Tóp mỡ, khoai lang, trám đen, rau dại… những món ăn một thời chỉ nhà nghèo mới ăn nay lại trở thành món ăn khoái khẩu, là đặc sản được giới nhà giàu, người nhiều tiền săn lùng.
Hơn nửa triệu đồng/kg khoai lang xách tay từ Nhật
Không giống như khoai lang Nhật trồng ở Việt Nam đang bán với giá 20.000 – 30.000 đồng/kg, gần đây, giới nhà giàu lại rỉ tai về một giống khoai lang mới được “xách tay” từ Nhật ăn vừa dẻo vừa thơm. Tuy nhiên, là hàng xách tay nên khoai lang này khá hiếm và rất đắt đỏ.
Chị Ngọc Huyền, chủ một một hệ thống trái cây cao cấp ở TP.HCM cho hay, so với dòng thông thường thì khoai lang Nhật ăn vừa dẻo lại thơm nhưng không bị khô khi hấp hay nướng lên.
Một củ khoai lang Nhật xách tay có giá khoảng 500.000 đồng.
Hiện trên thị trường, giá khoai lang Nhật xách tay về đang được các cửa hàng hoa quả nhập khẩu bán với giá khoảng 500.000 - 750.000 đồng/kg.
Khoai lang Nhật trung bình nặng 600 - 700 g/củ, có loại to đến 1kg. Tính ra, mỗi củ có giá lên tới 500.000 đồng. Nên nhiều tiểu thương còn chia nhỏ, thái lát, luộc sẵn, ép vỉ thành 3 miếng/gói để bán.
Đắt đỏ là vậy, nhưng trung bình mỗi ngày, có cửa hàng vẫn bán ra 10 - 20 kg. Không những vậy, mặt hàng này còn luôn nằm trong danh sách bán chạy nhất cửa hàng.
Giới nội trợ chi tiền triệu mua chục cân trám đen ăn dần
Trám là món ăn dân giã, quen thuộc của người dân miền Trung. Ngày xưa trám được coi là món ăn của nhà nghèo, nhưng nay nó đã trở thành một sản vật được nhiều người ưa chuộng. Dù một cân trám có giá ngang ngửa một cân thịt lợn, song thức quả này vẫn được giới nội trợ săn lùng.
Hiện giá trám có phần nhỉnh hơn, riêng hàng loại 1 có thể lên tới 150.000 đồng/kg.
Trám đen có nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên. Mùa vụ sẽ bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 9 âm lịch. Thông thường, trám đen có 2 loại là trám nếp và trám tẻ, trám nếp thì dẻo bùi còn trám tẻ thì giòn cứng.
Là người buôn trám chuyên nghiệp, anh Nguyễn Hưng cho biết, mỗi tuần anh chốt hàng trăm đơn hàng online đặt mua quả. So với trám trắng, trám đen được mua nhiều hơn cả và có giá cao gấp 3 - 4 lần.
So với năm trước, hiện giá trám có phần nhỉnh hơn, riêng hàng loại 1 có thể lên tới 150.000 đồng/kg.
Chị Thu Hà, nhân viên văn phòng ở Hà Nội cho biết, chị phải canh 3 - 4 ngày qua mới mua được 5 kg trám đen trên mạng bởi dòng trám đen Lạng Sơn rất khó mua, vì hàng cứ về tới đâu là hết ngay đến đấy.
Nhà giàu xếp hàng, chi nửa triệu mua cân tóp mỡ về “ăn dè”
Tóp mỡ vốn là phần “xác thịt” của những khẩu mỡ khi rán lên còn thừa. Món ăn này vốn được xem là “đại diện” cho thời kỳ bao cấp khó khăn nay bỗng nhiên trở thành đặc sản, được bày bán trong các cửa hàng thực phẩm sạch với giá đắt đỏ.
Với giá bán từ 400 – 500 nghìn đồng/ kg, tóp mỡ không còn là món ăn bình dân mà đã trở thành đặc sản đắt đỏ… Thậm chí, tại nhiều nơi, khách muốn mua phải đặt trước từ 2-3 tuần mới có hàng.
Với giá bán từ 400 – 500 nghìn đồng/ kg, tóp mỡ không còn là món ăn bình dân mà đã trở thành đặc sản đắt đỏ
Anh Nguyễn Minh Tú, chủ một cửa hàng thực phẩm sạch ở Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, hơn một tuần nay món tóp mỡ rim mắm nhà anh luôn trong tình trạng “cháy hàng”, không đủ cung cấp cho khách. Trung bình, mỗi ngày anh nhận từ 50-80 đơn hàng. Lượng khách đông, hàng lại ít nên cửa hàng anh chủ yếu chỉ để bán cho khách quen ở Hà Nội.
Ngoài món tóp mỡ thường, nhiều cửa hàng còn bán thêm các vị như: tóp mỡ rim mắm, tóp mỡ chiên tỏi bơ… Do đó, giá cũng được chia thành nhiều loại như: tóp mỡ chiên mắm 500.000 đồng/kg, tóp mỡ nạc 350.000 đồng/kg, tóp mỡ quay dẻo 380.000 đồng/kg, tóp mỡ rim tỏi ớt 450.000 đồng/kg, tóp mỡ lá chanh 460.000 đồng/kg.
Rau dại “cứu đói” được nhà giàu Hà Nội lùng mua
Các loại rau dại như rau tầm bóp, rau bò khai, rau tàu bay… một thời được coi là loại rau “cứu đói” thì nay lại trở thành món rau đặc sản, được dân nhà giàu Hà thành săn mua.
Năm 2017, sau khi biết rau càng cua ở nước ngoài được coi như “thần dược”, tốt cho sức khỏe thì loại rau ăn có vị ngọt xen lẫn chua, thêm chút giòn này đã tạo nên cơn sốt, được nhiều người lùng mua về ăn với giá từ 70.000 - 110.000 đồng/kg, đắt ngang thịt.
Rau càng cua có giá đắt đỏ vẫn được săn lùng
Nhiều bà nội trợ cho biết, giá không chỉ đắt gấp đôi gấp ba các loại rau thường, mà thậm chí còn đắt hơn thịt cá bán ngoài chợ. Song muốn ăn không dễ kiếm.
Chị Nguyệt Thu (Đống Đa, Hà Nội) kể, ở Hà Nội để mua được các loại rau dại ăn không phải dễ, hầu như các chợ đều không bán mà phải đặt hàng qua mạng mới có. “Mà giá cũng không phải rẻ, một cân rau ngang ngửa với cân thịt cá. Nhưng do hiếm lại sạch nên có bao nhiêu tôi đều lấy hết để tủ lạnh dùng dần”, chị kể.
Đắt đỏ, hiếm tìm, nên nhiều người dân ở Hà Nội còn tầm mua hạt giống về trồng trên sân thượng để có rau ăn hàng ngày.
Xem thêm: Top 5 món ngon chuẩn Đài Loan được chế biến từ trà sữa và trân châu