Quá trình tiến hóa của những động vật sống trên đất liền đầu tiên từng bị chậm lại trong hàng triệu năm vì lý do bất ngờ, nghiên cứu dựa trên một loài "tổ tiên quái vật" của muôn loài đã chỉ ra.
Theo SciTech Daily, nhóm nghiên cứu từ Đại học Bristol, University College London thuộc Đại học London - Anh và Đại học Pompeu Fabra đã xem xét hóa thạch hộp sọ của 100 loài động vật sống và hóa thạch, bao gồm những con cá bốn chân 400 triệu tuổi.
Cá bốn chân - trông như những con quái vật kỳ dị nửa thủy quái, nửa giống bò sát - là lớp tiên phong chuyển đổi môi trường sống từ đại dương sang các lục địa, là tổ tiên của tất cả mọi dòng họ động vật trên cạn từ các loài lưỡng cư đến con người.
Chân dung "quái vật tổ tiên" tetrapod - Ảnh: Mark Garlick
Thế nhưng có một giai đoạn các vị tổ tiên này tiến hóa khá chậm. Lý do bất ngờ dẫn đến "cú chững lại" của sự sống Trái Đất đã được hé lộ trong bài công bố vừa đăng tải trên Sciece Advances: Hộp sọ.
Theo tác giả chính James Rawson từ Trường Khoa học Trái Đất Đại học Bristol, hộp sọ tetrapod, một đại diện của nhóm cá 4 chân, có ít xương sọ hơn các loài tổ tiên và ít hơn các loài sau này.
Nghe có vẻ ngược đời, nhưng ít xương sọ hơn lại khiến hộp sọ trở nên phức tạp về mặt cấu trúc hơn. Vì ít xương nên mỗi xương phải kết nối với nhiều xương lân cận hơn, tạo ra một cấu trúc phức tạp và cứng nhắc, khiến sinh vật bị "mắc kẹt", trì hoãn quá trình tiến hóa trong hàng triệu năm.
Có vẻ sự xuất hiện kỳ quặc của hộp sọ cứng nhắc này liên quan tới một sự kiện cách đó 10 triệu năm khiến các chi động vật bị suy giảm.
Rất may, khúc mắc này đã được quá trình tiến hóa kỳ diệu loại bỏ, dù chậm chạp, giúp sự sống Trái Đất tiếp tục tiến hóa mạnh mẽ và đa dạng một lần nữa - điều liên quan mật thiết đến sự xuất hiện và mức tiến hóa của muôn loài bao gồm con người chúng ta ngày nay.