Bộ phim điện ảnh Cô Ba Sài Gòn vừa công chiếu đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía người xem, khơi gợi lại cội nguồn văn hoá việt.
Trước khi ra mắt, bộ phim Cô Ba Sài Gòn đã được khán giả và truyền thông quan tâm đặc biệt. Những poster, trailer, tin tức về phim tạo ra "làn sóng" tranh luận sôi nổi. Đặc biệt, thông tin Ngô Thanh Vân đưa Cô Ba Sài Gòn đi “chinh chiến” ở LHP Busan và nhận được “cơn mưa” lời khen càng khiến khán giả nước nhà mong ngóng bộ phim này hơn.
Trailer phim Cô Ba Sài Gòn
Tuy nhiên, sau “bom xịt” Tấm Cám: Chuyện chưa kể, nhiều người thấy nghi ngờ phim của Ngô Thanh Vân nên lựa chọn chờ phản hồi của người xem sau khi phim ra rạp. May mắn thay, Cô Ba Sài Gòn thực sự khiến khán giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, cảm xúc cũng được đong đầy qua từng thước phim.
Bộ phim Cô Ba Sài Gòn xoay quanh cuộc đời của Như Ý (Ninh Dương Lan Ngọc) – con gái duy nhất của bà chủ tiệm may Thanh Nữ nức tiếng về việc may áo dài. Như Ý nổi tiếng khắp Sài thành vì phong cách thời trang thanh lịch. Cô cũng yêu thích thời trang và mong muốn mở một xưởng may của riêng mình. Tuy nhiên, cô chỉ đam mê với Âu phục mà ghét cay ghét đắng tà áo dài Việt.
Như Ý cho rằng áo dài là một thứ cũ kĩ, không còn có thể sáng tạo gì thêm được nữa. Là truyền nhân duy nhất của tiệm may Thanh Nữ nhưng Như Ý không hề biết may áo dài. Biến cố bất ngờ ập đến khi Như Ý khoác lên mình bộ áo dài truyền thống do mẹ Thanh Mai (Ngô Thanh Vân) đặc biệt may cho cô. Khi Như Ý chạm tay lên viên ngọc được truyền lại từ nhiều đời, cô bất ngờ xuyên không từ năm 1969 đến năm 2017.
Ở đây, Như Ý năm 1969 đã gặp Như Ý năm 2017 (NSND Hồng Vân). Cô phát hiện ra hàng loạt bi kịch xảy đến với gia đình mình. Đau đớn hơn khi nguyên nhân là do sự bướng bỉnh, ngang ngược của cô. Từ đây, Như Ý cùng mình của 48 năm sau và Tuấn (S.T 365) cùng tìm cách khôi phục lại danh tiếng của nhà may Thanh Nữ - tâm huyết cả đời của mẹ cô.
Nhiều khán giả chắc chắn sẽ bất ngờ với tình tiết xuyên không ở bộ phim Cô Ba Sài Gòn. Bởi những thông tin được nhà sản xuất tiết lộ trước khi phim công chiếu khiến nhiều người mang trong mình tâm thế đi xem một bộ phim về Sài Gòn xưa – thời điểm Sài thành với những tà áo dài thướt tha trên khắp con phố. Tuy nhiên, thực tế thì Sài Gòn năm 1969 chỉ chiếm một thời lượng nhỏ ở phần đầu phim.
Dù “đánh lừa” khán giả nhưng Cô Ba Sài Gòn vẫn được yêu thích bởi cách chuyển mạch phim nhẹ nhàng, hợp lý. Thước phim về Sài Gòn năm 1969 được chọn lựa kỹ lưỡng đã thành công tái hiện lại Sài thành đúng trong ký ức của những người trót yêu nơi đây của những ngày xưa cũ. Từng chi tiết nhỏ nhặt nhưng vẫn được nhà làm phim bỏ tâm sức ra để làm một cách hoàn hảo nhất.
