Bên cạnh không gian hoài cổ, Hội An còn thu hút du khách trong và ngoài nước bởi nền ẩm thực phong phú. Dưới đây là những món ăn mang nét đặc trưng của con người xứ Quảng luôn hiện hữu trong lòng phố cổ, được nhiều thực khách ưa thích.
Bánh ướt cuốn thịt nướng bên bờ sông Hoài
Toạ lạc bên dòng sông Hoài thơ mộng, nơi có phố đèn lồng đẹp nhất Hội An, quán bánh ướt cuốn thịt nướng được nhiều du khách thích thú khi vừa được thưởng thức ẩm thực của Hội An, vừa ngắm dòng sông Hoài thơ mộng. Món ăn này được cả người lớn và trẻ nhỏ yêu thích nên quán lúc nào cũng đông khách.
Bánh ướt cuốn thịt nướng được nhiều du khách thích thú khi đến Nghệ An. Ảnh: Foody
Một phần ăn đầy đủ gồm thịt xiên nướng, bánh ướt, rau sống và không thể thiếu loại nước chấm pha chế cầu kỳ. Thịt được nướng tại chỗ nên lúc nào cũng nóng và thơm. Khi đặt trong lớp bánh mỏng, thêm rau xanh mát, ăn cùng nước chấm sền sệt tạo ra vị ngon lạ miệng. Theo chủ quán, thịt nướng là loại thịt vai, vừa nạc vừa mỡ để khi nướng, lớp mỡ chảy ra giúp thịt mềm mà không bị khô. Ngoài các loại cơ bản, gia vị để ướp thịt còn có ngũ vị hương, tiêu, sả, hành tím, mật ong. Nhiều hàng cầu kỳ còn cho thêm rượu trắng vào để tăng mùi vị. Thịt sau khi ướp và để cho ngấm thì kẹp vào một chiếc đũa rồi đem nướng bằng bếp than hồng.
Rau ăn kèm được lấy từ làng Trà Quế - nơi nổi tiếng với các loại rau sạch và tươi ngon. Hầu hết quán ăn ở phố Hội đều lấy rau từ nơi này. Khách có thể gọi thêm rau hoặc dưa leo (dưa chuột) tuỳ thích.
Bánh xèo
Du khách đến du lịch Hội An mà chưa nếm thử bánh xèo thì quả là một điều thiếu sót bởi đây là một nét ẩm thực đặc trưng của người dân phố Hội. Hội An được biết đến với rất nhiều món bánh mà đặc biệt là mỗi món lại ăn vào một mùa thì mới thưởng thức được hết cái ngon của nó.
Nguyên liệu chính để làm bánh xèo ngoài gạo, đòi hỏi phải có tôm, thịt và các loại rau cuốn kèm. Gạo làm bánh phải được chọn loại gạo ngon cho vào ngâm rồi xay thành nước bột gạo. Nước bột gạo cũng được pha chế sao có độ lỏng vừa phải để tạo nên độ giòn, dẻo của bánh. Nếu đặc quá, bánh sẽ khô, sống. Nếu lỏng quá bánh sẽ mềm, nát, sít với chảo.
Bánh xèo phải ăn nóng mới ngon, đúng điệu. Ảnh: I.T
Khi chuẩn bị bột và các nguyên liệu phụ như giá, thịt, dầu phụng xong, người ta bắt tay vào đổ bánh xèo. Khi chảo nóng, người ta đặt vào lòng chảo một vài con tôm và thịt ba chỉ xắt nhỏ. Thịt và tôm đã được ướp mắm, muối, gia vị và xào sơ qua cho vừa chín. Dầu chín toả mùi thơm thì dùng vá múc nước bột gạo đổ vào chảo. Bột gặp dầu nóng phát ra tiếng kêu “xèo, xèo” nghe rất vui tai. Có lẽ vì những âm thanh này mà người ta đặt tên bánh là bánh xèo chăng?
Sau khi đã cho bột vào chảo, người chủ cho lên trên một ít giá đậu xanh rồi đậy vung lại cho bánh chín. Lúc bánh chín giòn được gắp ra sắp lên đĩa để mời khách. Nhìn những đĩa bánh vàng giòn, thơm ngát, thực khách đã muốn thưởng thức ngay.
Bánh phải ăn nóng mới ngon, đúng điệu, tức làm đến đâu ăn đến đấy và khi ăn không dùng đũa, muỗng mà chỉ dùng tay. Cách thưởng thức bánh xèo ngoài việc dùng khứu giác, vị giác ra, bắt buộc người ăn phải dùng đến xúc giác, thính giác mới thấy hết phần hấp dẫn.
Hoành thánh
Hoành thánh là món ăn của người Hoa nhưng tồn tại ở Hội An khá lâu rồi nên cũng thường được coi là một trong những món đặc sản của Hội An. Hoành thánh có ba dạng là súp, chiên và mì. Những loại này đều được ăn nhiều vào tầm giờ chiều để lót dạ trước khi thưởng thức các món chính.
Nguyên liệu chính gồm bột mì, trứng gà và tôm. Bột sau khi đánh cùng trứng và ủ lên men được cán mỏng, cắt thành từng ô nhỏ làm vỏ bánh. Phần nhân gồm tôm ướp gia vị giã nhuyễn. Hoành thánh được chan một chút nước dùng thơm mùi dứa, cà chua và nấm rơm. Bạn sẽ được phục vụ kèm một đĩa rau cải xanh non. Đây chính là sự kết hợp đầy ăn ý của món ăn.