Phía sau những người đàn ông tham vọng, "mải mê chinh chiến và yêu đương" trong phim Người phán xử là hàng loạt những người phụ nữ khổ đau, dằn vặt.
"Khổ" từ nhân vật chính đến nhân vật phụ
Không chỉ gây hiệu ứng lớn đối với người xem về những tình tiết ly kì, hấp dẫn, "Người phán xử" còn gây sốt bởi những tính cách, số phận nhân vật. Bên cạnh những nhân vật trung tâm là những đấng nam nhi đầy tham vọng về quyền lực thì hình ảnh người những người phụ nữ lại hiện lên đầy bất hạnh.
Đầu tiên, phải kể đến nhân vật bà Hồ Thu – phu nhân của "ông trùm" Phan Quân với cá tính điềm tĩnh, khéo léo, chịu đựng. Nói về vai diễn trong phim, nghệ sĩ Thanh Quý chia sẻ, việc hoá thân vào vai vợ "ông trùm" là một trải nghiệm khá thú vị đối với bà.
Nữ nghệ sĩ suy nghĩ rằng, khi người đàn bà sống cạnh người đàn ông quyền lực sẽ mang tâm thế biết trước những điều nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào đối với gia đình mình. Tuy nhiên, vì yêu thương chồng con nên bà vẫn cố chịu đựng mọi thứ.
Nghệ sĩ Thanh Quý và diễn viên Đan Lê.
Bà Hồ Thu ban đầu là người đàn bà nhẹ nhàng, nhẫn nại hết mình vì chồng con nhưng sống trong một môi trường đầy sự khắc nghiệt nên tính cách cũng dần trở nên cứng cáp, bản lĩnh hơn. Tuy nhiên, dù bản lĩnh đến đâu bà vẫn là phụ nữ. Vẫn trải nghiệm đủ cung bậc buồn đau, tuyệt vọng khi biết chồng ngoại tình, có con riêng, khi một mực bênh vực, tìm vị trí cho con trai mà trong lòng vẫn ý thức rõ nhược điểm, sự kém cỏi của đứa con mình.
"Người phán xử" là bộ phim đánh dấu sự trở lại sau nhiều năm vắng bóng trên màn ảnh của Đan Lê. Trong phim, Đan Lê vào vai Diễm My – vợ của Phan Hải. Diễm My từng là cô luật sư xinh đẹp, giỏi giang khiến Phan Hải "say như điếu đổ".
Nhưng rồi sau khi kết hôn, trong mắt Phan Hải, Diễm My dần trở nên nhàm chán so với chất ăn chơi, nổi loạn của mình. Sự hi sinh từ vợ không những không nhận được sự tôn trọng, quan tâm của Phan Hải mà chính người vợ ấy phải nhân về những nỗi ê chề, chứng kiến chồng hết cặp kè cô này lại dan díu cô khác.
Ngoài các nhân vật nữ chính, ngay đến tuyến nhân vật nữ phụ của phim như: Ngọc (bạn gái Lê Thành), Quyên (bạn gái cũ của Lê Thành), mẹ nuôi và em gái của Thành, Mỹ Hạnh (em gái Tuấn, Tú), Phan Hương (con gái ông trùm Phan Quân)... đều có nỗi khổ riêng.
Tính nhân văn từ nỗi bất hạnh
Xưa nay, phim Việt Nam vẫn hiển hiện hình ảnh khổ đau, đáng thương của những nhân vật nữ và như một nỗi đồng cảm, nhân vật trên phim càng khổ đau thì khán giả càng ám ảnh, rung động.
Trước câu hỏi: Phụ nữ vì đâu mà khổ? nữ nhà văn Di Li chia sẻ cùng chúng tôi: "Phụ nữ khổ một phần là do chính họ. Chính cái đức tính cam chịu, nhẫn nhịn làm cho họ khổ. Dù mạnh mẽ đến đâu, thì người phụ nữ vẫn là người sống thiên về tình cảm và "quan trọng hóa" tình cảm nhiều hơn đàn ông. Phụ nữ thời xưa hay thời nay vẫn vậy, họ đều có một đặc tính chung là sự hi sinh. Đó là điều mà không một ai có thể phủ nhận.
Bên cạnh đó, sự bất hạnh của phụ nữ cũng có một phần "góp sức" của chính tay những người đàn ông mà họ hết mực thương yêu, sẵn sàng cống hiến và hi sinh dựng nên. Đàn ông không ngoại tình thì cũng giả dối, vô tâm mà cái cốt lõi hiện diện sâu sắc thông qua bộ phim này chính là lòng tham vọng".
Một cảnh trong phim Người phán xử.
Hình ảnh người phụ nữ đau khổ từ tác phẩm văn học đến những tác phẩm truyền hình đã không còn xa lạ gì với khán giả, độc giả. Tuy nhiên, sự quen thuộc đó lại không hề nhàm chán mà ngược lại, mỗi số phận bất hạnh được khắc họa trên phim ảnh, văn chương lại nhận được những sự đồng cảm riêng, đặc biệt là đối với những khán giả, độc giả là các bà, các mẹ, các chị. Họ như thấy chính bản thân mình là một phần của nhân vật đó. Bởi, nỗi khổ của người đàn bà chung quy lại cũng quanh quẩn ở gia đình, đàn ông và con cái.
Nhiều người cho rằng, nên chăng cần thay đổi mô tuýp phụ nữ đau khổ bằng cách xây dựng những người phụ nữ hạnh phúc vì nhiều khi sự đau khổ làm lung lay niềm tin về hạnh phúc của người phụ nữ. "Về vấn đề này, nói đi cũng phải nói lại, niềm hạnh phúc là thứ ít được trọn vẹn, đặc biệt với người phụ nữ. Không có ai là hạnh phúc một cách viên mãn cả.
Mỗi người trong một giai đoạn nào đó của cuộc đời đều phải gặp những sống gió, trắc trở riêng và tất nhiên, không có một cuộc sống nào sẽ được trải đầy hoa hồng. Đặc biệt là người phụ nữ, khi bên cạnh họ là những lo toan từ gia đình đến xã hội, dù là vụn vặt nhất cũng khiến họ phải bận lòng, trăn trở", nhà văn Di Li nói.
Chị cũng chia sẻ thêm: "Nếu chú trọng xây dựng hình ảnh người phụ nữ hạnh phúc sẽ là phi lý khi ở đời thường họ không được hưởng niềm hạnh phúc trọn vẹn. Hơn nữa, một người phụ nữ hạnh phúc thì có gì đáng bàn?
Một người phụ nữ hạnh phúc hay một người phụ nữ bất hạnh đều đáng được tôn trọng nhưng có lẽ, sự bất hạnh của người phụ nữ lại khơi gợi nên niềm cảm thông sâu sắc, sự khích lệ trong lòng của khán giả. Rằng, không có niềm bất hạnh nào là mãi mãi, chính nỗi bất hạnh sẽ khiến họ trở nên kiên cường, mạnh mẽ để tiến bước về con đường hạnh phúc, đó mới là tính nhân văn cần được khơi dậy".