Trước đó, hình ảnh nhà thờ Đức Bà trong thiếp mời ra mắt bộ phim cũng đã để lại ấn tượng đẹp cho người nhận. Hình ảnh nhà thờ Đức Bà – biểu tượng của Sài Gòn trong thiếp mời không hề có hai chóp nhọn như hiện nay. Điều này đã cho thấy sự nghiêm túc của ê kíp làm phim khi tìm hiểu về lịch sử, quá trình phát triển và văn hoá của "hòn ngọc Viễn Đông". Từ những điều nhỏ nhặt này, người xem có thể thấy an tâm về hình ảnh, trang phục, câu thoại… trong phim sẽ thoả mãn kỳ vọng của những người khó tính nhất.
Diễn xuất tốt của dàn diễn viên giúp bộ phim trở nên mượt mà và cảm xúc hơn. Ninh Dương Lan Ngọc và Diễm My 9x (vai Helen – người luôn đối trọng với Như Ý) diễn tròn vai của mình. Họ đưa đến sự trẻ trung và hơi thở của thời đại mới. Tuy nhiên, diễn xuất ấn tượng nhất lại thuộc về diễn viên gạo cội NSND Hồng Vân và Diễm My 7x.
Dù luôn chìm trong trạng thái say xỉn nhưng NSND Hồng Vân lại toát lên được cái tỉnh của người say. Những nút thắt trong lòng của Như Ý 2017 hiện rõ trước mắt người xem và dường như có thể chạm vào được. NSND Hồng Vân vừa đưa lại tiếng cười vì thái độ tưng tửng, bất cần nhưng lại khiến khán giả thấy nhói tim vì những cơn sóng ngầm trong nội tâm.
Diễm My 7x vào vai Thanh Loan – mẹ của Helen. Nữ diễn viên 7x để lại ấn tượng sâu đậm bởi phong thái rất riêng khi diện áo dài. Khi phụ nữ diện áo dài, người ta luôn nghĩ đến hình ảnh dịu dàng, thục nữ nhưng ở Diễm My 7x lại toát lên khí chất sắc sảo, mặn mà nhưng vẫn đậm chất người phụ nữ Việt.
Điểm cộng tiếp theo của Cô Ba Sài Gòn chính là những kiến thức về áo dài được đưa khéo léo vào từng cảnh phim. Không khô khan như những bộ phim tài liệu về một ngành nghề nào đó, tinh hoa về áo dài và những kiến thức thời trang qua các thời kỳ trong Cô Ba Sài Gòn được đưa đến một cách mềm mại và sâu sắc. Áo dài trong bộ phim chính là cội nguồn, là tâm hồn, là văn hoá của người Việt chứ không phải của riêng Sài Gòn nữa.
Đương nhiên, bộ phim cũng có những điểm trừ như: thoại phim có nhiều từ chuyên ngành hay của riêng người Sài Gòn nhưng lại được nói với tốc độ nhanh khiến nhiều khán giả không hiểu được. Cuộc đối đầu nảy lửa của hai nhân vật Như Ý và Helen bất ngờ được giải quyết nhẹ nhàng và an toàn nên chưa đạt được đỉnh cao của xung đột kịch.
Diễn xuất của S.T 365 nhàn nhạt, chưa để lại được nhiều ấn tượng. Cảnh phim của năm 2017 chưa gọi được cái hồn và đặc trưng của Sài thành ngày nay. Thời trang của Ninh Dương Lan Ngọc khi đến hiện đại đôi khi hơi diêm dúa, bánh bèo, mất đi sự thanh lịch mà cô đã thành công đạt được khi ở năm 1969.
Dù còn một vài thiếu sót nhưng Cô Ba Sài Gòn vẫn là bộ phim điện ảnh Việt đáng xem nhất hiện nay. Phim không đơn thuần chỉ là một bộ phim thời trang hay câu chuyện trưởng thành của nhân vật. Cô Ba Sài Gòn là tâm hồn, văn hoá người Việt và những ký ức không thể quên trong trái tim nhiều thế hệ.
Bộ phim công chiếu trên các rạp phim trên toàn quốc từ ngày 10/11.
>> XEM TIẾP: NINH DƯƠNG LAN NGỌC BẤT NGỜ ĐOẠT GIẢI GƯƠNG MẶT CHÂU Á TẠI LHP BUSAN