng trong dòng chảy Việt hóa phim Hàn, nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh đã quay xong bộ phim Sắc đẹp ngàn cân có nguyên tác là phim 200 pounds beauty. Yêu đi đừng sợ do Ngô Kiến Huy và Nhã Phương đóng cặp thì được Việt hóa từ bộ phim điện ảnh ăn khách của Hàn Quốc - Spellbound được nhiều khán giả mong chờ.
Với thị hiếu ngày nay, kịch bản phim Hàn nhận được nhiều sự yêu thích của người xem. Tuy nhiên, những nhà làm phim Việt đang mở rộng việc mua bản quyền những bộ phim ăn khách của Hàn, Nhật, Thái… Đương nhiên là những bộ phim của láng giềng Trung Quốc cũng nhận được sự quan tâm lớn. Bộ phim Ân oán tình đời dự kiến ra mắt vào cuối năm 2017 được mua bản quyền từ bộ phim truyền hình Cô dâu bạc triệu từng gây sốt của Đài Loan.
Dàn diễn viên trong bộ phim "Ân oán tình đời"
Bộ phim Glee phiên bản Việt sắp ra mắt người xem. Tuy nhiên, bộ phim này nhận "nhiều gạch đá" và sự phản đối của fan bản Mỹ. Các fan cho rằng các nhân vật được chọn chưa gần với nguyên tác và giọng hát của các diễn viên tham gia bộ phim là một điều rất đáng lo. Tuy nhiên, một số lượng lớn người xem vẫn muốn chờ phim lên sóng mới đưa ra đánh giá.
Nên mừng hay nên lo?
Nhiều khán giả lạc quan cho rằng phim Việt đang khởi sắc vì có những bộ phim gây sốt cực điểm. Tuy nhiên, nhìn ra xa hơn thì có thể thấy rằng, phim Việt vẫn đang tạm thời dậm chân tại chỗ. Kịch bản thuần Việt đã vắng bóng trên “thị trường” cả về số lượng và sức cạnh tranh. Kịch bản chiếm tới 60% sự thành công của phim nhưng nhà sản xuất tìm “đỏ mắt” vẫn không thấy “ngôi sao sáng” trong những kịch bản của biên kịch Việt.
Cảnh trong phim "Sống chung với mẹ chồng"
Việc sử dụng kịch bản ngoại là nhằm đảm bảo doanh thu cho phim mà quên đi sự khuyến khích sáng tạo cho phim Việt. Trong những kỳ liên hoan phim hoặc các giải thưởng mang tính chuyên ngành, phim Việt sẽ lấy gì để tham gia tranh giải? Các nhà làm phim Việt sẽ lấy bộ phim nào để đi công chiếu ở nước ngoài?
Cảnh trong phim "Người phán xử"
Bên cạnh đó, việc Việt hóa chưa chắc đã đảm bảo được sự thành công của bộ phim. Thế giới kết nối ngày càng rộng rãi, khán giả đều có khả năng được xem phim nguyên tác trước khi xem bản Việt hóa.
Phim nguyên tác thường có kịch bản hay, mới mẻ; dàn diễn viên diễn xuất tốt và kinh phí đầu tư "khủng". Khi được Việt hóa, người xem thường thấy thất vọng và quyết định quay lưng lại với phim Việt bởi làm mất đi hình tượng của nguyên tác.
Kết
Phim Việt hóa chỉ là một giải pháp nhất thời để duy trì sự sống cho các nhà làm phim. Tuy nhiên, nếu nó trở thành lựa chọn hàng đầu và duy nhất thì sẽ khiến phim Việt rơi vào bế tắc. Biên kịch Việt cũng sẽ không được tạo điền kiện phát triển dẫn đến thị trường phim Việt “đói” kịch bản. Cái vòng luẩn quẩn đi mua bản quyền phim nước ngoài hoặc chỉ chuyển thể các tác phẩm văn học nổi tiếng thành phim sẽ kéo dài mãi.
Người Việt sẽ lấy gì để nuôi dưỡng tâm hồn mình và tự hào "khoe" với bạn bè thế giới về nền điện ảnh của nước nhà khi mà phim Việt chỉ toàn “chất xám” của người ngoài?