"Không biết đến bao giờ tư duy làm phim theo kiểu coi thường khán giả mới chấm dứt?".
Lọ lem Sài Gòn - một bộ phim được quảng bá rùm beng do điện ảnh Hàn Quốc hợp tác với Việt Nam sản xuất đã mở màn mùa phim hè bằng một sự thất vọng dữ dội. Không biết đến bao giờ tư duy làm phim theo kiểu coi thường khán giả mới chấm dứt?
Cẩu thả và nhạt nhẽo
Ngay trong buổi chiếu ra mắt Lọ lem Sài Gòn vào cuối tháng 5 vừa qua, rất nhiều khán giả đã lục tục rời phòng chiếu khi mới xem được nửa bộ phim (dài hơn 100 phút). Rõ ràng, sự kỳ vọng về một bộ phim có sự hợp tác với điện ảnh Hàn Quốc - một nền điện ảnh có tiếng của khu vực châu Á đã càng làm cho người xem thất vọng nặng nề hơn.
Psy nhí không "cứu" được Lọ lem Sài Gòn.
Kịch bản phim thì cũ rích: Mai - một nhân viên tạp vụ trong khách sạn đã khiến cho một ngôi sao trong nhóm nhạc thần tượng Hàn Quốc sang Việt Nam làm giám khảo cuộc thi hát “tầm cỡ châu Á” yêu say đắm. Ngoài vẻ ngoài dễ thương, Mai còn có một giọng hát tuyệt vời. Cùng tham gia cuộc thi này có Phương- một tiểu thư nhà giàu cũng yêu ngôi sao Hàn Quốc nhưng không được đáp lại nên rắp tâm phá mối tình đẹp kia. Tuy nhiên, cuối cùng tình yêu của hai người vẫn vượt qua sóng gió.
Kịch bản cũ đã là một chuyện, nhưng điều làm khán giả không thể ngờ là phim lại được làm quá cẩu thả. Một cuộc thi tầm cỡ châu lục mà như màn văn nghệ cấp phường. Toàn bộ âm nhạc trong phim thì dở tệ, giọng hát của Mai- nhân vật nữ chính thì yếu xìu, hát còn chênh và phô, lời thoại cứng ngắc, tình tiết thì vô lý, gượng ép kiểu như... gí dao vào cổ bắt khán giả phải chấp nhận.
Chỉ riêng chuyện hai nhân vật chính, Mai và Jun Ho, cứ người nói tiếng Việt, kẻ nói tiếng Hàn mà vẫn hiểu và yêu nhau từ đầu đến cuối phim đã khiến khán giả... há mồm vì kinh ngạc. Đó là chưa kể đến chuyện cậu bé Psy nhí được cài cắm vào danh sách diễn viên tham gia đóng phim hóa ra là một màn “treo đầu dê bán thịt chó” không hơn không kém với mục tiêu quảng bá cho phim. Được trông chờ hết sức, nhưng cuối cùng, Psy nhí chỉ thoáng xuất hiện trong một vài màn nhảy dài khoảng trên dưới 1 phút và chẳng liên quan gì đến phim. Ngoài ra, còn một số màn quảng cáo trắng trợn cho một vài nhãn hàng.
Khán giả Kiều Anh ở quận 1 (TP.HCM) bức xúc: “Tôi cảm thấy bị coi thường khi phải xem những bộ phim như thế này. Dường như các nhà làm phim đã nghĩ trình độ thưởng thức điện ảnh của khán giả Việt Nam quá thấp kém nên mới tự tin làm một bộ phim vô lý và sống sượng đến như thế”.
Đua nhau làm... nhảm
Chỉ trong 5-7 năm gần đây, từ khi mùa phim Tết rầm rộ ra rạp, khán giả Việt Nam rơi vào trạng thái hoang mang khi phải chứng kiến hàng loạt phim hài nhảm mà đi “tiên phong” là Hãng Phước Sang. Rồi hàng loạt những hãng phim khác cũng đua theo phong cách này để sản xuất phim theo kiểu gây cười ngớ ngẩn. Điều đáng lo là từ phim tết, phong cách phim nhảm đã lây lan ra nhiều phim khác có thể điểm danh như “Nàng men chàng bóng”, “Tối nay 8 giờ”, “Cát nóng”, “Truy sát”, “Cảm hứng hoàn hảo”, “Ranh giới trắng đen”...
Cảnh trong phim Lọ lem Sài Gòn.
Có cảm tưởng như các đạo diễn đang coi thường gu thưởng thức của khán giả điện ảnh Việt Nam, cho rằng trình độ của họ có hạn nên cứ kể mấy câu chuyện phi lý, bịa đặt, bất cần logic, chêm vào vài cảnh trai xinh, gái đẹp, vài màn chọc cười nhố nhăng là làm thỏa mãn nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của họ.
Công thức của phim nhảm Việt Nam đã có thể tổng kết được, đó là “thứ nhất bóng lộ, thứ nhì khùng khùng, thứ ba phép thuật” để khái quát về những dạng phim làm lấy được của dòng phim này. Tức là các kịch bảm thường chọn đề tài đồng tính để chọc cười hay những nhân vật có tính cách không giống ai và cuối cùng là dạng phim siêu tưởng khi nhân vật có phép thuật để làm những việc kỳ dị.
Tất nhiên, “phim nhảm” là do khán giả và giới báo chí đặt cho dòng phim này, còn không một đạo diễn nào chịu nhận phim mình làm ra là... phim nhảm. Thế nên mới có chuyện khi “Nàng men chàng bóng” bị xếp vào hàng “thảm họa chúa” của phim Việt thì đạo diễn của phim đã bức xúc lên tiếng cho rằng mình bị “vùi dập, mạt sát ác ý”, “phim giải trí thì chỉ cần khán giả cười là đạt yêu cầu”.
Một vấn đề đặt ra là tại sao trong quá khứ, khi điều kiện vật chất và khả năng tài chính thua xa hiện nay, điện ảnh Việt Nam đã từng có những bộ phim chất lượng nghệ thuật cao, đoạt giải quốc tế, làm xúc động lòng người, hài cũng ra hài và rất giải trí. Còn tại sao ngày nay, khi điều kiện đã khá hơn thì phim ảnh chúng ta lại sa sút thảm hại đến như vậy? Khán giả cứ liên tục bị “đánh đắm”, bị “chết chìm” trong những đợt sóng phim nhảm liên tiếp dập vùi tình yêu điện ảnh vốn đang rất mong manh trong họ.