Không chỉ lạ ở tên gọi và thành phần, màu sắc và cách chế biến độc đáo cũng đã góp phần làm nên các món ngon đặc trưng xứ Huế.
Bún bò
Với nhiều người, món ăn này đã trở thành "huyền thoại" trong làng ẩm thực. Nhắc đến Huế, bún bò giò heo là món đầu tiên được mọi người nói đến. Tại đất cố đô, món ăn này được bày bán mọi nơi, từ các hàng quán bình dân ven đường, các khu chợ địa phương đến nhà hàng sang trọng.
Ở hầu hết các thành phố khác trên cả nước, bún được dùng trong món ăn này thường có sợi to. Nhưng tại Huế, bạn có thể thưởng thức các phiên bản bún khác nhau: sợi to và có nơi bán cả sợi bún nhỏ. Một bát bún đầy đủ thường bao gồm giò heo ninh nhừ béo ngậy, một - hai miếng tiết to, giò bò, thịt bò luộc thái mỏng. Giá mỗi bát từ 20.000 đồng (tại chợ Đông Ba) đến 50.000 đồng (tại các hàng quán).
Bún bò ăn kèm rau sống, giá đỗ. Nếu thích ăn rau chín, bạn có thể yêu cầu chủ quán trần rau sống giúp trước. Ảnh: Ngọc Trân
Bánh phất
Bánh phất, một món bánh có tên kỳ lạ mà hiện nay ít nơi ở Huế còn bán. Bánh phất Huế có vỏ ngoài làm từ bột gạo như bánh ướt, phần nhân gồm rau củ xào ăn, một ít thịt luộc hoặc chả ăn kèm với rau sống và nước mắm chanh tỏi ớt. Nghe qua thì loại bánh này rất giống với món bánh cuốn, thế mà lại không phải là bánh cuốn.
Minh họa từ internet
Sở dĩ có tên gọi là "bánh phất" bởi động tác làm bánh, thay vì chỉ cần cho nhân vào trong và cuốn lại thì người bán sẽ gập hoặc lật nhanh, động tác này tiếng Huế hay gọi là phất (hất) bánh, chính vì vậy mà cái tên ngộ nghĩnh và độc đáo này ra đời.
Bánh phất có hai loại gồm cả nhân mặn và nhân ngọt. Bánh phất ngọt thì được làm từ bột lọc và nhân là từ các loại củ quả như khoai lang, khoai tía, đậu xanh, bí đỏ… là một trong những món bánh của cung đình xưa. Ở Huế hiện nay món bánh phất đã không còn được bày bán nhiều, nếu muốn nếm thử hương vị của loại bánh đậm chất Cố Đô, bạn có thể tìm thử ở các quán bán bánh nậm bánh bèo hoặc một địa chỉ được nhiều người giới thiệu nhất là quán bà Toàn nằm ở số 9 Ưng Bình, Phường Vỹ Dạ, TP. Huế.
Bún nghệ lòng lợn
Dù là món ăn bình dân, bún nghệ lòng lợn được người dân yêu thích không kém bún bò. Thành phần chính của món ăn là những sợi bún vàng ươm được nhuộm màu bởi nghệ tươi, lòng lợn, tiết heo, rau răm , trộn đều cùng gia vị, sa tế, nước tương.
Các nguyên liệu để làm món bún bình dân, công đoạn chế biến công phu. Bún phải dẻo thơm, lòng lợn phải rửa sạch để khử hết mùi hôi, tiết béo ngậy, vị đậm đà mới được coi là "đạt chuẩn".
Tùy từng nơi, nhưng giá trung bình một bát bún này từ 15.000 đồng. Ảnh: Ngọc Trân
Bún giấm nuốc
Vẫn là một món ngon dân dã, nhưng không thấy ở đâu, ngoài xứ Huế có món bún này. Nguyên liệu chính làm nên món bún này là con nuốc, nghe tên thì có vẻ lạ nhưng nuốc cũng là một loại động vật nhuyễn thể có vẻ ngoài khá giống với sứa biển.
Con nuốc thường nổi lên thành từng mảng vào mùa hè ở các vùng nước lợ của Huế. Những con nuốt trong xanh mơn mởn chỗ mềm chỗ giòn sần sật, thanh thanh. Nên đến Huế trong dịp hè với cái nóng oi ả thì chỉ cần ăn một tô bún giấm nuốc là cảm thấy mát hẳn ra.
Bún giấm nuốc nhìn hình thức thì có vẻ đơn giản nhưng thực ra để chế biến được một tô bún chuẩn lại rất cầu kỳ. Mỗi tô có bún tươi, chả cá, tôm, bánh tráng bùi bùi và một ít "nuốc chân", bên cạnh đó còn được ăn kèm với bắp chuối sứ xắt mỏng trộn với kinh giới, giá và các loại rau thơm. Mỗi thứ chút chút mà đủ vị và tất nhiên thêm chút cay cay của ớt Huế.
Dù là món ăn đặc sản nhưng hiện nay không phải nơi nào tại Huế cũng có món bún giấm nuốc. Theo chân dân sành ăn xứ Huế cho biết, hiện tại chỉ còn một quán ở Huế bán món bún giấm nuốc ngon nằm ngay chân cầu Gia Hội, chỉ với 30.000 đồng bạn đã có thể thưởng thức hương vị của món bún độc nhất vô nhị tại Huế này.
Bún hến
Tại các quán bán cơm hến, chủ quán thường bán kèm một món khác là bún hến. Đây cũng là một loại bún trộn, ăn khô với hến xào, rau sống, lạc rang giã nhỏ, bánh tráng, bì heo, tóp mỡ và cuối cùng là một thìa mắm ruốc. Tiếp tục là lớp rau gồm hoa chuối, dọc mùng, dứa, khế và rau thơm, ớt xào.
Tùy theo quán hoặc yêu cầu của người ăn mà họ sẽ chan nước hến nóng xâm xấp tô bún hến hoặc để riêng ở một tô khác.
Giá một bát bún từ 10.000 đồng. Ảnh: Ngọc Trân
Bột lọc chiên
Nếu bánh bột lọc truyền thống được hấp chín với lớp vỏ mềm mịn thì phiên bột lọc chiên cũng là món đặc trưng tại Huế.
Bánh bột lọc chiên chế biến khá đơn giản. Bột lọc được nhồi rồi nặn thành những chiếc bánh nhỏ. Bên trong bánh có nhân là những chú tôm nhỏ. Một trong những bí quyết để khi chiên, bánh không nổ và vỡ tung nhân làm bánh được đảo qua nước nóng và trộn với dầu ăn. Trước khi chiên thì lấy vá vớt ráo và đổ vào chảo dầu đang sôi. Từng chiếc bánh sẽ nhanh chóng phồng lên. Vỏ bánh xù lên trắng đục và hơi vàng là được.
Chiếc bánh nhỏ nhắn nhưng lại có sức quyến rũ riêng biệt làm người ta ăn vào sẽ nhớ mãi. Người Huế có thể thưởng thức bánh bột lọc chiên vào bất kì thời gian nào nhưng thời điểm có chút gió se thì lý tưởng hơn cả. Bánh vừa chiên xong sẽ rất nóng hổi, giòn dai, có vị mặn mặn của tôm, thịt băm, ăn kèm với nước chấm cay cay. Bánh có thể dùng thêm cùng với trứng cút hoặc tré để giảm bớt vị ngấy của dầu ăn.