Xanh mặt với món "cua đá" và "sóc rừng" trên cung đường đèo từ Bắc Hà (Lào Cai) qua Xín Mần (Hà Giang) tưởng chừng như dài như vô tận.
Xanh mặt với món "cua đá" và "sóc rừng" trên cung đường đèo từ Bắc Hà (Lào Cai) qua Xín Mần (Hà Giang) tưởng chừng như dài như vô tận.
Rời dinh thự Hoàng A Tưởng ở Bắc Hà, chia tay Lào Cai, đoàn Famtrip Khảo sát du lịch Tây Bắc đi qua Hà Giang. Cung đèo từ Bắc Hà qua Xín Mần chỉ khoảng 40km với hơn 400 khúc cua, đoạn đường thẳng dài nhất không quá 40m, phần lớn phải “bò” lên và xuống dốc, tốc độ tối đa không quá 40km/h.
Cứ thế tay lái lụa trẻ quay vô lăng liên tục, hết phải rồi trái ngoằn nghèo đến tận địa phận tỉnh Hà Giang. Chặng này, trên xe khá nhiều bạn được thưởng thức ngay và liền món “cua đá” kèm với “sóc rừng” đến mụ mị cả người, có người xanh mặt mỗi khi nhắc lại đoạn đường “kinh khủng khiếp” ấy.
Sắc màu quyến rũ của hoa tam giác mạch níu chân bao lữ khách
Nằm ở độ cao 1.200 m so với mực nước biển, thảo nguyên Suôi Thầu rộng hàng trăm ha, chỉ cách trung tâm huyện Xín Mần, Hà Giang khoảng 6 km
Bức tranh sơn thủy hữu tình điểm xuyết bởi những thửa ruộng bậc thang, nương lúa, hàng cây xanh mơn man, mềm mại như dòng sông Chảy lượn quanh thảo nguyên
Con đường liên thôn dẫn lên thảo nguyên vừa được lát bê tông, tuy nhỏ nhưng sạch đẹp khang trang, lao xao hàng lau vẫy chào du khách về thăm
Dọc đường lên, bắt gặp điểm checkin vô cùng xịn sò, nơi các bạn trẻ thường ghé qua
Miền thảo nguyên mênh mông chạm đến tầng trời xanh ngắt buổi chiều đông, nắng ươm vàng màu mật
Nhưng bù lại, đến nơi vào buổi chiều hanh vàng, vùng cao miền biên viễn được sưởi thêm nắng ấm, xua bớt gió lạnh buổi chiều đông thổi tràn khắp thung lũng với bạt ngàn sắc hồng phai của những “cánh đồng” kiều mạch. Du khách thường gọi là hoa tam giác mạch, loài hoa biểu trưng cho tinh thần vượt khó và tình yêu son sắt của người dân vùng cao miền biên viễn.
Bên trái là đồng tam giác mạch vừa trồng, bên phải sắc màu đậm hơn, sắp đến vụ thu hoạch kiều mạch
Những khoảnh đồng hoa tam giác mạch mênh mông thoảng hương, khẽ lay lay vẫy chào du khách
Chợt văng vẳng đâu đó, "Nhà em ở lưng đồi, nơi chim rừng thánh thót, bầu trời xanh dịu ngọt, gió tràn về mênh mang..."
Gia đình người mẹ trẻ vùng cao Vàng Thị Pạ ở thảo nguyên Suôi Thầu, hân hoan đón chào du khách
Thường vào độ cuối thu đầu đông, Suôi Thầu bao phủ bởi màu hồng thuần khiết của hoa tam giác mạch, Vàng Thị Pạ quệt mồ hôi trán, tạm ngơi tay hồ hởi nói, bà con đang gieo hạt, non tháng nữa đến Tết, các anh quay lại chơi là đã có hoa tam giác mạch rồi, tha hồ chụp nhiều ảnh đẹp nữa, cô gái H’Mông mộc mạc gọi mời.
Xa xa nơi lưng chừng đồi, bà con đang làm đất và gieo hạt tam giác mạch
Ngay đầu con dốc, dám trẻ nhỏ cũng xôn xao khách đến
"Nhà em giữa nắng vàng, con suối tràn bờ đá, hương rừng thơm mùa hạ, đường chiều về quanh co..." (Nhà em ở lưng đồi - sáng tác Đức Trịnh, thơ Lê Tự Minh)
Làm đất và gieo hạt, hẹn lữ khách trở lại mùa hoa Tết
Cơn gió thoảng qua, cả cánh đồng hoa lay lay vẫy chào
Theo truyền thuyết, kiều mạch mọc lên từ mằn lúa và ngô nên bà con gọi là mạch, hạt có hình tam giác nên có tên Tam Giác Mạch từ đó. Loài hoa có thể sinh trưởng ngay cả trong môi trường tự nhiên khắc nghiệt, đất đai khô cằn với sức sống mãnh liệt. Chỉ cần gieo vài hạt giống có thể thu lại cả khóm hoa rực rỡ.
Sắc màu hoa kiều mạch (tam giác mạch) đặc trưng nhất với sắc trắng và hồng nhạt, càng về cuối mùa, sắc hoa càng thẫm màu chuyển sang đỏ sẫm là đến lúc thu hoạch kiều mạch.
Sắc màu hoa sẫm dần khi càng gần đến mùa thu hoạch
Những vạt hoa tam giác mạch rộng lớn, nở hồn nhiên tự tại nơi lung chừng trời, xung quanh là bao la mây núi
Lên tới đỉnh đồi là khoảnh hoa tam giác mạch hình trái tim ấm áp tình, bà con vùng cao đón chào du khách
Theo chân Thảo Nguyên, chuyên viên phòng văn hóa huyện Sín Mần đưa chúng tôi lên tít mít trên đỉnh đồi cao, nơi có thể ngắm nhìn toàn cảnh thung lũng.
Hoa tam giác mạch mùa này đang tỏa sắc, phô bày toàn bộ nét đẹp của mình. Hoa mọc theo từng cụm, từng khóm khắp cánh đồng chứ không giống như một số loài hoa đơn bông khác, mùi hương thoang thoảng nhẹ nhàng, mơn man khứu giác.
“Chính sự mỏng manh của những cánh hoa, hương thơm dịu nhẹ đã khiến cho người ta liên tưởng đến sự đẹp đẽ của tình đầu, mối tình thơ dại trong trắng, tinh khiết thuở mới yêu lẫn dại khờ…”, nói xong bất chợt Thảo Nguyên phá ra cười, thanh âm trong trẻo của cô gái miền sơn cước lanh lãnh, vang vọng mãi khắp cánh đồng hoa trôi xuống tận miền lòng chảo, và dường như cũng khiến cho đám tam giác mạch lay lay cúi rạp mình hưởng ứng.
Nụ cười tỏa nắng của bà con dân tộc miền sơn cước cho vụ mùa ấm no, sung túc
Dưới con dốc thoai thoải, xuôi dần xuống thung lũng, bà con vẫn đang vỡ đất gieo hạt; tiếng cười nói nô đùa bảng lảng cuốn theo từng cơn gió, trôi tuột xuống miền thảo nguyên bát ngát mênh mang…