Cứ đến mùng 6 hằng năm, ngôi chợ nhỏ ở huyện Đông Sơn tỉnh Thanh Hóa lại tấp nập người ra vào. Không chỉ là nơi kinh doanh, trao đổi hàng hóa, mà người dân ở đây còn thực hiện nghi thức “độc lạ” để lấy may mắn.
Chợ Chuộng thuộc xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa là một phiên chợ độc đáo có một không hai. Hàng năm, cứ đến mùng 6 Tết, hàng nghìn người lại kéo nhau đến phiên chợ này cầu cho một năm thuận hòa, may mắn.
Điều đặc biệt ở phiên chợ này đó là người đến chợ không chỉ mua bán hay thưởng thức các món ăn như lệ thường, mà còn tham gia hoạt động ném…cà chua.
Người xưa quan niệm, cứ tham gia chợ Chuông, nếu bị ném nhiều quả cà chua vào người thì lại càng may mắn.
Đến chợ Chuộng, người dân và du khách sẽ được hòa mình vào không khí rượt đuổi, dùng cà chua để ném nhau lấy may. Khi đã vào chợ, các nam thanh nữ tú bất kể là ai đều mua cà chua và chia thành từng nhóm ném vào nhau mà không cần lý do. Những thiếu nữ càng xinh đẹp, càng mặc các bộ quần áo sặc sỡ thì càng bị ném cà chua nhiều hơn. Nét độc đáo của phiên chợ này là không phân biệt già trẻ, gái trai, cứ nhìn thấy nhau họ lại ném quả cà chua, tạo nên không khí sôi động, náo nhiệt.
Họ nhuộm đỏ cả khu chợ bằng cà chua chín mọng.
Theo các cao niên ở xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn, phiên chợ Chuộng có nguồn gốc từ thời nhà Lê và gắn liền với một câu chuyện lịch sử đầy ý nghĩa. Tương truyền rằng, vào mùng 6 tháng Giêng, một vị tướng nhà Lê trong lúc bị giặc truy đuổi đã chạy qua khu vực ven bờ sông Thiều, thuộc xã Đông Hoàng. Trong tình thế nguy nan, để tránh bị phát hiện, vị tướng đã ra lệnh cho quân lính cùng dân làng tổ chức một phiên chợ giả. Khi quân địch kéo đến, nhìn thấy khung cảnh họp chợ nhộn nhịp với người bán, người mua, họ lầm tưởng đây chỉ là một phiên chợ quê bình thường nên mất cảnh giác, không tiến hành lùng sục. Nhờ đó, vị tướng và đoàn quân đã thoát hiểm an toàn.
Sau sự kiện ấy, để tưởng nhớ công lao và trí tuệ của vị tướng, người dân đã duy trì phiên chợ vào mùng 6 Tết hằng năm. Lâu dần, chợ Chuộng không chỉ mang ý nghĩa tưởng nhớ lịch sử mà còn trở thành một phong tục đặc biệt để cầu may mắn và bình an cho cả năm mới.
Tuy bị ném nhiều cà chua, quần áo lấm lem vết bẩn nhưng người dân không nề hà, cáu gắt, trái lại họ thấy vui mừng vì đây là dấu hiệu cả năm tới ngập tràn điều may.
Hành động ném cà chua tại phiên chợ cũng được cho là bắt nguồn từ sự phóng khoáng và tinh thần vui vẻ của những người tham gia. Cà chua, biểu tượng cho sự tươi mới và màu đỏ rực rỡ, tượng trưng cho may mắn, được người dân dùng để ném lẫn nhau như một cách xua đi xui xẻo và chào đón năm mới với nhiều hy vọng.
Việc ném cà chua không chỉ là một hành động mang tính giải trí mà còn tượng trưng cho việc bỏ lại những điều cũ kỹ, xui rủi để đón chào một khởi đầu tươi sáng hơn.
Ngoài hoạt động chính là ném cà chua, tại phiên chợ còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian khác để gắn kết cộng đồng, ngập tràn không khí vui tươi của mùa xuân.
Ngoài ra, tại phiên chợ, bánh đa đỏ được người địa phương mua nườm nượp với ý nghĩa đầu năm mang về vận đỏ, có ý nghĩa biểu trưng hết sức quan trọng, là may mắn đầu xuân cả năm buôn bán thành công, con cháu phúc hoà.
Ngày nay, lễ hội ném cà chua ở chợ Chuộng không chỉ là dịp để người dân địa phương gặp gỡ, giao lưu mà còn thu hút nhiều du khách, góp phần quảng bá hình ảnh của Thanh Hóa, vùng đất non nước hữu tình cùng nhiều món đặc sản hấp dẫn. Với không khí nhộn nhịp, lễ hội đã trở thành một điểm nhấn đặc sắc trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây.