Canh rau sắn hay canh "rau nhà nghèo" là món ăn đã có từ lâu, một thời là món ăn chống đói ở Phú Thọ. Ngày trước rau sắn chỉ là món ăn dân dã, dành cho nhà nghèo. Nhưng nay, canh rau sắn lại trở thành món ăn đặc sản, được gắn nhãn mác, và không phải lúc nào muốn ăn cũng có
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất trung du Phú Thọ, ngay từ nhỏ, tuổi thơ của anh Phạm Hùng Tuyến (xã Thụy Liễu, huyện Cẩm Khê) đã biết đến cây sắn.
Theo anh Tuyến, đất trung du khô cằn, ít cây nào có thể sinh trưởng được, nhưng hiểu sao cây sắn lại phát triển nhanh đến thế. Do đó, đâu đâu quanh nhà anh cũng chỉ là sắn.
Cây sắn mọc phát triển tốt trên đất đồi trung du Phú Thọ.
Trước kia, người dân trồng sắn chỉ để lấy củ làm thức ăn chăn nuôi, giá trị kinh tế không cao nên người dân quanh vùng đa phần khó khăn.
"Có lẽ cái khó ló cái khôn, chẳng biết từ bao giờ, người dân đã biết tận dụng ngọn sắn để làm dưa muối rồi lấy rau nấu canh ăn dần. Chẳng thế mà trước đây, ngoài cái tên rau sắn, người ta còn gọi nó với tên "rau nhà nghèo", anh Tuyến vui vẻ kể.
Mệnh danh là "rau nhà nghèo", nhưng nay rau sắn đã trở thành món ăn đặc sản khiến bất kỳ ai được thưởng thức cũng nhớ mãi.
Cũng theo anh Tuyến, khoảng chục năm trở lại đây, rau sắn bỗng trở lên "hot", được nhiều người ở khắp ưa chuộng, săn tìm.
Vùng đất dân "lên trời" ăn tiệc khi về phải qua 3 cái cổng tâm linh, hay nhất là xem thầy cúng làm việc này
Sở dĩ có chuyện này là bởi, không hiểu sao, rau sắn nấu với tép, cá hay với thịt, chân giò, nấu với xương lợn đều cho ra vị ngon đặc biệt, khiến bất kỳ ai một lần được thưởng thức cũng muốn được ăn lại.
Tuy nhiên, do người dân chỉ trồng sắn manh mún, bán đơn lẻ ở một số chợ, hay bỏ mối cho các nhà hàng nên không phải lúc nào muốn ăn cũng có.
Chính từ nhu cầu thực tế đó, sau thời gian suy nghĩ, anh Tuyến đã quyết định thành lập HTX Liên Gia Trang, gắn nhãn mác cho sản phẩm rau sắn với mong muốn nâng tầm "rau nhà nghèo" thành đặc sản, sản phẩm rau sắn được đưa đi khắp cả nước.
Theo anh Tuyến, hái rau sắn tưởng đơn giản, nhưng không phải ai cũng làm được. Ngọn rau sắn được chọn phải là những ngọn sắn mập mạp, non, mềm, tùy vào độ cao của ngọn sắn mà ngắt ngọn, sau đó sơ chế sao cho đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
"Rau sắn phải tươi, non nhưng vẫn đảm bảo độ giòn. Sau đó tuyển chọn lại một lần nữa, rửa qua nước sạch, bóp muối với liều lượng vừa phải rồi cho vào chum, vại sành vài ngày là có thể đóng gói, xuất bán được", anh Tuyến cho biết.
Rau sắn khi hái về, tiếp tục tuyển chọn rồi cho vào bể nước sạch để rửa...
Cũng theo anh Tuyến, việc muối dưa sắn trong chum, vại sành sẽ giúp giữ được hương vị đặc trưng của rau. Với rau sắn, khi nấu với xương, cá, chân giò lợn sẽ ngon nhất. Mùa đông ăn thì ấm, còn mùa hè thì giải nhiệt rất tốt.
Tháng 4/2020 vừa qua, HTX nông nghiệp sản xuất và chế biến nông sản Liên Gia Trang đã đóng gói, gắn tem mác cho "đặc sản rau sắn Phú Thọ".
Sau đó bóp với một lượng muối nhất định rồi cho vào chum, vại sành ngâm vài ngày là có thể ăn được
"Hiện tại, mỗi ngày HTX sản xuất được trên 40kg rau sắn, túi rau sắn thành phẩm có trọng lượng từ 600g – 1.200g, giá bán từ 20.000 – 35.000 đồng/gói. Sản phẩm rau sắn làm ra không đủ để bán, cứ sản xuất được gói nào nào là bán hết gói đó vì các nhà hàng, đại lý ở tỉnh Phú Thọ và TP Hà Nội đặt trước đó", anh Tuyến vui vẻ chia sẻ.
Anh Tuyến cho biết thêm, trước việc nguồn liệu liệu rau sắn sẵn có, dồi dào, trong khi đó cung không đủ cầu, nên thời gian tới, HTX Liên Gia Trang sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, tăng thu nhập cho các thành viên.